Cách đây rất lâu, có một chàng trai trẻ đi khắp nơi cầu Đạo. Vì để theo đuổi chân lý, anh đã không quản băng rừng, vượt thác, trèo non, lội suối để tìm gặp ẩn sĩ tu luyện. Nhưng dù đã thỉnh giáo rất nhiều người anh vẫn không tìm được chân lý hằng mong.
Về sau, có người nói với anh rằng trên núi Yên Tử có một vị cao tăng đắc Đạo. Vị cao tăng ấy có thể giải đáp được những câu hỏi lớn của đời người. Thế là chàng trai trẻ đi suốt mấy ngày liền không nghỉ, hỏi thăm nơi ở của vị cao tăng nọ.
Một ngày kia, khi đến dưới chân núi, chàng trai trẻ nhìn thấy một tiều phu đang gánh củi đi từ trên núi xuống. Chàng liền vội bước đến hỏi: “Người anh em, xin hỏi ngọn núi này là nơi tu luyện của một vị cao tăng đắc Đạo đúng không? Anh có biết ông ấy đang ở đâu không? Dáng vẻ ông ấy trông như thế nào?”.
Tiều phu nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Trên núi này thật sự có một vị cao tăng, nhưng không ai biết rõ ông ấy sống ở đâu. Bởi ông ta thường hay vân du tứ xứ độ hóa con người. Còn về tướng mạo, có người nói ông ấy diện mạo hòa ái từ bi, cũng có người nói ông ta quần áo rách rưới, không chăm chút đến chuyện ăn mặc. Rốt cuộc cũng không ai biết rõ”.
Chàng trai trẻ rối rít cảm ơn tiều phu. Anh hạ quyết tâm tìm bằng được vị cao tăng đó nên đã không quản hiểm nguy vào tận núi sâu. Trên đường đi, anh lại gặp nào là nông phu, thợ săn, mục đồng, người hái thuốc… nhưng mãi vẫn không tìm được vị cao tăng có thể chỉ giáo cho mình.
Tuyệt vọng, anh đành phải quay đầu xuống núi. Giữa đường có một lão ăn mày cầm chiếc chén vỡ xin anh nước uống. Chàng trai trẻ lấy túi nước đang đeo trên người xuống, rót vào trong cái chén vỡ đó. Nhưng lão ăn mày còn chưa kịp đưa lên miệng uống thì nước đã chảy hết sạch. Chàng trai trẻ lại đổ nước vào trong chén, giục lão ăn mày hãy đưa mau lên miệng uống. Nhưng cái chén vừa mới đưa lên, nước lại chảy sạch hết.
“Cái chén vỡ như thế này thì làm sao đựng nước được!”. Chàng trai trẻ không nhịn được, bực mình nói.
“Này, kẻ đáng thương, có phải cậu đã đi khắp nơi tầm sư học Đạo? Ngoài mặt thì tỏ vẻ khiêm tốn nhưng trong tâm lại luôn phán xét người khác thì làm sao tiếp nhận được chân lý đây? Những thành kiến này đã tạo thành một lỗ hổng rất lớn trong tâm cậu, khiến cậu không bao giờ tìm được câu trả lời”.
Chàng trai trẻ giật mình tỉnh ngộ, vội quỳ xuống bái lạy nói rằng: “Xin hỏi đại sư, ngài có đúng thật là vị cao tăng mà tôi hằng tìm kiếm lâu nay hay không?”. Chàng trai trẻ hỏi liền mấy lần đều không thấy trả lời, khi ngẩng đầu lên thì đã không thấy người ăn mày đó nữa.
Chúng ta cũng vậy, rất nhiều người vẫn luôn khát khao tầm Đạo, khi khắp nơi để tìm cầu chân lý, tìm về ý nghĩa nhân sinh đích thực của đời người. Nhưng Đạo ấy, chân lý ấy đâu phải là thứ tri thức hữu hạn trong xã hội, người ta không thể nghe bằng tai, nhìn bằng mắt, mà phải tìm bằng cả con tim…
Cũng giống như khi đứng trước một người ăn mày, kẻ phàm nhu sẽ nghĩ chỉ là một “lão ăn mày” và tỏ ra thô bạo, người hảo tâm lại nghĩ dù sao đó cũng là “một con người” và tỏ ra tử tế. Còn bậc trí giả Thánh nhân lại thốt lên: “Một tâm hồn!” và dùng từ bi để đối đãi.
Vậy đó, điều làm nên sự khác biệt của những bậc Thánh nhân chính là con tim của họ. Chỉ khi mang một cái tâm thánh khiết, người ta mới không bị mê hoặc trong cái giả tướng bên ngoài, và từ đó mới có thể nhìn ra chân lý, thấu hiểu lẽ nhân sinh, và minh tỏ mọi sự trên thế gian này.
Thiện Sinh