Nói đến “bổng lộc” là chúng ta phần lớn đều nghĩ đến những người làm quan, rồi nghĩ ngay đến câu ‘lương thì ít mà (bổng) lộc thì nhiều’. Hầu hết chúng ta đều hiểu bổng lộc nghĩa là tiền tài (ngoài lương) có được do chức vụ, địa vị mang lại.

Nhưng nếu chúng ta bỏ chút thời gian tra cứu, thì từ bổng lộc vốn có nghĩa là lương thưởng của quan lại, nghĩa là thu nhập của quan lại do triều đình chi trả, bao gồm cả lương, phụ cấp, thưởng… Nghĩa của bổng lộc chẳng khác gì nghĩa từ lương thưởng của người làm công hiện nay.

Từ “bổng lộc” được dùng từ thời Đông Chu Chiến Quốc. Trong “Hàn thi ngoại truyện” có chép: “Điền Tử làm tướng quốc, ba năm về nghỉ hưu, được 100 dật vàng (1 dật bằng 20 lượng), dâng lên cho mẹ. Mẹ ông hỏi: “Con sao có số vàng này?”, Điền Tử trả lời: “Là bổng lộc được nhận ạ”.

Bổng lộc vốn có nghĩa là lương thưởng của quan lại, nghĩa là thu nhập của quan lại do triều đình chi trả, bao gồm cả lương, phụ cấp, thưởng. (Ảnh minh họa: tinhhoa.net)

Mỗi triều đại, mỗi thời có quy định bổng lộc khác nhau, vàng, tiền, ngũ cốc, ruộng v.v… nhưng ý nghĩa là thu nhập chính đáng từ lương, thưởng của quan lại do triều đình chi trả, thì vẫn không thay đổi.

Đến thời Đường bắt đầu sử dụng tiền trả cho lương (bổng lộc), đồng thời còn đưa ra chế độ phạt bổng lộc cho những hành vi không hợp chuẩn mực, không tròn trách nhiệm của quan lại. Đến đời Thanh, chế độ phạt bổng lộc còn tăng nặng hơn, ví dụ, quan lại say rượu, đánh bạc, đùn đẩy trách nhiệm ở nơi làm việc đều bị phạt bổng lộc.

Trong Luận Ngữ có viết về Tử Trương hỏi Khổng Tử phương pháp để được làm quan hưởng bổng lộc. Khổng Tử trả lời rằng: “Nghe nhiều, đối với vấn đề còn nghi vấn thì giữ thái độ bảo lưu, đối với vấn đề không còn nghi vấn, thì khi mình nói cũng phải cẩn thận, như vậy sẽ ít mắc lỗi. Xem nhiều, đối với những chỗ chưa lý giải được, cần giữ thái độ bảo lưu, đối với chỗ đã lý giải được, thì khi mình làm cũng phải cẩn thận, như vậy sẽ ít hối hận. Nói năng ít mắc lỗi, làm việc ít hối hận, làm quan hưởng bổng lộc cũng tự nhiên như nước chảy thành ngòi vậy”.

“Bổng lộc” là từ gốc Hán. Hiện nay các nước còn sử dụng chữ Hán như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản vẫn dùng từ ‘bổng lộc’ với nghĩa tiền lương và thù lao cho quan lại thời phong kiến. Riêng ở Việt Nam mới phát sinh nghĩa lợi lộc, tiền tài (ngoài lương) do địa vị, vị trí mang lại. Như vậy, cách dùng này của chúng ta chỉ mới xuất hiện vài chục năm lại đây.

Cũng có thể do đặc trưng chế độ lương công chức mấy chục năm nay thấp quá, nhất là cách đây hai, ba chục năm, lương công chức phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ cho các chi phí tối thiểu của cuộc sống gia đình. Từ khi mở cửa, các ngành nghề kinh doanh phát triển, ngoài khu vực hành chính sự nghiệp ra, đồng lương không phải theo thang lương nhà nước, mà chủ doanh nghiệp toàn quyền quyết định tùy theo năng lực, mức độ đóng góp, và kết quả sản xuất kinh doanh, nên thường cao hơn lương công chức khá nhiều.

Ngoài ra, công chức lại nắm rất nhiều quyền hành trong tay, quản lý các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, quản lý đất đai, nguồn tài nguyên, khoáng sản, quản lý các di tích, các điểm du lịch vui chơi giải trí… Và đặc biệt là quyền phê duyệt, cấp phép sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư, bất động sản. Chỉ một chữ ký là ảnh hưởng đến hàng chục hàng trăm hàng nghìn tỷ của doanh nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chia tỷ lệ lãi để giành được dự án.

Chỉ một chữ ký là ảnh hưởng đến hàng chục hàng trăm hàng nghìn tỷ của doanh nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chia tỷ lệ lãi để giành được dự án. (Ảnh minh họa: amazon.com)

Thế là thu nhập ngoài lương của quan chức cứ tăng ầm ầm qua năm này sang năm khác. Người ta cũng không biết dùng từ nào cho khoản tiền tài, đất đai, lợi tức, cổ phiếu …. có được nhờ vị trí, chức vụ, quyền hạn này, nên “mượn” dùng từ của “phong kiến” là bổng lộc. Dần dà từ bổng lộc không có một chút nghĩa xấu nào, giờ đã thành từ nghĩa rất xấu.

Hy vọng cùng với dẹp được quốc nạn tham nhũng này, dùng đúng từ ‘tham nhũng’ cho khoản lợi lộc có được bằng lạm dụng quyền lực chức vụ, thì khi đó mới trả lại được cái nghĩa đích thực của từ bổng lộc.

Nam Phương

Từ Khóa: