Mọi người vẫn thường truyền tai nhau: “Trong ba điều bất hiếu, không có con cái nối dõi, thờ tự là tội bất hiếu lớn nhất!” và nghiễm nhiên tin rằng đây là lời dạy của cổ nhân. Sự thực lại khiến mọi người không khỏi giật mình kinh ngạc và nghiêng mình kính phục trí huệ cổ xưa.

Trước khi nghiên cứu hàm nghĩa chân chính của câu “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu bản chất, mục đích và ý nghĩa của chữ Hiếu.

Trong “Hiếu Kinh – Phần đầu chương Khai Tông Minh Nghĩa”, Khổng Tử nói: Hiếu là cái gốc của đức, giáo hóa đức hạnh đều do hiếu sinh ra. Con ngồi xuống, ta nói cho con nghe. Thân thể, da tóc, là nhận được từ cha mẹ, không được hủy hoại, là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành Đạo, lưu danh hậu thế, để rạng danh cha mẹ, là tận cùng của hiếu. Đạo Hiếu, bắt đầu bằng phụng sự cha mẹ, tiếp đến là phụng sự quân vương, cuối cùng là lập thân”.

Vài lời ngắn ngủi của thánh nhân đã nói rõ bản chất, mục đích và ý nghĩa của chữ Hiếu.

1. Bản chất của chữ Hiếu

Hiếu là cái gốc của đức”. Câu này ý nói bản chất của chữ Hiếu nằm ở nhân đức. Một người thuận theo đạo hiếu nhất định là một người nhân đức. Một người không nhân đức ắt sẽ không tuân theo đạo hiếu. Do dó có thể thấy rằng, một người trong nội tâm khuyết thiếu nhân đức, thì dù người ấy tỏ ra hiếu kính với cha mẹ và tổ tiên như thế nào, như làm lễ thọ cha mẹ, cúng tế tổ tiên… cũng không thể được coi là người có đạo hiếu chân chính.

Khổng Tử nói rằng: “Thân thể, da tóc, là nhận được từ cha mẹ, không được hủy hoại, là khởi đầu của hiếu. Câu này ý nói, thuận theo đạo hiếu bắt nguồn từ việc yêu quý và trân trọng thân thể của mình. Bởi lẽ thân thể của mình là do cha mẹ sinh ra. Nếu thân thể bị tổn hại sẽ khiến cha mẹ đau lòng. Do đó ý nghĩa chân chính khi con người yêu mến, trân quý thân thể của mình không phải vì để bảo vệ lớp da người này, mà là bồi dưỡng lòng nhân đức của bản thân. Nói sâu hơn chính là phải tự tôn trọng và yêu mến bản thân, không được đánh nhau với người khác, không được hút hít ma túy, không được tà dâm, không được phạm pháp, phạm tội.

2. Mục đích của đạo hiếu

Khổng Tử nói: Lập thân hành Đạo, lưu danh hậu thế, để rạng danh cha mẹ, là tận cùng của hiếu”.

Câu này ý nói thuận theo hiếu đạo nằm ở việc mình trở thành bậc thánh hiền có đạo đức, được hậu thế học tập và noi theo. “Phúc đức tại mẫu”, như vậy cũng đồng nghĩa với việc vinh danh đức hạnh của cha mẹ. Đây mới là mục đích cuối cùng của chữ Hiếu.

Bức chân dung cổ nhất về Khổng tử do họa sư Ngô Đạo Tử vẽ (ảnh: Wikipedia).

Qua đạo lý này chúng ta cũng có thể biết được rằng: Một người nếu làm chuyện bại hoại đạo đức, phạm pháp phạm tội, tiếng xấu đồn xa, thì  cho dù họ chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ tốt đến đâu, tôn sửa mồ mả của tổ tiên tráng lệ đến nhường nào, vẫn không thể được coi là người làm được chữ Hiếu.

3. Ý nghĩa của đạo hiếu

Ý nghĩa của chữ Hiếu nằm ở việc bắt đầu bằng phụng sự cha mẹ, tiếp đến là phụng sự quân vương, cuối cùng là lập thân”.

Con người vô đức thì không thể lập thân. Một người có thể giữ được nhân đức trong lòng, thuận theo đạo hiếu, thì trong gia đình, họ sẽ yêu thương người nhà, hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ, sẽ không trở thành kẻ nghịch tử bất hiếu. Trong công việc, họ sẽ làm hết chức trách, hành sự trung nghĩa, sẽ không trở thành kẻ tự tư vụ lợi, tham lam mà bẻ cong pháp luật, bán đứng quốc gia và dân tộc. Còn về bản thân, họ sẽ trở thành một bậc chính nhân quân tử đầu đội trời chân đạp đất, sẽ không trở thành kẻ bại hoại, chỉ biết ăn uống hưởng lạc, nguy hại đến xã hội.

4. Cảnh giới của đạo hiếu

Tâm nguyện và ý chí của mỗi người khác nhau, nên cảnh giới và tầng thứ về sự hiếu thuận của họ cũng khác nhau. Về điều này, trong cuốn “Hiếu kinh”, Khổng Tử đã chia thành 4 kiểu hiếu thuận là “Hiếu của bậc thiên tử”, “hiếu của vợ chồng”, “hiếu của kẻ sỹ” và “hiếu của thường dân”.

Hiếu của bậc thiên tử

Về hiếu của bậc thiên tử, Khổng Tử giảng như sau: Người yêu thương cha mẹ, sẽ không ác với người khác. Người kính trọng cha mẹ, sẽ không khinh nhờn người khác. Yêu thương kính trọng là ở việc hết lòng phụng sự cha mẹ, mà việc giáo hóa đạo đức được thực thi cho , làm khuôn mẫu cho bốn biển. Đó là cái hiếu của bậc thiên tử vậy”.

Nghĩa là con người có thể coi thiên hạ là nhà, coi dân chúng trong thiên hạ như cha mẹ và con cái mình mà thêm phần cung kính, mến yêu, nên không dám oán hận và coi thường người khác. Dùng nhân đức để giáo hóa và trở thành tấm gương cho tất cả người trong thiên hạ noi theo. Đây chính là đạo hiếu của bậc thiên tử (thánh nhân, minh quân). Tức là hiếu của bậc thánh nhân là đạo hiếu dùng lòng nhân từ và tình yêu thương bao la để tạo phúc cho tất cả chúng sinh trong thiên hạ.

Chữ Hiếu của thường dân

Về chữ Hiếu của thường dân, Khổng Tử giảng như sau: Dụng Đạo của Trời, phân chia cái lợi của đất, cẩn thận bản thân, tiết kiệm tiêu dùng, để phụng dưỡng cha mẹ, đó là cái hiếu của thứ dân”.

Điều này có nghĩa là những người dân thường, khi làm việc cần phải hợp với lẽ trời. Con người phải giữ tròn bổn phận của mình, không được sinh lòng tham và làm những việc ngoài phận sự. (Nói một cách thông tục là an phận thủ thường, không trộm cắp hay làm những việc phạm pháp). Họ phải cần kiệm giữ gìn nếp nhà, hiếu kính và phụng dưỡng cha mẹ, đây là chữ hiếu của bậc thường dân. Tức là hiếu của bậc thường dân là coi việc an lạc của bản thân, gia đình và việc phụng dưỡng cha mẹ làm đạo hiếu.

Mặc dù mỗi người cảnh giới và chí hướng khác nhau, phương thức tuân theo đại hiếu cũng khác nhau, nhưng mục đích căn bản của đạo hiếu chỉ có một, đó là trừ bỏ dục vọng cá nhân để thuận theo lẽ Trời. Bởi vì một người nếu không thể khắc chế và trừ bỏ được dục vọng cá nhân, cho dù là cái hiếu của thường dân, cũng khó mà làm được.

Ảnh: Shutterstock.

Chữ hiếu của người quân tử là đại hiếu

Người bình thường coi việc sinh con đẻ cái, hàng ngày quây quần cùng người thân, thỏa mãn những dục vọng cá nhân của các thành viên trong gia đình làm đạo hiếu. Nhưng người quân tử lại không như vậy. Khổng Tử nói: “Giáo hóa của bậc quân tử là chữ hiếu, không phải đến từng nhà hàng ngày nói về hiếu. Giáo hóa bằng chữ hiếu, do đó kính trọng các bậc cha mẹ trong thiên hạ. Giáo hóa bằng chữ đễ, do đó cung kính các bậc huynh trưởng trong thiên hạ. Giáo hóa bằng chữ thần, do đó tôn kính các bậc quân vương trong thiên hạ”.

Điều này nghĩa là đạo hiếu mà người quân tử tuân theo không phải chỉ giới hạn trong những người nhà của mình. Mà trái tim người quân tử ôm trọn thiên hạ, nhân từ bác ái, coi tất cả người trong thiên hạ như cha mẹ và anh chị em của mình. Kiểu hiếu thuận này có thể khiến con người trở nên nhân từ và bác ái hơn, chứ không phải là sự ích kỷ và hẹp hòi. Cho nên chữ hiếu của người quân tử là đại hiếu.

Nếu ai nấy cũng đều tuân theo đạo hiếu này thì giữa con người với con người, giữa các gia đình, quốc gia với nhau sẽ không có chiến tranh, mâu thuẫn và xung đột. Như vậy thiên hạ sẽ là người trong một nhà. Xã hội nhân loại cũng sẽ trở thành thế giới đại đồng, nơi mà tất cả người trong bốn bể đều là anh em một nhà. Ngược lại nếu con người mất đi nhân đức thì chữ Hiếu chỉ là chiêu bài nhằm bảo vệ tư lợi về một lợi ích hẹp hòi nào đó mà thôi. Vậy thì, đạo hiếu này đã vi phạm tư tưởng của bậc thánh nhân. Điều này không những không được gọi là hiếu, mà ngược lại là một tội ác.

Tóm lại, đạo hiếu là cơ sở lập thân, xử thế để trở thành bậc thánh nhân, bậc hiền đức của mỗi người. Đây cũng là nền tảng để gia đình hòa thuận, xây dựng một xã hội hài hòa, an định, hướng tới một thế giới hòa bình, bền vững.

Chúng ta hãy thử tìm hiểu sâu hơn một chút về hàm nghĩa chân thực của câu “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”

Câu “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Bất hiếu có 3 việc, vô hậu là lớn nhất) có nguồn gốc từ cuốn “Lý lầu thượng – Mạnh Tử”. Nguyên văn như sau: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại. Thuấn bất cáo nhi thú, vi vô hậu dã. Quân tử dĩ vi do cáo dã”. (Bất hiếu có 3 việc, vô hậu là lớn nhất. Thuấn không báo cáo với cha mẹ mà lấy vợ, là vô hậu vậy. Bậc quân tử cho rằng giống như báo cáo rồi).  Hiện nay đang hiểu sai chữ “Vô hậu” là không người nối dõi, không có con trai nối dõi.

Thông qua việc kiểm chứng tài liệu này, thì cách giải thích chính xác về đoạn này là: “Biểu hiện bất hiếu có rất nhiều, nhưng tội lớn nhất là không làm tròn bổn phận của bậc hậu bối. Khi Thuấn lấy vợ không hề bẩm báo cha mẹ, là không làm tròn bổn phận của bậc hậu bối. Nhưng người quân tử cho rằng, mặc dù Thuấn không bẩm báo, nhưng lại không có gì khác biệt so với việc đã bẩm báo”. (Bởi lẽ việc Thuấn lấy vợ là sau khi vua Nghiêu đã kiểm tra đức hạnh của Thuấn mới quyết định gả con gái cho ông. Lúc đó cha mẹ của Thuấn vẫn còn thành kiến với Thuấn, nên bẩm báo họ cũng không có ích lợi gì.)

Trong “Hiếu kinh” viết rõ rằng: “Thuấn bất cáo nhi thú, vi vô hậu dã.” Nhưng lại có người cứ một mực giải thích câu “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” này thành: “Một mực thuận theo, nhìn thấy sai lầm của cha mẹ mà không khuyên giải, khiến cha mẹ thành kẻ bất nghĩa là điều bất hiếu thứ nhất. Gia cảnh bần hàn, cha mẹ cao tuổi, bản thân lại không ra làm quan hưởng bổng lộc mà phụng dưỡng cha mẹ, đây là điều bất hiếu thứ 2. Không lấy vợ sinh con, đoạn tử tuyệt tôn, đây là điều bất hiếu thứ 3. Trong ba điều bất hiếu đó, đoạn tử tuyệt tôn là tội bất hiếu nặng  nhất”.  

Cách giải thích “Trong ba điều bất hiếu đó, đoạn tử tuyệt tôn là tội bất hiếu nặng  nhất” sai lầm này thoát ly khỏi bản chất của chữ Hiếu và lòng nhân đức. Việc dùng hình thức mà bàn luận, phán xét về đạo hiếu đã khiến rất nhiều người lầm tưởng rằng không kết hôn, không có con tế tự là sự bất hiếu lớn nhất.

Nếu theo lô-gic này thì một người dẫu là kẻ thổ phỉ lưu manh, hay là kẻ lừa đảo vô lại thì chỉ cần sinh cho cha mẹ họ một đứa cháu là sẽ được coi là đại hiếu rồi sao? Điều này rõ ràng là trái với tinh thần và tư tưởng của Khổng Tử như “Trừ bỏ bỏ dục vọng của con người, thuận theo thiên lý” (khứ trừ nhân dục, thuận hồ thiên lý), “Tam cương ngũ thường”. Cách nói này cũng hoàn toàn không có lý.

Giải thích “vô hậu vi đại” là không có con thờ tự là tội bất hiếu lớn nhất, là một kiểu bẻ cong và hiểu lầm tư tưởng lý luận của bậc thánh nhân

Người đời sau lại truyền nhau cách giải thích sai lầm này. Nhưng cũng có một số người cứ nhất thiết phải giải thích theo nguyên văn, bám vào bề mặt câu chữ. Như vậy câu “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” có thể hiểu như sau: Không thể phụng dưỡng cha mẹ và yêu mến người thân là điều bất hiếu thứ nhất; không thể phụng sự quân vương (giữ tròn chức trách, làm việc trung nghĩa) là điều bất hiếu thứ 2; không thể lập thân, hành đạo và trở thành bậc hiền nhân quân tử có đạo đức là điều bất hiếu thứ 3. “Vô hậu vi đại” là chỉ người không có hậu đức, không được người đời sau tôn trọng, học tập và noi theo.

Dẫu sống trong thời đại nào, dù thời cổ xưa hay thời hiện đại thì chữ Hiếu vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nhân phẩm của mỗi người, sự hài hòa trong gia đình và sự ổn định ngoài xã hội. Chữ Hiếu không chỉ gói gọn trong những người thân thiết, ruột thịt mà được mở rộng ra với tất cả mọi người trong xã hội. Bởi lẽ cái gốc của chữ Hiếu là sự tu dưỡng tâm tính của con người, luôn yêu thương, chở che và lo nghĩ cho người khác.

Đôi lời cùng bạn quý:

Nho gia cũng là một phái tu luyện, lấy chữ Nhân làm nguyên lý sống, đối nhân xử thế, là cảnh giới cao nhất, và chữ Hiếu là cơ sở, nền tảng: “Hiếu là cái gốc của Đức”, hay “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm cái thiện thì Hiếu là cái đầu tiên).

Chữ Hiếu ở tầng thứ thấp nhất là trừ bỏ dục vọng cá nhân, phụng sự cha mẹ, chăm lo cho gia đình, là yêu cầu tối thiểu bắt buộc đối với con người, nó chính là “Tu thân, tề gia”. Về bản chất thì tu Hiếu của Nho giáo cũng gần với diệt dục, trì giới của Phật giáo.

Tầng thứ bậc trung của chữ Hiếu là sau khi đạt được kính trọng cha mẹ, yêu thương các thành viên trong gia đình mình rồi thì phát triển, mở rộng ra kính trọng bậc cha mẹ, yêu thương người trong thiên hạ, nó chính là “Phiếm ái chúng” (Yêu thương hết thảy mọi người). Ở tầng trung ngày thì tu Hiếu cũng gần giống như tu Thiện trong Phật giáo. Và khi làm quan, giúp vua trị nước thì tròn bổn phận bề tôi, trung nghĩa, và tâm hướng về nhân dân , coi như cha mẹ anh chị em của bản thân mình.

Tầng thứ cao của chữ Hiếu là dùng nhân đức giáo hóa , quy chính lòng người, khiến cho con người trở về với cái bản tính thiện lương vốn có “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, trở thành bậc thánh nhân, là hình mẫu, lưu lại hậu đức cho người đời sau noi theo, cũng là làm rạng rỡ cha mẹ, tổ tiên. Cảnh giới này cũng gần như các bậc cao tăng đắc đạo, đắc quả vị, độ chúng sinh.

Vậy mà rất nhiều người đã vô tình hay cố ý hiểu sai chữ Hiếu, coi “vô hậu” là không có người nối dõi, là bất hiếu lớn nhất. Do đó có người tìm mọi cách để sinh con trai nối dõi, dùng mọi biện pháp y học, cầu tự, cúng bái, xem ngày giờ, nhân tạo… Có người còn đi tìm cách có con với những người khác. Cũng có người còn lấy cái diễn giải sai này quy kết Nho gia trọng nam khinh nữ, cổ hủ lạc hậu.

Để hiểu đúng hàm nghĩa của người xưa đã khó, để hiểu rõ các cảnh giới, nội hàm sâu xa của câu nói bậc Thánh nhân càng khó hơn. Không thể lấy bụng tiểu nhân mà đo lòng người quân tử được, do đó cách duy nhất để hiểu được lời nói của các Thánh nhân, các bậc Giác giả là tu cái tâm bản thân, trừ bỏ dục vọng và chấp trước, thiên kiến, thì trí tuệ khai mở.

Video: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm

videoinfo__video3.dkn.tv||2902105be__