Cổ nhân nói: “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (chưa đến Trường Thành, không phải là hảo hán). Suốt chiều dài hơn 8.800 km của bức tường vĩ đại ấy đã có biết bao câu chuyện, truyền thuyết kỳ ảo diễn ra.

Mạnh Khương Nữ khóc chồng

Từ lâu người dân Trung Quốc đã truyền tai nhau câu chuyện “Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành”. Chuyện diễn ra vào thời Tần Thủy Hoàng. Ngay trong đêm tân hôn, chồng của Mạnh Khương Nữ là chàng thư sinh Phạm Hỷ Lương bị bắt đi phu xây Vạn Lý Trường Thành.

Tượng Mạnh Khương Nữ (Ảnh thông qua: Zing News)
Tượng Mạnh Khương Nữ (Ảnh thông qua: Zing News)

Mùa đông đến, Mạnh Khương Nữ đan áo len rồi lặn lội tìm chồng. Nàng đã đi khắp chiều dài Trường Thành, lân la hỏi thăm tin tức để rồi cuối cùng nhận hung tin chồng mình đã chết vùi thây dưới chân thành. Quá sầu thảm, nàng Mạnh Khương đã khóc suốt 3 ngày 3 đêm, nước mắt hòa lẫn máu.

Người ta kể rằng tiếng khóc của nàng vang xa 800 dặm, khiến cả một đoạn thành sụp đổ, để lộ ra xác người chồng Hỷ Lương. An táng cho chồng xong xuôi, nàng gieo mình xuống biển tự vẫn. Ngày nay, ngay tại Sơn Hải quan vẫn còn có miếu thờ Mạnh Khương Nữ.

99.999 viên gạch xây Gia Dục quan

Gia Dục quan là tên một cửa ải nằm ở cực tây của Vạn Lý Trường Thành. Cửa ải này có hình thang với tổng chu vi 733 mét. Tường thành của Gia Dục quan cũng cao tới 11 mét. Nơi đây được gọi là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” của Trung Quốc, là cửa ải còn bảo tồn lại nguyên vẹn nhất trong số các cửa ải của Vạn Lý Trường Thành.

Có một truyền thuyết rất nổi tiếng về việc xây dựng Gia Dục quan. Chuyện kể rằng, trong quá trình thiết kế Gia Dục quan, quan đốc công đã yêu cầu một người có tên là Dịch Khai Chiêm tính toán số lượng gạch cần dùng.

Gia Dục quan (ảnh thông qua Zing News)
Gia Dục quan (ảnh thông qua Zing News)

Vốn là một nhà toán học nổi danh thời Minh, sau khi đo đạc Dịch Khai Chiêm tính rằng cần tốn 99.999 viên gạch để xây xong Gia Dục quan. Quan đốc công nghi ngờ, bắt Dịch Khai Chiêm ký vào giao kèo trong đó quy định rằng chỉ cần ông tính sai một viên gạch, toàn bộ công nhân xây dựng Gia Dục quan sẽ phải làm khổ sai trong 3 năm.

Sau khi xây xong cửa ải, một viên gạch thừa ra và quan đốc công đã sẵn sàng trừng trị Dịch Khai Chiêm. Nhưng nhà toán học này nói rằng đó là viên gạch mà thần tiên đã tự tay đặt, chỉ cần xê dịch đi một ly cũng khiến tường thành đổ sụp. Vì thế, cho đến ngày nay viên gạch ấy vẫn còn được để nguyên ở một tòa tháp canh của Gia Dục quan.

150712vltt11-1112d
Tường thành của Gia Dục quan cao tới 11 mét (Ảnh : Internet)

Gia Dục quan được xây dựng vào khoảng năm 1372, thời nhà Minh. Cửa ải đã được gia cố, tu bổ nhiều lần trước những mối đe dọa từ đội quân của Thiếp Mộc Nhi, người tự xưng là “Đại Hãn”, đã đánh chiếm được phần lớn vùng Trung Á, Tây Á khi ấy. Tuy nhiên mối họa chiến tranh đã không bao giờ xảy ra bởi trên đường hành quân chinh phạt Trung Hoa, Thiếp Mộc Nhi đã qua đời vì tuổi già.

Bao Tự và Ly Sơn đài

Chuyện xảy ra vào cuối đời nhà Tây Chu (1122-771 TCN). Vua Chu là Chu U Vương say mê một mỹ nhân tên gọi Bao Tự. Nhà vua thậm chí đã lập nàng làm hoàng hậu, ban cho muôn vàn sủng ái. Nhưng Bao Tự lại là một người lạnh lùng, trầm lặng, thậm chí chẳng bao giờ nở một nụ cười với nhà vua.

Chu U Vương vì chuyện đó mà ăn không ngon, ngủ không yên, tìm mọi cách để Bao Tự cười. Một hầu thần tên là Quắc công Thạch Phủ hiến kế rằng đốt lửa đài phong hỏa ở Ly Sơn có thể khiến Bao Tự cười.

Dấu tích phong hỏa đài Ly Sơn (nay thuộc vùng Đôn Hoàng, Trung Quốc). Ảnh Internet.
Dấu tích phong hỏa đài Ly Sơn (nay thuộc vùng Đôn Hoàng, Trung Quốc). Ảnh Internet.

Chu U Vương y lời, sai người đốt phân sói trên đài Ly Sơn, một dấu hiệu cầu cứu chư hầu khi tình thế cấp bách, có giặc ngoài xâm lấn. Các chư hầu tức tốc kéo binh tới hộ giá nhưng khi đến dưới chân thành thì biết rằng mình mắc lỡm. Trông cảnh chư hầu tiu nghỉu, ngơ ngác, người ngựa mỏi mệt, nhễ nhại, lem luốc mồ hôi, Bao Tự không nhịn nổi, cười phá lên một tiếng.

Chu U Vương lấy làm mãn nguyện vì chuyện đó lắm. Sau này lại đốt lửa đài Ly Sơn, thêm một lần lừa chư hầu để Bao Tự cười. Đến khi có giặc Khuyển Nhung kéo tới cướp phá Cảo Kinh (kinh đô nhà Chu), Chu U Vương tức tốc sai người đốt lửa kêu cứu chư hầu. Nhưng đã chẳng có một ai dẫn binh tới. Chu U Vương chết trong đám loạn quân. Nhà Tây Chu bị diệt.

Nhạn Môn quan – cửa ải chim én bay

Nhạn Môn quan là một cửa ải phòng thủ quan trọng của Vạn Lý Trường Thành, nay thuộc địa phận huyện Đại, tỉnh Sơn Tây. Nhạn Môn quan là cái tên xuất hiện rất nhiều trong lịch sử, văn chương Trung Hoa. Nơi đây gắn với câu chuyện “Chiêu Quân cống Hồ” nổi tiếng, cũng là nơi Dương Nghiệp đánh lui 10 vạn quân Liêu, mở đầu cho truyền thống anh hùng của “Dương gia tướng”.

12-1fc32
Nhạn Môn quan (ảnh thông qua Zing News)

Thế nhưng không nhiều người biết được cái tên Nhạn Môn quan ấy có xuất xứ thế nào. Trước đây, cửa ải này vốn tên là Tây Kinh. Việc nó đổi tên bắt nguồn từ một sự tích đặc biệt. Chuyện kể rằng, có một nhà sư nọ trên đường vân du thiên hạ, tới ải này, đói bụng mà lại không thấy nhà dân để vào xin cơm chay.

Ngẩng đầu lên chợt thấy rất nhiều chim nhạn bay lượn lại qua. Trong đầu ông thoáng nghĩ tới món thịt chim. Điều đó phạm vào giới cấm của những nhà tu hành nên nhà sư đã mau chóng gạt bỏ đi. Nhưng có một con chim nhạn biết được ý nghĩ đó của ông, thả mình rơi xuống và chết trước mặt để làm thức ăn cho ông.

Cửa qua Nhạn Môn quan (ảnh Zing News)
Cửa qua Nhạn Môn quan (ảnh thông qua Zing News)

Nhà sư cảm động thấu tâm can với hành động hy sinh cao cả của chú chim nhỏ bé. Ông đã chôn cất chú chim nhạn và dựng một ngôi chùa nhỏ bên cạnh mộ của nó. Từ đó, cửa ải này mang tên Nhạn Môn quan.

Hữu Bằng (tổng hợp)

Xem thêm: