Trong thế kỷ 17, nhà toán học và triết học vĩ đại Blaise Pascal viết trong cuốn Pensées của ông: “Bước cuối cùng của lý lẽ là nhận ra rằng tồn tại vô số thứ ở phía bên kia tầm với của nó” [1]. Ba thế kỷ sau, Định lý Bất toàn của Gödel xác nhận tư tưởng của Pascal và gián tiếp đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Làm thế nào để đạt tới cái thế giới vượt quá tầm với của lý lẽ?
Nếu thế kỷ 19 dẫn con người tới niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của khoa học thì thế kỷ 20 lại dẫn niềm tin ấy tới khủng hoảng nghiêm trọng. Chính khoa học thế kỷ 20 đã làm cho những người thông minh nhất vỡ nhẽ ra rằng hóa ra khoa học không vạn năng và tuyệt đối như ta tưởng. Thực ra nó cũng bất toàn và bất định như bất kỳ một dạng nhận thức nào khác. Khát vọng tìm ra những mô hình vũ trụ xác định và chắc chắn rốt cuộc chỉ là ảo tưởng! Muốn tiếp cận tới gần sự thật hơn, con người phải thay đổi cách nhìn đối với thế giới, và phải khiêm tốn hơn trong việc phán xét chân lý. Đó là tư tưởng cốt lõi rút ra từ cuốn “TỪ XÁC ĐỊNH ĐẾN BẤT ĐỊNH” (From Certainty to Uncertainty) của David Peat [2], trong đó tác giả chỉ rõ: Mọi phương pháp nhận thức thông qua ngôn ngữ, bao gồm cả khoa học lẫn nghệ thuật và văn chương, đều không thể và không bao giờ đạt tới một nhận thức đầy đủ, chắc chắn và hoàn hảo.
Vậy làm thế nào có thể nhận thức được vô số thứ ở bên kia tầm với của khoa học? Có một con đường để tới đó, đó là tư duy trực giác và tâm linh – một dạng nhận thức bổ sung tuyệt vời đối với khoa học, mà bấy lâu nay loài người lãng quên và bỏ phí. Nay là lúc cần phải lấy lại. Nhưng để cảm thấu điều này, trước hết phải thấy rõ tầm với hạn chế của khoa học.
TẦM VỚI HẠN CHẾ CỦA KHOA HỌC
Tính bất định lượng tử
Một trong những khám phá vĩ đại nhất của thế kỷ 20 là sự thừa nhận tính bất định lượng tử. Đó là một lời cảnh báo về tầm với hạn chế của khoa học. Khám phá ấy đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thế giới quan của vật lý đầu thế kỷ 20 – sự sụp đổ của tư tưởng xác định trong vật lý lượng tử nói riêng và trong khoa học nói chung.
Nếu khoa học trước đó được xem như một hệ thống các quy luật xác định của tự nhiên thì vật lý đầu thế kỷ 20 báo động rằng đó là một tư tưởng sai lầm. Thật vậy, vật lý học cuối thế kỷ 19 vẽ ra một bức tranh vũ trụ giống như “chiếc đồng hồ Newton” (Newtonian clock), mà đỉnh cao là Quyết định luận Laplace (Laplace’s Determinism) với tư tưởng cho rằng mọi sự kiện của vũ trụ đều tuân theo những phương trình toán học xác định, do đó có thể tiên đoán trước một cách chính xác theo từng ngày giờ tháng năm. Nhưng vật lý lượng tử cảnh báo rằng khoa học đã nhầm. Hóa ra Bà Mẹ Tự Nhiên (The Mother Nature) chỉ ban thưởng cho đứa con khoa học của mình những năng lực giới hạn, đúng như Pascal đã nói: “Chủ nghĩa vô thần thể hiện sức mạnh của tư duy, nhưng chỉ ở một mức nhất định mà thôi” (Atheism shows strength of mind, but only to a certain degree).
“Mức nhất định” ấy lộ ra khi đi sâu vào thế giới lượng tử, dẫn đến “Nguyên lý Bất định” (Uncertainty Principle) của Werner Heisenberg.
Niels Bohr, nhà biện hộ vĩ đại nhất của Nguyên lý Bất định, thậm chí còn đi xa tới mức nghi ngờ sự tồn tại của một hiện thực ở cấp độ hạ nguyên tử. Ông cho rằng việc xác định bản chất thực sự của thế giới lượng tử sẽ là vô vọng vì “chúng ta bị treo lơ lửng trong ngôn ngữ” – ngôn ngữ không bao giờ đủ để có thể mô tả chính xác thế giới lượng tử.
Tình trạng “lơ lửng” ấy đã được Lão tử đề cập đến khi ngài nói về ĐẠO: “Đạo khả đạo phi thường đạo; Danh khả danh phi thường danh” (Đạo mà có thể diễn tả được thì không còn là Đạo thường hằng nữa; Tên mà có thể đặt ra thì không còn là cái tên thường hằng nữa). Tóm lại, ĐẠO là cái không thể định danh được.
Người giải thích tư tưởng của Lão tử một cách xuất sắc nhất, theo tôi, là học giả Nguyễn Duy Cần. Trong một bản dịch cuốn Đạo Đức Kinh, ông phân tích:
“Danh từ, bất luận để ám chỉ vật gì, đều có cái nghĩa hạn định của nó, cho nên không thể nào dùng một tiếng gì trong giới nhị nguyên tương đối để trỏ vào cái lẽ tuyệt đối thường tồn và bất biến”.
Ý ông nói rằng, ngôn ngữ chúng ta sử dụng hàng ngày là sản phẩm của thế giới nhị nguyên và tương đối (thế giới thông thường của con người), nhưng ĐẠO là cái gì đó nhất nguyên và tuyệt đối, vì thế ngôn ngữ bất lực trong việc mô tả ĐẠO.
Thật thú vị để lưu ý rằng ý kiến của học giả Nguyễn Duy Cần hoàn toàn tương đồng với ý kiến của Paramahansa Yogananda, một Yogi (nhà Yoga) thần thông Ấn giáo, khi ngài giải thích tại sao khoa học bị hạn chế so với yoga trong việc nhận thức bản chất của vũ trụ. Điều này sẽ được thảo luận kỹ hơn ở mục bàn về trực giác và tâm linh. Nhưng ngay bây giờ cần nhận thấy ý nghĩa quan trọng của vấn đề này là ở chỗ nó mở ra một cách nhìn mới về thế giới, rằng để tiếp cận tới những thế giới mà ngôn ngữ không thể diễn tả, chỉ còn một con đường duy nhất là TRỰC GIÁC và TÂM LINH.
Xin nhấn mạnh một lần nữa, bạn chỉ có thể thấy rõ vai trò của trực giác và tâm linh khi nào bạn thấy rõ tính không đầy đủ và bất toàn của phương pháp nhận thức bằng khoa học. Nói cách khác, bạn chỉ có thể nhận ra sự cần thiết của trực giác và tâm linh chừng nào bạn thấu hiểu câu nói của Blaise Pascal đã dẫn ra ở đầu bài viết này.
Thật vậy, bất chấp những thành tựu rực rỡ của Cơ học lượng tử mà đỉnh cao nhất hiện nay là Mô hình Chuẩn (Standard Model), bản chất của các hiện tượng lượng tử vẫn là những hiện tượng không thể giải thích được. Chẳng hạn, hiện tượng mà Einstein gọi là “tương tác ma quỷ” (ghost interaction), tức hiện tượng một hạt lượng tử đồng thời tồn tại ở hai vị trí cách biệt, đến nay vẫn không biết tại sao, mặc dù các nhà vật lý đã biết lợi dụng hiện tượng này để thực hiện việc truyền thông tin tức thời, gọi là “viễn tải lượng tử” (teleportation) [3]. Theo lý thuyết viễn tải lượng tử, về nguyên tắc có thể vận chuyển tức thời không chỉ một hạt lượng tử, mà cả một đồ vật. Nói cách khác, về lý thuyết, một đồ vật có thể cùng một lúc tồn tại ở hai vị trí cách biệt trong không gian. Đây chính là phép phân thân của các Yogi thần thông. Nhưng các Yogi thần thông hiểu được vì sao họ có thể phân thân, trong khi khoa học không thể giải thích được vì sao một đồ vật có thể cùng một lúc tồn tại ở hai vị trí cách biệt trong không gian. Vấn đề này cũng sẽ được thảo luận thêm ở mục bàn về trực giác và tâm linh. Nhưng chỉ với một sự kiện “phân thân” cũng đã đủ để thấy rằng nhận thức khoa học bị hạn chế, và việc tôn vinh khoa học như một phương pháp nhận thức duy nhất đúng, hoặc như chúa tể trong vương quốc nhận thức, là một sự dại dột và ấu trĩ của con người, bởi như thế đã vô tình tự chặt bớt những kênh thông tin quan trọng nối con người với vũ trụ.
Tính bất toàn của tư duy ngôn ngữ
Tư duy ngôn ngữ được hiểu là tất cả những dạng tư duy sử dụng ngôn ngữ để phân tích, nghiên cứu và mô tả đối tượng quan sát. Ngôn ngữ ở đây bao gồm tất cả các dạng ngôn ngữ có thể có, từ ngôn ngữ thông thường cho tới ngôn ngữ ký hiệu, hình vẽ, mầu sắc, mã,…
Chú ý rằng có những dạng tư duy phi ngôn ngữ, tức là tư duy không sử dụng ngôn ngữ để phân tích, mà trực tiếp tiếp cận với đối tượng quan sát, đó là tư duy trực giác và tâm linh.
Tóm lại, có hai kênh thông tin song song: tư duy ngôn-ngữ-lý-lẽ và tư duy trực-giác-tâm-linh, đó chính là hai con ngựa trong cỗ xe đua song mã của Plato đã được đề cập đến trong bài báo “Plato’s Chariot / Cỗ xe ngựa đua song mã của Plato” trên PVHg’s Home ngày 16/03/2016.
Xem thêm:
Mọi loại tư duy ngôn ngữ đều bất toàn, bởi vì ngôn ngữ là bất toàn. Tính bất toàn này đã được nhà ngôn ngữ học trứ danh trong thế kỷ 20 là Ludwig Wittgenstein tổng kết rõ ràng:
“Tính xác định của ngôn ngữ học là một trong số những ảo tưởng của con người đầu thế kỷ 20… Chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn tránh khỏi tính mơ hồ nhập nhằng trong khi nói… Những hạn chế về ngôn ngữ của tôi phản ánh những hạn chế về thế giới của tôi” [4] .
Nhưng trước thế kỷ 20 dường như người ta chưa hiểu điều đó nên gã điều khiển chiếc xe ngựa đua song mã của Plato đã quất roi rất mạnh cho con ngựa ngôn-ngữ-lý-lẽ phi nước đại, trong khi tảng lờ con ngựa trực giác tâm linh, làm cho cỗ xe chạy rất nhanh nhưng xiêu vẹo, mất cân bằng, và có nguy cơ rơi xuống vực. Rất may, Định lý Bất toàn của Gödel ra đời năm 1931 đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo đầu tiên, rằng ngay cả thứ ngôn ngữ được coi là chính xác nhất như toán học cũng bất toàn.
Thật vậy, trước năm 1931, toán học được coi là ngôn ngữ chính xác nhất trong tất cả các dạng ngôn ngữ. Thậm chí đến nay vẫn có nhiều người coi toán học là một ngôn ngữ chính xác tuyệt đối – toán học không có chỗ mập mờ nhập nhằng như Wittgenstein nói. Nhưng hóa ra đó là một ngộ nhận ấu trĩ, xuất phát từ chỗ không hiểu bản chất của toán học. Thực ra, toán học dù chính xác đến mấy, nó cũng vẫn chỉ là một hệ thống ngôn ngữ do con người tạo ra để phản ánh thế giới xung quanh, vì thế nó không thể thoát khỏi tính chủ quan của con người, và do đó không tránh khỏi bất toàn.
Định lý Bất toàn của Gödel khẳng định rằng toán học là bất toàn – hoặc không đầy đủ (không thể chứng minh được mọi mệnh đề toán học), hoặc mâu thuẫn (chứa đựng nghịch lý), hoặc vừa không đầy đủ vừa mâu thuẫn. Muốn đầy đủ thì không tránh khỏi mâu thuẫn, muốn tránh mâu thuẫn thì không thể đầy đủ. Các nhà toán học rất sợ mâu thuẫn, họ chấp nhận thà không đầy đủ còn hơn mâu thuẫn. Nhưng thực tế toán học hiện nay vừa không đầy đủ, vừa mâu thuẫn. Tính không đầy đủ thể hiện ở chỗ toán học không có một hệ tiên đề đầy đủ, độc lập và phi mâu thuẫn, như Lý thuyết Tiên đề đòi hỏi. Định lý Gödel chứng minh rằng đòi hỏi của lý thuyết tiên đề là bất khả (impossible).
Xem thêm:
Tính mâu thuẫn của toán học thể hiện ở chỗ tồn tại nghịch lý, điển hình là Nghịch lý Russell (nghịch lý về tập hợp). Người ta đã tìm cách vá chữa lý thuyết tập hợp để loại bỏ nghịch lý này, nhưng đó là sự vá chữa vụng về, chỉ nói lên tính ngoan cố của tư tưởng xác định, cố thoát khỏi cái “vòng kim cô” mà Định lý Gödel đã tròng lên cổ toán học nói riêng và khoa học nói chung (thuật ngữ “vòng kim cô” do TS Phan Chí Thành nghĩ ra, và tôi thấy đó là một ví von thú vị và chính xác). Vá chữa lý thuyết tập hợp kiểu gì cũng không thể tháo bỏ cái “vòng kim cô” đó. Người thông minh nên điều chỉnh thế giới quan cho phù hợp với thực tế, thay vì ngoan cố giữ lấy những quan điểm lỗi thời đã bị chính toán học đánh đổ.
Hãy nhìn tấm gương của Gottlob Frege – người đã xây dựng nên tòa lâu đài số học dựa trên nền móng logic và tập hợp, một tòa lâu đài rực rỡ nhưng rốt cuộc bị sụp đổ tan tành vì Nghịch lý Russell. Thay vì ngoan cố tự biện, ông đoạn tuyệt dứt khoát với chủ nghĩa logic tập hợp mà ông là một trong những cha đẻ, với tuyên bố mạnh mẽ sau đây:
“Nghịch lý tập hợp đã huỷ hoại lý thuyết tập hợp… Tôi càng suy nghĩ về điều này thì tôi càng đi đến chỗ tin rằng số học và hình học đều nẩy sinh từ cùng một nền tảng, thực ra là từ nền tảng hình học; Do đó toàn bộ toán học thực ra là hình học” [5].
Bất chấp tuyên bố đó, giới toán học thế kỷ 20 vẫn tiếp tục đẩy mạnh những nghiên cứu toán học lý thuyết theo chủ nghĩa logic tập hợp, dẫn đến thảm họa giáo dục toán học trong thế kỷ 20. Phải đợi mãi đến cuối thế kỷ 20 mới thức tỉnh nhận ra ý nghĩa sâu xa của Định lý Bất toàn. Mặc dù muộn còn hơn không bao giờ, nhưng đây là một kinh nghiệm cho thấy sự vô minh của con người lớn đến chừng nào. Chẳng trách Albert Einstein phải thất vọng đến nỗi thốt lên lời bất hủ, rằng “Chỉ có hai thứ vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không chắc về cái thứ nhất” (Only two things are infinite: the universe and human stupidity, and I am not sure about the former).
Sự vô minh ấy không chỉ biểu hiện trong chủ nghĩa logic tập hợp, mà còn biểu hiện trong nhiều khu vực khác của khoa học, điển hình nhất là trong Thuyết Tiến hóa của Darwin. Độc giả nào cần tìm hiểu sự thật về tính phi khoa học, phản khoa học và ngụy khoa học của học thuyết này, xin đọc loạt bài “Sự thật về thuyết tiến hóa“.
Xem thêm:
Có lẽ các nhà tiến hóa không biết gì về Định lý Gödel, vì thế họ không hiểu rằng không thể giải thích NGUYÊN NHÂN ĐẦU TIÊN của bất kỳ một hệ logic nào. Nhưng Thuyết Tiến hóa đã cố gắng giải thích sự hình thành sự sống đầu tiên và nguồn gốc của mã DNA. Vì thế họ thất bại và sẽ mãi mãi thất bại. Tôi dám đánh cược với bất cứ ai điều này!
Hình bên: Tranh của M. C. Escher, họa sĩ Hà Lan thế kỷ 20, thể hiện tính bất toàn của tư duy lý lẽ.
Trong khi đó, một nhà khoa học như Stephen Hawking, mặc dù vô thần, nhưng sau khi thấm nhuần Định lý Gödel, đã có những thay đổi cách mạng trong cái nhìn về tương lai của vật lý. Ông không còn cái hăng hái và chủ quan như hơn 20 năm trước đây, khi xuất bản cuốn “Lược sử Thời gian”, trong đó ông thể hiện một niềm tin khá mạnh mẽ cho rằng vật lý học sắp có thể tìm ra Lý thuyết Thống nhất vật lý, có nghĩa là sắp “hiểu được ý Chúa”. Nhưng trong những bài báo gần đây, ông nói “các lý thuyết vật lý hiện nay vừa không đầy đủ vừa mâu thuẫn”, thậm chí ông cho rằng mục tiêu lớn nhất của vật lý học là Lý thuyết về Mọi thứ (Theory of Everything) cũng khó có thể đạt được. Theo ông, không thể có một lý thuyết vật lý thống nhất duy nhất, mà sẽ có nhiều lý thuyết khác nhau cùng mô tả vũ trụ. Những lý thuyết này có thể mâu thuẫn với nhau. Thực tế, tính xác định của Thuyết Tương đối tổng quát mâu thuẫn với tính bất định lượng tử. Làm thế nào để thống nhất hai cực mâu thuẫn đó? Lý thuyết Dây có đáng tin cậy không? Bài báo “Không đạt được nhất trí” của GS Cao Chi gần đây (đã đăng trên PVHg’s Home ngày 09/03/2016) cho thấy giới khoa học đang chia rẽ, một trường phái khoa học có uy tín đang mất niềm tin vào tính hiện thực của Lý thuyết Dây. Một cái ngưỡng đối với vật lý học dường như đang hiện ra ngày một rõ hơn. Định lý Gödel khẳng định cái ngưỡng đó tồn tại. Vấn đề là lúc nào sẽ thấy rõ nó mà thôi. Hawking thừa nhận điều này rồi.
Tóm lại, khoa học là bất toàn. Vô số thứ ở bên kia tầm với của khoa học đã và đang hiện ra cho loài người nhìn thấy, như một thách thức đối với khoa học và mở ra một thế giới mới cho chúng ta chiêm ngắm – thế giới trực giác và tâm linh. Trước cánh cửa của thế giới mới, chúng ta nên bước vào hay bỏ đi? Xin mượn lời của đạo sĩ Babu trong “Hành trình về Phương Đông” của Baird T. Spalding, do Nguyên Phong chuyển ngữ, làm câu trả lời:
“Có hai loại người trên thế gian: một loại đã thấy ánh sáng rực rỡ nơi cuối chân trời và định hướng để tiến tới đó… Hạng thứ hai, không cảm xúc được các tư tưởng thanh cao, không tin tưởng ở những điều cao thượng. Họ là những người lạc lõng, đáng thương vì họ sẽ phải học các bài học hết sức đau khổ cho đến khi họ hiểu biết và quay đầu về phía ánh sáng. Điều này đã và đang xẩy ra”.
TRỰC GIÁC VÀ TÂM LINH
Maya
Ngày 07/04/2016, do một cơ duyên, tôi gặp cuốn sách bất hủ: “Tự truyện của một Yogi” của Paramahansa Yogananda. Tôi bàng hoàng thích thú khi thấy trong phần mở đầu Chương 30, Định luật Phép lạ, tác giả đặt câu hỏi:
“Chúa đã phục sinh thân bị đóng đinh của mình ra sao?”
Tiếp theo là câu hỏi: các vị thánh “Lahiri Mahasaya và Sri Yukteswar làm phép lạ như thế nào?”. Rồi tác giả trả lời ngay: “Khoa học hiện đại vẫn chưa có câu trả lời”.
Tôi nghĩ rằng khoa học sẽ vĩnh viễn không có câu trả lời, vì tầm với của khoa học bị hạn chế, như Định lý Gödel đã khẳng định.
Tuy nhiên Định lý Gödel không thể chỉ rõ đâu là giới hạn của khoa học, mặc dù biết rằng giới hạn đó tồn tại. Đặc biệt, khi phải đối mặt với những hiện tượng nằm ngoài các định luật của khoa học, những sự kiện không tuân thủ các định luật khoa học, hoặc vi phạm các định luật khoa học, khoa học hoàn toàn bó tay. Đó là những hiện tượng mà chúng ta gọi là PHÉP LẠ (miracles).
Người vô thần không tin vào phép lạ, vì họ cho rằng mọi hiện tượng trong thế giới đều là hiện tượng vật chất, và do đó trước sau sẽ được giải thích bằng các cơ chế vật chất của vật lý học, hóa học hoặc sinh học. Đó là một kiểu tư duy vừa tự phụ vừa ấu trĩ. Những phép lạ chữa bệnh của cụ Nguyễn Đức Cần, tức Trưởng Cần, ở làng Đại Yên, quận Ba Đình, Hà Nội là những bằng chứng hùng hồn bác bỏ tư tưởng vô thần. Độc giả nào cần tìm hiểu những phép lạ này, xin đọc cuốn “Nguyễn Đức Cần, nhà văn hóa tâm linh” của Nguyễn Phúc Giác Hải và Nguyễn Tài Đức, do NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2013.
Bản thân tôi được nghe danh cụ Trưởng Cần từ những năm 1970, và có người nhà từng là bệnh nhân được cụ cứu chữa, tôi rất ngưỡng mộ và khâm phục cụ, nghĩ cụ là bậc thánh. Nay đọc cuốn sách về cụ, tôi càng tin tưởng hơn, và mừng vì rốt cuộc chân lý đã được sáng tỏ. Bản thân sự ra đời của cuốn sách này là một phép lạ, bởi vì đã có một thời việc chữa bệnh của cụ bị cấm đoán do bị hiểu lầm là mê tín dị đoan. Tôi muốn gửi lời chúc mừng đặc biệt đến 2 tác giả của cuốn sách. Riêng với GS Nguyễn Phúc Giác Hải, tôi được biết ông đã chấp nhận hy sinh nhiều quyền lợi của bản thân trong khi lao vào nghiên cứu sự thật về việc chữa bệnh của cụ Trưởng Cần. Nay cuốn sách là một đền đáp lớn dành cho ông, vì đó là bằng chứng sống của những sự thật này. Tôi xin mạo muội đưa ra một lời khuyên với độc giả, rằng đây là một tài liệu vô cùng quý giá về tâm linh. Những người tin vào các giá trị tâm linh chớ nên bỏ qua. Những người không tin nên đọc để suy ngẫm tìm chân lý.
Trong cuốn “Tự truyện của một yogi” cũng đầy ắp các phép lạ mà khoa học không sao hiểu nổi. Nhưng tác giả đã giảng cho chúng ta rất rõ ràng rằng “Kinh Vệ Đà chỉ ra rằng thế giới vật lý vận hành theo một quy luật nền tảng maya, nguyên lý tương đối và nhị nguyên”. Trong khi đó, “Thượng đế, Sự sống Duy nhất, là Nhất thể tuyệt đối; để xuất hiện như những biểu thị riêng lẻ và muôn mặt của một sáng tạo Ngài đã khoác một tấm áo hư ảo hay phi thức. Bức màn nhị nguyên đó là maya”.
Nhận định trên hoàn toàn trùng hợp với ý kiến của học giả Nguyễn Duy Cần về tính bất lực của ngôn ngữ trong việc định danh ĐẠO, đã dẫn ở đầu bài viết này, trong phần tính bất định lượng tử. Ở đây ta thấy “các tư tưởng lớn gặp nhau” – học giả Nguyễn Duy Cần gặp yogi Yogananda, tư tưởng của Lão tử gặp Kinh Vệ Đà của Ấn giáo. Sự gặp gỡ ấy củng cố tính chân lý trong những lời giảng thuyết của Yogananda, mà tôi tiếp thu như sau:
Thế giới mà ta đang sống là thế giới maya, thế giới tương đối và nhị nguyên, nó chỉ là tấm áo khoác hư ảo của Sự Thật – thế giới nhất nguyên và tuyệt đối. Khoa học nằm trong thế giới maya, vì thế khoa học là các định luật trong thế giới hư ảo, không thể giải thích được những sự kiện trong Thế giới Thật, tức thế giới nhất nguyên và tuyệt đối. Phép lạ là những sự kiện xẩy ra trong thế giới thật, nhưng biểu lộ trong thế giới maya, vì thế chúng ta không sao hiểu được. Nhưng những nhà yogi thần thông hoặc các vị thánh đắc đạo hiểu được. Các Ngài nắm bắt sự thật đó không phải bằng khoa học, mà bằng trực chứng. Các ngài khác hẳn chúng ta ở chỗ cùng một lúc có thể tồn tại trong hai thế giới, thực và ảo, trong khi chúng ta chỉ tồn tại trong thế giới ảo, maya. Các ngài không thể giảng cho chúng ta hiểu bản chất của các phép lạ, bởi vì chúng ta không có cách nào thoát ra khỏi tấm áo khoác maya để chứng ngộ các phép lạ đó, trừ phi chúng ta trở thành đệ tử của các ngài, được học hỏi tu luyện theo phương pháp của các ngài.
Theo Định lý Gödel, muốn hiểu rõ bản chất của một hệ thống A, bạn phải đi ra ngoài hệ thống đó. Muốn thấy rõ cái hư ảo của maya, phải đi ra ngoài thế giới maya. Kẻ phàm trần chúng ta không làm nổi điều đó, nhưng những yogi thần thông và các vị thánh đắc đạo làm được điều đó. Đó là kết quả của những phép tu luyện thần thông đặc biệt và có sự trợ giúp của Đấng Siêu nhiên.
Các vị thánh từ Đông sang Tây, những người vượt khỏi maya
Cụ Trưởng Cần là một vị thánh như thế. Một đạo sư trong đoàn đại biểu nhà nước Ấn Độ sang thăm Việt Nam năm 1959 đã ngẫu nhiên gặp cụ ở Hồ Tây. Ông mừng rỡ, reo lên: “J’ai déjà rencontré sauveur de l’humanité ici” (Tôi đã gặp vị cứu tinh của nhân loại đây rồi). Đạo sư đó nhận ra chân thánh của cụ Cần do một luồng ánh sáng lạ mà kẻ phàm hèn như chúng ta không thấy.
Trong “Tự truyện của một yogi”, chúng ta cũng gặp rất nhiều vị thánh.
Ở Chương 3, ta gặp thánh Phân thân, Swami Pranabananda. Cùng một lúc ngài vừa có mặt tại nhà của ngài ở Banaras, bên cạnh Yogananda (tác giả tự truyện), vừa có mặt bên bờ sông Hằng để gặp Kedar Nath. Đó là hiện tượng “phân thân” mà vật lý lượng tử đã biết: một hạt lượng tử có thể đồng thời tồn tại ở hai vị trí cách biệt trong không gian, và đang được các nhà vật lý nghiên cứu ứng dụng để chuyển thông tin tức thời (viễn tải lượng tử, teleportation), như đã trình bày ở mục bất định lượng tử ở đầu bài viết này. Thánh Phân thân cho biết ngài có thể làm phép lạ thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông (nhìn thấy các sư vật, nghe thấy các sự kiện ở xa, bị ngăn cách) mà ngày nay ta gọi là “ngoại cảm”. Tự truyện cho biết tiến sĩ Calligaris nói rằng khi một số vùng trên cơ thể người bị kích thích, họ có thể thấy các vật thể ở bất kỳ khoảng cách nào. Nói cách khác, con người nếu được tu luyện theo một phép tắc nào đó, hoặc được ban phát một năng lực siêu nhiên nào đó, sẽ có thể vượt thoát cái vỏ maya để vươn tới một thế giới mà ở đó khái niệm không-thời-gian trở thành vô nghĩa.
Ở Chương 7, ta gặp thánh Khinh thân, Bhaduri Mahasaya, ngài “đứng trên không, cách mặt đất cả thước”. Trong chương này, tự truyện cho biết: “Năm 1928, giáo sư Jules-Bois ở Đại học Sorbonne nói rằng các nhà tâm lý học Pháp đã nghiên cứu và công nhận siêu thức, cái mà trong tầm vóc của nó, “là sự đối lập chính xác với tiềm thức như Freud quan niệm; và là cái bao gồm các năng lực làm con người thực sự là NGƯỜI mà không chỉ là một động vật bậc cao”. Đây là một nhận định tuyệt vời cho thấy sự thô thiển của học thuyết tiến hóa Darwin cũng như học thuyết vô thức của Freud. Quả thật nếu con người chỉ có cái vô thức Eros và Thanatos như Freud nói mà không có siêu thức như Jules-Bois mô tả thì con người gần với động vật hơn là sáng tạo của Thần như kinh thư các chính giáo mô tả.
Bản thân tác giả của “Tự truyện”, Yogananda, cũng được chứng nghiệm sư phụ của mình, Sri Yukteswar, hiện ra trước mắt tại Serampore, mặc dù thực tế sư phụ của ông đang ở Calcutta. Yogananda tả lại cảm xúc đặc biệt của ông về sự kiện hi hữu này như sau: “Trong thoáng chốc một làn sóng sợ hãi lạnh toát bỗng tràn qua tôi, vì sự kỳ lạ không thể tin nổi trong điều tôi chứng nghiệm. Tôi cảm thấy cõi đời thế kỷ 20 duy vật trôi xa mình; phải chăng tôi đã về lại những ngày xưa khi Jesus hiện ra trước mặt Peter (Phêrô) bên bờ biển?”. Chứng kiến câu chuyện về phép lạ hiện ra của Sri Yukteswar, một người bạn của Yogananda thốt lên: “…mình thấy đại học nào trên đời này cũng chỉ là một nhà trẻ”. Như để đỡ lời cho bạn mình, tác giả trích lại một câu nói bất hủ của Thánh Thomas Aquinas: “Ta được soi rạng những thứ mà đến đỗi giờ đây trong mắt ta những gì ta đã viết xem ra chẳng hơn gì rơm rạ”. Để thưởng thức ý nghĩa sâu xa của câu nói này, tưởng cũng nên biết rằng Thánh Thomas Aquinas được tôn là “ông hoàng của các triết gia kinh viện”.
Yogananda, tác giả của “Tự truyện”, nhà yogi thần thông có sứ mệnh truyền bá Kriya Yoga ra thế giới, có một trái tim thiêng liêng rộng mở. Ông đón nhận sự thiêng liêng từ tất cả các nguồn thiêng trong vũ trụ, qua các bậc thánh, như ông tự bày tỏ: “Như mọi khi, dù ở Đông hay Tây, tôi tha thiết được gặp một bậc thánh”. Và trong dịp từ Mỹ qua Châu Âu để trở về Ấn Độ, ông đã tìm gặp bằng được nữ thánh Therese Newmann ở Konnersreuth, Bavaria, Đức. Lý do vì trước đó ông đọc được một bài phóng sự lạ lùng về nữ thánh này như sau:
(1) Therese, sinh vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1898, bị thương trong một tai nạn năm hai mươi tuổi; cô trở nên mù lòa và liệt.
(2) Năm 1923 cô có lại thị lực một cách mầu nhiệm nhờ cầu nguyện. Sau đó chân tay Therese Newmann tức thì được chữa lành.
(3) Từ năm 1923 trở đi, Therese kiêng ăn uống hoàn toàn, chỉ nuốt một miếng bánh thánh nhỏ mỗi ngày.
(4) Được sự cho phép của giáo hội, Therese đã đôi lần trải qua các cuộc theo dõi khoa học kỹ lưỡng. Tiến sĩ Fritz Gerlich, biên tập một tờ báo Tin Lành Đức, đã đến Konnersreuth để “vạch trần sự lừa lọc của Công giáo”, nhưng cuối cùng lại cung kính viết tiểu sử của cô.
Khoa học không thể giải thích được vì sao nữ thánh Therese chỉ ăn một miếng bánh thánh nhỏ xíu mỗi ngày trong suốt 12 năm ròng mà vẫn khỏe mạnh, má đỏ hồng, vui tươi. Nhưng chính nữ thánh giải thích: “Tôi sống bằng ánh sáng của Chúa”, còn Yogananda giải thích bằng một lời trong Kinh Thánh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thượng Đế phán ra”. Đó là điều người vô thần KHÔNG THỂ TIN, nhưng là SỰ THẬT!
Hình bên: Tiến sĩ Fritz Gerlich đến Konnersreuth để “vạch trần sự lừa lọc của Công giáo” nhưng cuối cùng lại cung kính viết tiểu sử của nữ thánh Therese Newmann
Những nhà khoa học có trực giác vươn tới sự thật đằng sau lý lẽ
Qua đó có thể thấy Kurt Gödel không chỉ là một nhà toán học vĩ đại, mà còn là một nhà tiên tri khi ông khẳng định “Chủ nghĩa duy vật là sai lầm!” (Materialism is false). Vấn đề là ở chỗ, như Yogananda giải thích, rằng “khoa học, … không thể đạt đến đích cuối; thực ra đủ sức để khám phá các định luật của một vũ trụ đã tồn tại và vận hành nhưng lại bất lực không thể phát hiện được Đấng Làm Luật và Đấng Vận hành Duy nhất”.
Đúng thế, Isaac Newton khám phá ra lực hấp dẫn, và dùng nó để giải thích quỹ đạo chuyển động của các hành tinh quanh Mặt Trời. Nhưng ông bị chất vấn, nếu không có lực quán tính đẩy các hành tinh chuyển động theo phương tiếp tuyến của quỹ đạo thì các hành tinh sẽ bị hút vào Mặt Trời, vậy lực quán tính từ đâu mà ra? Newton đáp ngay: “Đó là cú hích ban đầu của Chúa”. Giới vô thần kết tội Newton duy tâm, nhưng ngày nay, dưới ánh sáng của tư tưởng về trực giác và tâm linh, ta thấy Newton đúng. Newton không chỉ khám phá ra Định luật Vạn vật Hấp dẫn, mà còn tin rằng Đấng Làm Luật và Đấng Vận hành Duy nhất đã tạo ra lực quán tính ban đầu cho vũ trụ chuyển động. Đó là cái mà giới khoa học vô thần không hiểu.
Người vô thần là người bị nô lệ vào cái thế giới maya, thế giới nhị nguyên hư ảo, và do đó sẽ không bao giờ hiểu được sự thật, như Yogananda phân tích sau đây:
“Chừng nào mà con người còn bị lệ thuộc vào những huyễn hoặc nhị nguyên của thiên nhiên thì Maya mang khuôn mặt Janus vẫn còn là nữ thần của anh ta; anh ta không thể thấy Thượng đế đích thực duy nhất”. Nói cách khác, nếu bị nô lệ vào tính nhị nguyên của thế giới maya, tức thế giới ta sống hàng ngày, thì không thể có đức tin, và do đó sẽ không bao giờ giác ngộ. “Tự truyện” trích lời Marconi, nhà phát minh nổi tiếng trong thế kỷ 20 như sau:
“Sự bất lực của khoa học trong việc giải đáp sự sống là tuyệt đối. Sự thật này quả thật đáng sợ nếu không nhờ có đức tin. Bí ẩn của sự sống nhất định là vấn đề dai dẳng nhất từng được đặt ra cho tư tưởng của con người”.
Xin lưu ý, Marconi là con người của thế kỷ 20, tức là khi Học thuyết Darwin đã có ít nhất 100 tuổi. Phát biểu của Marconi cho thấy Học thuyết Darwin hoàn toàn vô giá trị trong việc giải thích sự hình thành sự sống.
KẾT LUẬN
Khoa học là một thành tựu vĩ đại trong nền văn minh nhân loại. Thành tựu vĩ đại nhất của khoa học thế kỷ 20 là sự khám phá ra tính tương đối, tính bất định và tính bất toàn của nhận thức bằng lý lẽ. Những khám phá này chỉ ra tính hạn chế của tư duy lý lẽ. Để vượt quá tầm với của tư duy lý lẽ, phải bổ sung vào kho tàng nhận thức những khám phá của tư duy trực giác và tâm linh. Con đường nhận thức của nhân loại phải dựa trên sự phát triển song song hai dạng tư duy: tư duy ngôn-ngư-lý-lẽ và tư duy trực-giác-tâm-linh.
Thế giới chúng ta đang sống là thế giới maya, thế giới nhị nguyên tương đối và hư ảo. Đó là quan niệm phổ biến của nhiều tôn giáo và học thuyết lớn. Phật giáo cũng có quan điểm tương tự. Trong một bài viết nhan đề “Nghiệp (Karma), Nguồn gốc của Hành vi” trên PVHg’s Home ngày 16/07/2015, nhà nghiên cứu Phật học La Thiếu Bình viết “Kết luận mà các nhà khoa học không thể chối cãi, là khoảng cách không gian chỉ là tâm niệm không có thực thể. Không gian đã không có thật thì thời gian cũng không có thật. Việc một photon có thể xuất hiện đồng thời cùng lúc ở hai hoặc nhiều vị trí khác nhau trong không gian chứng tỏ số lượng cũng chỉ là ảo, không có thật. Như vậy thuyết giảng của Phật giáo rằng thế gian là huyễn ảo đã được khoa học chứng minh một cách rõ ràng”. Dường như nhà vật lý nguyên tử lỗi lạc Niels Bohr đã “chạm” vào maya khi ông tỏ ra nghi ngờ sự tồn tại của một hiện thực ở cấp độ hạ nguyên tử. Có thể ông đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng Đông phương về maya, giống như ông đã chịu ảnh hưởng của Thái Cực Đồ để sáng tạo nên Nguyên lý Bổ sung.
Kitô giáo cũng quan niệm cuộc sống của con người là “tạm”, khi trở về với Chúa mới là cuộc sống vĩnh cửu. Trong cuốn “Đạo yêu thương”, do NXB Tôn giáo xuất bản năm 2015, Đức Giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Khảm viết : “Từ rất lâu, truyền thống văn hóa Việt Nam đã nói: sinh ký, tử quy – sống là gửi, thác mới là về… Nghĩa là chúng ta đã từ một nơi nào đó đến trần gian này, rồi sẽ về lại nơi ấy và chỉ nơi ấy mới là nhà của mình, ngôi nhà vĩnh cửu. Đó là câu trả lời theo văn hóa Việt Nam trước câu hỏi ở sâu thẳm lòng người về ý nghĩa của hiện hữu và vận mệnh cuối cùng của đời người. Quan niệm ấy rất gần gũi với đạo lý Công giáo, vì thế khi nghe tin một người thân qua đời, người Công giáo bảo là họ ‘về nhà Cha’, tức là về nhà của Cha ở trên trời. Chúng ta từ Thiên Chúa mà đến và sẽ về lại với Thiên Chúa. Chân trời hy vọng của chúng ta không chỉ là những thành đạt và hạnh phúc trong cuộc đời này, mà còn hướng đến hạnh phúc vĩnh hằng, vượt qua cả biên giới của sự chết”.
Nữ Thánh Mary Mackillop, vị thánh Công giáo duy nhất của nước Úc, cũng nhắc nhở tín đồ Công giáo rằng: “Remember we are all but travelers here” (Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta chỉ là những lữ khách trên đời này). Có nghĩa là nhà của chúng ta ở trên trời, khi ta về với Chúa, đó mới là nơi ta có cuộc sống vĩnh cửu.
Ý kiến bổ sung sau khi bài công bố trên mạng:
Ngay sau khi bài này lên mạng, một độc giả đã gửi email cho tôi để nghị bổ sung ý kiến sau đây: Cần nhấn mạnh để độc giả biết rằng 2 cuốn sách này, “Nguyễn Đức Cần, nhà văn hóa tâm linh” và “Tự truyện của một Yogi” là “người thực, việc thực” chứ không phải những tiểu thuyết giả tưởng hay hư cấu. Năm 1977 chính phủ Ấn Độ đã phát hành con tem để vinh danh Yogananda nhân dịp 25 NĂM ngày “thoát xác có chủ ý” để “nhận sứ mệnh mới của Thượng Đế” CỦA ÔNG…
GHI CHÚ:
[1] La dernière démarche de la raison est de reconnaître qu’il y a une infinité de choses qui la surpassent.
[2] Bản dịch tiếng Việt của Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2011
[3] Xem “Đột phá trong vật lý lượng tử: Chuyển thông tin tức thời” trên VnExpress ngày 01/07/2002 http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/buoc-dot-pha-trong-vat-ly-luong-tu-chuyen-thong-tin-tuc-thoi-2057788.html
[4] Xem “Từ xác định đến bất định” của David Peat, Chương 4 – Tính bất toàn và bất định của ngôn ngữ
[5] Xem “What is Mathematics, Really?”, Reuben Hersh, Vintage, 1998, page 150
Tác giả: Phạm Việt Hưng, viethungpham.com. Từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở VN.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Xem thêm: