Một nghiên cứu mới đo lường sức khỏe tinh thần của người dân tại thành phố Philadelphia (Mỹ) trước và sau khi các khu đất tàn lụi được cải tạo thành các vùng không gian xanh. Và kết quả rất ấn tượng.

Gần một phần năm người Mỹ trưởng thành báo cáo mắc một số dạng thức của chứng rối loạn tinh thần; hơn 16 triệu người trưởng thành trải nghiệm trạng thái trầm cảm mỗi năm. Tuy vậy, các dịch vụ chăm sức khỏe tinh thần chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi phí chăm sóc y tế tại Hoa Kỳ.

Phủ xanh 206 khu đất trống, cải thiện sức khỏe tinh thần
Một khu đất điển hình trong tình trạng tàn lụi tại thành phố Philadelphia. (Ảnh: treehugger.com)

Cần biết rằng “việc dành thời gian sống gần các không gian xanh có thể giúp cái thiện sức khỏe tâm thần, bao gồm giảm thiểu chứng trầm cảm, lo âu và stress”, theo một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania. Ban đầu họ muốn xác định xem việc thay đổi môi trường sống xung quanh sẽ tác động như thế nào đến sức khỏe tinh thần.

Kết luận của họ có thể ít gây ngạc nhiên cho những ai đã biết được lợi ích sức khỏe to lớn của không gian xanh. “Những khu đất xanh trống trong đô thị sẽ làm giảm đáng kể cảm giác trầm cảm và cải thiện tổng thể sức khỏe tâm thần cho cư dân sống xung quanh đó”, trang science daily tóm tắt về kết quả nghiên cứu.

Nhưng tỷ lệ cải thiện của người dân địa phương được báo cáo là bao nhiêu? Đó là một con số rất ấn tượng.

Tổng cộng, có 541 khu đất trống ở Philadelphia được chọn cho nghiên cứu, được chia thành ba phân loại: Khoảng một phần ba khu đất được “phủ xanh”, một phần ba được “dọn sạch rác thải & phế liệu”, và một phần ba còn lại được để nguyên hiện trạng.

Những khu đất thuộc nhóm “phủ xanh” sẽ được xử lý sạch rác, san gạt đất rồi trồng cỏ mới và một vài cây nhỏ, gắn hàng rào gỗ thấp xung quanh và bảo trì định kỳ hàng tháng. Các khu thuộc nhóm “dọn sạch rác thải & phế liệu” thì như tên gọi, sẽ được loại bỏ rác thải & phế liệu, cắt tỉa cỏ ở một số nơi, và bảo trì định kỳ hàng tháng – tất cả đều được thực hiện bởi chương trình LandCare của Hiệp hội Làm vườn Pennsylvania.

Phủ xanh 206 khu đất trống, cải thiện sức khỏe tinh thần
Quá trình can thiệp cải tạo phủ xanh khu đất. Trái: Trước khi cải tạo. Giữa : Trong quá trình cải tạo. Phải: Sau khi cải tạo. (Ảnh: JAMA Network Open)

Họ phát hiện ra rằng những người sống trong bán kính một phần tư dặm của 206 khu đất được tiến hành cải tạo đã giảm được trung bình 41,5% cảm giác trầm cảm và giảm gần 63% số lượng tự báo cáo về tình trạng sức khỏe tâm thần yếu kém, so với những người sống gần các khu đất mà không được cải tạo. Đối với các khu vực sống dưới mức nghèo khổ, cảm giác trầm cảm của những cư dân sống gần các khu đất mới được cải tạo xanh cũng giảm hơn 68%.

Các nhà khoa học đã sử dụng Thang đo Mức độ Đau khổ Tâm lý Kessler (K6) – một công cụ kiểm tra để thống kê mức độ bệnh tâm lý trong cộng đồng – để khảo sát các cư dân gần các khu đất này. Các cuộc khảo sát đã được thực hiện vào 18 tháng trước khi các mảnh đất được cải thiện, và một lần nữa vào 18 tháng sau.

Về cơ bản, có rất ít sự khác biệt về sức khỏe tâm thần được báo cáo bởi người dân sống gần cả hai khu đất chỉ dọn rác và khu đất không có bất kỳ cải tạo gì; cho thấy giá trị lợi ích sức khỏe thật sự nằm ở các không gian xanh được kiến tạo. Đề cập đến vấn đề giá trị, các khu đất đã được phủ xanh với mức phí khoảng 1.600 đô la và tốn khoảng 180 đô la mỗi năm để duy trì. Do đó, các tác giả cho biết, việc phủ xanh các mảnh đất trống có thể là một biện pháp can thiệp hấp dẫn đối với các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách giải quyết vấn đề ô nhiễm đô thị và tăng cường sức khỏe người dân.

Phủ xanh 206 khu đất trống, cải thiện sức khỏe tinh thần
(Ảnh: Realestate.co.nz)

Trưởng nhóm nghiên cứu, Bác sĩ Eugenia C. South, phó giáo sư khoa cấp cứu và là một thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Chăm sóc Khẩn cấp tại Trường Y thuộc ĐH Pennsylvania cho biết:

“Không gian dơ bẩn và trống không là những yếu tố khiến người dân mắc nguy cơ trầm cảm và căng thẳng cao hơn, và có thể giải thích cho sự khác biệt về kinh tế xã hội vốn tồn tại dai dẳng trong những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. Những dữ liệu mới này cho chúng ta thấy việc tạo ra những thay đổi về cấu trúc, như việc phủ xanh, có tác động tích cực đến sức khỏe của những người sống trong những khu vực này. Và điều đó có thể đạt được theo một cách thức hiệu quả và có khả năng trải rộng – không chỉ ở Philadelphia mà còn ở các thành phố khác cũng đang đối mặt với môi trường xung quanh độc hại giống vậy.

Với số lượng lớn các lô đất bỏ trống trên khắp Hoa Kỳ – đất thường bị tàn phá hoặc trong tình trạng rác chất thành đống trên bề mặt, hoặc cỏ dại mọc dày quá mức – thì chiến lược này có thể rất hiệu quả trong việc giúp đỡ người dân. Hãy tưởng tượng một chương trình được thực hiện nhằm biến các khu đất bỏ hoang thành nhiều loại không gian xanh, ví như một khu rừng trồng cây ăn quả hoặc môi trường thụ phấn cho cây xanh sẽ cung cấp thêm nhiều lợi ích bổ sung khác.

“Tuy rằng các liệu pháp điều trị ở cấp độ bệnh nhân cho những người bị rối loạn tâm thần sẽ luôn là một khía cạnh quan trọng trong điều trị”, các tác giả cho hay, “nhưng việc thay đổi địa điểm sống, làm việc và vui chơi có thể có các tác động rộng rãi ở cấp độ dân số đến sức khỏe tâm thần của người dân”.

Nghiên cứu, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Trường Y và Trường Khoa học & Nghệ thuật thuộc Đại học Pennsylvania và các tổ chức khác. Nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open.

Theo Melissa Breyer, treehugger.com
Tịnh Linh biên dịch

Video: Xem Mexico “phủ xanh” trụ đường cao tốc để giải quyết nạn ô nhiễm

videoinfo__video3.dkn.tv||a863ff290__