Tính chất mã nguồn mở của hệ điều hành Android mang lại sức mạnh và sự thành công, nhưng đó cũng là nguyên nhân sâu xa khiến Google bị Liên minh Châu Âu (EU) phạt 5 tỷ đô-la Mỹ.
Chúng ta có rất nhiều người đang sử dụng các sản phẩm Android trong cuộc sống hàng ngày. Một số người thực sự yêu thích Android, nhưng đa số vì không còn nhiều lựa chọn khác nên đành phải sử dụng.
Tôi là một người đam mê công nghệ và yêu thích hệ sinh thái của Google. Mặt khác, tôi cũng ủng hộ quan điểm cạnh tranh thương mại công bằng: mỗi công ty cần phải có trách nhiệm với sân chơi của mình và không nên lợi dụng vị thế lớn mạnh để ngăn cản sự cạnh tranh từ các công ty nhỏ hơn.
Khoản phạt kỷ lục 5 tỷ đô-la Mỹ mà EU vừa giáng xuống đầu Google thực sự khiến chúng ta phải suy ngẫm điều gì đang xảy ra vậy? Bài viết này sẽ phân tích cả hai mặt: cách nghĩ của Ủy ban Châu Âu và cách làm của Google. Từ đó mang đến cho bạn một góc nhìn khách quan về mâu thuẫn này, còn việc đứng về phe nào là quyết định của riêng bạn.
Google đã giúp rất nhiều công ty khởi nghiệp
Phản bác lại án phạt của EU, Giám đốc Điều hành Google, ông Sundar Pichai cho rằng công ty của mình không làm gì sai mà ngược lại còn giúp đỡ rất nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp thành công.
Sundar Pichai đã dành thời gian viết hơn 800 từ trên trang blog của mình để chia sẻ về vấn đề này. Trong bài viết, ông bảo vệ tính chất mã nguồn mở của hệ điều hành Android. Bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể truy cập vào dự án mã nguồn mở Android (AOSP) và sử dụng nó để tạo bất kỳ thứ gì mà họ muốn. Google luôn cung cấp Android miễn phí và theo cách rất cởi mởi như vậy.
Google đã chi hàng tỷ USD để duy trì điều đó. Họ đã giúp hàng ngàn doanh nghiệp tạo ra sản phẩm công nghệ đáp ứng được nhu cầu thị trường với mức đầu tư ban đầu tối thiểu. Những doanh nghiệp thành công về sau có thẻ mở rộng hoạt động của mình, cắt giảm sự phụ thuộc vào Google, thậm chí cạnh tranh ngược lại. Google không hề cản trở và luôn chào đón đối thủ mới.
Nghe thì có vẻ như Google rất hào phóng nhưng không phải vậy. Google đầu tư hàng tỷ USD vào Android bởi vì nó có thể mang về hàng tỷ USD theo một cách khác. Google Mobile Service (GMS) đã khiến câu chuyện tài chính này trở nên khả thi. Đó là một bộ ứng dụng Android của Google, bao gồm: Gmail, YouTube, Chrome, Google Tìm kiếm và đáng kể nhất là Google Play.
Sundar Pichai lập luận rằng Google không bắt buộc các nhà sản xuất sử dụng GMS khi làm sản phẩm Android của mình. Nếu một công ty muốn phát hành điện thoại Android mà không muốn truy cập vào các ứng dụng của Google, công ty đó có thể làm như vậy. Thực tế là các hãng điện thoại Trung Quốc vẫn luôn luôn làm như thế. Nhưng tham vọng rõ ràng của Google là làm sao để Android hoạt động tốt nhất khi nó có GMS.
Bạn không thể đổ lỗi cho nó cho tham vọng đó. Bởi vì không có tham vọng đó, dự án mã nguồn mở Android sẽ không có giá trị tài chính và đương nhiên Google chẳng dại gì mà đầu tư vào đó hàng tỷ USD.
Xét cho cùng, nếu một công ty đến nói với Google rằng họ muốn phát hành điện thoại Android mà không muốn truy cập vào các ứng dụng của Google – thì theo nghĩa lý mà nói Google nên có quyền từ chối.
Vậy chẳng phải Google cũng đang hào phóng đó sao? Họ tập trung làm cho các sản phẩm của mình tốt hơn và tốt hơn nữa để đảm bảo rằng chúng là một hệ sinh thái không thể tách rời, làm sao để cả các nhà sản xuất điện thoại và người dùng đều muốn sử dụng chúng. Google đã làm được, theo những con số thống kê hiển thị trong đồ họa thông tin này.
Tất nhiên, vẫn có những công ty thành công với các sản phẩm Android mà không cần sự xuất hiện của GMS. Amazon là ví dụ tiêu biểu nhất với những chiếc tablet Kindle Fire và Fire TV đang được rất nhiều người trên thế giới sử dụng.
Sundar Pichai hùng hồn tuyên bố trong bài viết của mình: “Để thành công, các nền tảng mã nguồn mở phải cân bằng cẩn thận nhu cầu của những người sử dụng. Lịch sử cho thấy không có quy tắc nào về khả năng tương thích cơ sở. Sự phân chia nền tảng sẽ gây tổn hại cho người dùng, nhà phát triển và cả nhà sản xuất điện thoại. Quy tắc của Android tránh điều này và giúp nó trở thành một đề xuất lâu dài hấp dẫn cho mọi người”.
Nói cách khác, tính chất mã nguồn mở của Android không phát triển trên tình trạng hỗn loạn vô luật pháp, mà thay vào đó là một sự cân bằng: cởi mở nhưng có quy định. Với cách lập luận này, thật khó để đồng ý với quyết định phạt tiền lên tới 5 tỷ USD chỉ vì Android miễn phí và phát triển mạnh.
Ủy ban Châu Âu lại nghĩ khác
Thật dễ bị ảnh hưởng bởi những lời nói đầy say mê của CEO một công ty có giá trị hơn 1,2 tỷ USD. Chúng ta không nên bỏ qua những gì Ủy ban Châu Âu đang cố gắng buộc tội Google trước khi đi đến kết luận đứng về phe nào.
Trong tuyên bố xử phạt Google, EU buộc tội Google lạm dụng sự độc quyền của hệ điệu hành Android, sử dụng nó như một phương tiện để củng cố sự thống trị của công cụ tìm kiếm của mình.
Ủy ban Châu Âu đã đưa ra bằng chứng chi tiết cho thấy các hạn chế ngày càng gia tăng của hệ điều hành Android, phần cốt lõi dần trở nên ít hữu ích hơn trong khi danh sách các ứng dụng GMS ngày nhiều. Ví dụ: Trình duyệt Chrome của Google là một phần của GMS. Vì vậy, mọi thiết bị Android có giấy phép GMS phải cài đặt sẵn Chrome và đặt trình duyệt này làm mặc định. Tương tự như vậy với các ứng dụng tích hợp khác, như Gmail, Google Tìm kiếm, Google Maps, Google Play, v.v.
Mặc dù Google cho rằng bất kỳ người dùng nào mua điện thoại Android đều có thể thay đổi các cài đặt mặc định đó và sử dụng các ứng dụng khác nhưng EU cho rằng hầu hết người dùng hoặc là không biết điều đó, hoặc là không đủ hiểu biết để thực hiện thay đổi cài đặt. Hơn nữa, người dùng cũng không được phép xóa bộ ứng dụng GMS. Điều này khiến các đối thủ cạnh tranh trong ngành ứng dụng di động gặp khó khăn hơn khi chống lại Google.
Thử hỏi cha mẹ chúng ta có biết cách thay đổi cài đặt ứng dụng mặc định không? Có lẽ là không và ở khía cạnh này lập luận của Ủy ban Châu Âu lại rất có lý.
Điều này tương tự như trường hợp chống độc quyền của Microsoft xoay quanh trình duyệt Internet Explorer trong những năm 1990. Microsoft đã bị buộc tội ngăn chặn sự cạnh tranh vì Internet Explorer là trình duyệt mặc định của Windows và không dễ dàng để gỡ cài đặt nó khỏi máy tính. Thậm chí, khi người dùng tải xuống và cài đặt một trình duyệt mới, Internet Explorer đột nhiên chạy chậm như rùa bò.
Google cũng sở hữu chợ ứng dụng di động lớn nhất thế giới – Google Play. Và ai cũng biết, nó là chợ ứng dụng mặc định trên hệ điều hành Android. Ủy ban Châu Âu cho rằng điều kiện đó không khả thi cho một chợ ứng dụng Android khác cạnh tranh với Google Play.
Tất cả sản phẩm trong hệ sinh thái xoay quanh Android đã cùng nhau hợp lực loại bỏ cơ hội đổi mới và cạnh tranh của các công ty có ý định đối đầu với Google. Do đó, quyết định xử phạt chống độc quyền là hoàn toàn có căn cứ.
Cuối cùng, bạn đứng về phe nào?
Đọc đến đây, có thể bạn đã biết mình đứng về phe nào. Tôi thì giữ quan điểm trung lập. Cho dù Google phải nộp phạt 5 tỷ đô-la Mỹ đi chăng nữa cũng rất khó có khả năng công ty này sẽ ngừng việc thống trị thị trường dựa vào sức mạnh của Android.
Quyết định xử phạt của EU dường như chỉ để nói rằng: Này Google, liệu hồn mà làm ăn cho cẩn thận!
EU bắt buộc Google phải thay đổi hệ điều hành Android và các ứng dụng tích hợp của mình trong vòng 90 ngày. Nếu quá thời hạn này, EU sẽ tiếp tục phạt 5% doanh thu mỗi ngày. Tuy nhiên, có một sự thực là Google hoàn toàn có thể loại bỏ một nửa danh sách ứng dụng GMS ngay bây giờ và điều đó hầu như không ảnh hưởng đến sự thống trị của họ.
Việt Đức