Chúng ta thường tự hỏi, các tiểu thuyết được viết ra dựa trên đời thực, hay cuộc đời thực cũng dựa trên các cuốn tiểu thuyết? 3 trường hợp dưới đây cho thấy rằng… có lẽ cả 2 chiều đều đúng.
1. Edgar Allan Poe dường như đã tiên đoán được cái chết của cậu bé Richard Parker do bị ăn thịt
Edgar Allan Poe (Ảnh: Thư viện Quốc gia Hoa kỳ)
Vào thế kỷ 19, Edgar Allan Poe viết cuốn “The Narrative of Arthur Gordon Pym” (“Tự truyện về Arthur Gordon Pym”) kể về một cậu bé thủy thủ tên là Richard Parker. Cậu đã bị ba thủy thủ đoàn sát hại và ăn thịt sau khi con tàu bị chìm.
Năm 1884, gần 50 năm sau thời điểm phát hành cuốn sách, con thuyền Mignonette đã khởi hành từ Southampton, Anh, đến Sydney, Úc. Một cậu bé thủy thủ với cái tên Richard Parker đã khởi hành với ba thủy thủ đoàn—cũng giống như trong câu chuyện của Poe.
Con thuyền Mignonette bị đắm trên đường, và cậu bé Parker tội nghiệp đã gặp phải số phận bi thảm như bản sao hư cấu của mình.
Ban đầu thủy thủ đoàn của thuyền Mignonette nhờ vào thịt rùa để duy trì sự sống, giống các nhân vật trong cuốn sách của Poe. Tuy nhiên, khi thịt rùa cạn kiệt, và Parker kiệt quệ do uống nước biển, các thủy thủ đoàn đã sát hại và ăn thịt cậu bé.
Ảnh một con thuyền. (Ảnh: Shutterstock)
2. Morgan Robertson dường như đã tiên đoán được vụ đắm tàu Titanic
Tác giả Morgan Robertson đã viết về vụ đắm một con tàu hư cấu ông gọi là “Titan” vào năm 1898 trong cuốn sách “Futility” , vốn mang một nét tương đồng đáng kinh ngạc với con tàu Titanic. 14 năm sau khi cuốn sách được xuất bản, con tàu Titanic đã bị đắm trong hoàn cảnh gần như tương tự.
Tờ Buffalo News đã tổng kết những điểm tương đồng giữa hai vụ đắm tàu trong một bài viết đăng tải trên trang web của trường Đại học Buffalo vào năm 1998:
- Con tàu Titan của Robertson dài 243,8 m, tàu Titanic dài 269 m.
- Cả hai con tàu đều được chế tạo bằng thép với ba chân vịt và hai cột buồm.
- Mỗi tàu được thiết kế có sức chứa khoảng 3000 người.
- Tổng trọng tải của tàu Titan là 46.328 tấn, và của tàu Titanic là 45.000 tấn.
- Công suất của tàu Titan là 40.000 mã lực, của tàu Titanic là 46.000 mã lực.
- Mỗi tàu đều được miêu tả là con tàu chở khách lớn nhất từng được chế tạo.
- Cả hai con tàu đều được coi là không thể bị đắm cho đến khi chúng chìm xuống lòng biển Bắc Đại Tây Dương.
- Có rất ít xuồng cứu hộ [so với số hành khách] trên cả hai con tàu.
- Tàu Titan chạy với vận tốc 24 hải lý, tàu Titanic với vận tốc 22,5 hải lý.
- Cả hai vụ đắm tàu đều xảy ra trong tháng Tư.
- Cả hai tàu đều bị mắc kẹt vào một tảng băng trôi bên mạn phải lúc gần nửa đêm.
3. Philip K. Dick gặp gỡ bản sao ngoài đời của nhân vật trong cuốn sách của ông
Bức họa chân dung Philip K. Dick. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Năm 1970, tác giả thể loại khoa học viễn tưởng nổi tiếng Philip K. Dick đã viết một cuốn sách có tựa đề “Flow My Tears, the Policeman Said” (tạm dịch: Nước mắt tuôn rơi, Cảnh sát nói). Ông đã hoàn thành nó rất nhanh, nhờ một nguồn cảm hứng dâng trào.
Sau này ông gặp một người phụ nữ có cùng tên với một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của ông. Cô ấy có cùng độ tuổi, và bạn trai của cô có tên giống với bạn trai của nhân vật trong truyện. Ngoài ra, cô có dính líu đến một đường dây tội phạm giống như nhân vật trong cuốn truyện, nhưng sau đó bị phanh phui mối quan hệ tình cảm với một viên cảnh sát, cũng giống như nhân vật trong cuốn truyện.
Sự bí ẩn ngày càng ly kỳ hơn, như Dick miêu tả trong bài tiểu luận năm 1978 của ông với tựa đề “How to Build a Universe That Doesn’t Fall Apart Two Days Later” (tạm dịch:Cách xây dựng một vũ trụ để không bị sụp đổ chỉ hai ngày sau đó)
“Chắc chắn, đây là những điều trùng hợp kỳ lạ. Có lẽ tôi đã có linh cảm trước. Nhưng điều bí ẩn thậm chí còn trở nên phức tạp hơn; khi điều xảy ra tiếp theo đã hoàn toàn làm tôi bối rối …
“Một buổi chiều nọ khi tôi đang nói chuyện với linh mục của tôi—tôi là một Episcopal (người theo Tân giáo – giáo hội Kitô Anh)—tôi tình cờ đề cập đến một cảnh tượng quan trọng ở gần cuối cuốn tiểu thuyết: nhân vật Felix Buckman bắt gặp một người da đen lạ mặt tại một trạm xăng 24h, và họ đã bắt chuyện. Khi tôi mô tả cảnh tượng đó càng ngày càng chi tiết, vị linh mục dần trở nên kích động. Cuối cùng ông nói, ‘Đó là một cảnh tượng trong cuốn Sách Công vụ, thuộc Kinh Thánh!’”
Dick kiểm tra và phát hiện các sự kiện trùng khớp tới từng chi tiết, và ngay cả những cái tên cũng được lặp lại trong câu chuyện của ông và trong Kinh Thánh.
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch
Xem thêm: