Không chỉ Trung Quốc, Mỹ cũng có thể để hàng hóa nước này “khoác áo” Việt Nam né thuế trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, chiến tranh thương mại có thể dẫn đến việc doanh nghiệp Trung Quốc dùng Việt Nam để đưa hàng qua Mỹ và ngược lại.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 1/8, Bộ Công thương nhận được câu hỏi của phóng viên về nguy cơ Trung Quốc tuồn hàng sang Việt Nam, làm giả xuất xứ để xuất đi Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang leo thang.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thừa nhận Việt Nam đang cận kề với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, do có thể tính đến những trường hợp xấu nhất tác động đến nước ta.

“Hàng Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất đi Mỹ nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp ngược lại, hàng từ Mỹ sang Việt Nam để sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng về thực phẩm cao cấp, thịt bò…”, ông nói.

Ông Hải cũng cho biết Bộ Công thương đã có đề xuất và báo cáo Chính phủ ban hàng Nghị định 31/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Nghị định này quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và áp dụng với thương nhân, cơ quan tổ chức và cá nhân.

Theo đó, không chỉ riêng gì hàng hóa từ Mỹ hay Trung Quốc, tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có hàng hóa đến Việt Nam rồi xuất đi các nước khác đều được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ.

“Hiện nay chúng tôi đã phê duyệt các chương trình của Bộ Công Thương như Quyết định 334 về phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng chống vi phạm trong sản xuất kinh doanh hàng hoá như chống giả mạo xuất xứ tại các địa phương, trọng điểm đến hết năm 2020”, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết.

Trước đó, tờ SMCP cũng đưa tin rằng các quan chức tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đang lên kế hoạch xây dựng 7 khu vực thương mại xuyên biên giới với Việt Nam để các nhà sản xuất nước này đến lắp ráp các sản phẩm tại đây và dán nhãn “made in Vietnam”, sau đó xuất đi các quốc gia khác.

Theo đó, các khu vực hợp tác kinh tế sẽ có các phân khu theo chức năng như khu chế tạo, gia công, kho bãi, thông quan hàng hóa, trung tâm thương mại…, và chính phủ 2 nước sẽ cùng phối hợp quản lý, khai thác và chia lợi nhuận.

Nếu các khu vực thương mại xuyên biên giới này được thành lập sớm, đây có thể trở thành nơi trú ẩn cho hàng hóa của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chương trình thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trên thực tế, các sản phẩm như sắt, thép, xi măng của Việt Nam đã nhiều lần bị Mỹ cáo buộc có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng mượn nhãn mác Việt Nam xuất khẩu qua thị trường Mỹ để hưởng lợi về thuế suất.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chỉ mới bắt đầu và không biết khi nào kết thúc và cũng rất khó lường trước những biến động sẽ xảy đến. Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược ứng phó với nhiều kịch bản theo các cấp độ ảnh hưởng.

Kiều Ngọc