Dennis Wilder, giám đốc khu vực Đông Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng Trung Quốc rất muốn có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Trump để giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai bên.
WSJ đưa tin, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ gặp nhau tại Buenos Aires, Argentina bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 tới.
Chính quyền Trump mới chỉ thông báo cho Bắc Kinh về việc xúc tiến kế hoạch gặp mặt giữa hai lãnh đạo trong vài ngày gần đây, trong khi Trung Quốc luôn mong muốn có một cuộc gặp gỡ như vậy để tạo cơ hội cho cả hai bên giảm bớt căng thẳng thương mại.
Hãng tin SCMP nhận định đây là cơ hội hiếm hoi mà Trung Quốc buộc phải nắm bắt, bởi cuộc gặp này được thúc đẩy bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, những người có quan điểm ôn hòa về thương mại với Trung Quốc và luôn lo ngại về nguy cơ thị trường chứng khoán toàn cầu hỗn loạn khi cuộc chiến kéo dài.
Nếu cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập không có kết quả khả quan, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhiều khả năng sẽ khốc liệt hơn, khi quan điểm về thương mại của ông Trump thường thuận theo những trợ lý có đường lối cứng rắn như Cố vấn Hội đồng Thương mại Quốc gia Peter Navarro hay Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Dennis Wilder, giám đốc khu vực Đông Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng Trung Quốc rất muốn có cuộc gặp trực tiếp với ông Trump để giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai bên.
“Trung Quốc muốn tiếp xúc trực tiếp với tổng thống Mỹ vì họ cảm thấy rằng những người thay mặt ông Trump tham gia đàm phán không phải lúc nào cũng biết được giới hạn của ông ấy. Họ muốn tìm hiểu từ chính Tổng thống Trump xem chính xác họ cần phải làm gì để thoát khỏi chiến tranh thương mại”, ông Wilder nhận định.
Theo chuyên gia này, các quan chức cấp thấp hơn sẽ không thể giải quyết được tranh chấp thương mại khi lãnh đạo không cho họ biết một thỏa thuận mà hai bên có thể đạt được sẽ ra sao.
“Cách duy nhất tôi cho rằng có thể xử lý vấn đề này là một cuộc gặp trực tiếp giữa hai lãnh đạo”, ông Wilder cho biết thêm.
Tuy nhiên, Trump lại là người rất khó lường. Gần đây, ông chủ Nhà Trắng đã liên tục “tung hỏa mù” về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Phát biểu trong một cuộc vận động ngày 6/10, ông Trump tuyên bố Mỹ “đang xúc tiến một thỏa thuận với Trung Quốc”, nhưng chỉ ba ngày sau, ông khẳng định ở Nhà Trắng rằng Bắc Kinh “chưa sẵn sàng” cho một thỏa thuận thương mại với Washington, đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế với hàng hóa nước này.
“Họ muốn đàm phán, rất muốn được đàm phán, nhưng tôi bảo họ ‘Các anh chưa sẵn sàng đâu’. Chúng tôi đã hủy vài cuộc gặp vì tôi nói rằng họ chưa sẵn sàng thỏa thuận”, ông Trump nói.
Tổng thống Trump cũng khẳng định Trung Quốc đang hứng chịu hậu quả nặng nề khi hàng hóa của nước này bị ông áp thuế.
“Nếu nhìn vào nền kinh tế của họ hiện nay, mọi người sẽ thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Kinh tế của họ đang tuột dốc không phanh. Tôi vẫn còn nhiều lá bài để chơi và họ sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán”, ông Trump tuyên bố.
Kể từ tháng 7 đến nay, chính quyền Washington đã áp thuế lên tổng 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa sẽ áp thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa, khiến gần như toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ chịu mức thuế nặng. Bắc Kinh mới chỉ đáp trả bằng cách áp thuế 110 tỷ USD hàng hóa của Washington.
Nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng sức ép với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại là rất lớn khi động thái đối đầu với Bắc Kinh của ông Trump nhận được nhiều sự ủng hộ cả trong và ngoài nước.
Dù đòn áp thuế và giọng điệu của ông chủ Nhà Trắng còn gây nhiều tranh cãi nhưng phần lớn doanh nhân, quan chức chính quyền và thành viên lưỡng đảng Mỹ đều có chung quan điểm rằng đã đến lúc trừng phạt các hành vi thương mại của Trung Quốc.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)