Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng trong tuyệt vọng để ngăn đà lao dốc của đồng nội tệ, một tình trạng có thể gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mới tái đắc cử được 2 tháng.
Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã sụt giá không phanh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/8 tuyên bố nâng gấp đôi thuế áp lên nhôm và thép Thổ Nhĩ Kỳ lên mức tương ứng là 20% và 50%.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, đồng Lira có lúc giảm tới 18% giá trị, cú giảm lớn nhất trong một ngày kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2001 ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters.
Trong ngày 10/8, Tổng thống Trump đã chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đang lao dốc mạnh so với đồng USD. “Mối quan hệ của chúng tôi với Thổ Nhĩ Kỳ lúc này đang không tốt”.
Nhiều người cho rằng bước đi của ông Trump đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Mối quan hệ mỗi lúc một xấu đi giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ càng khiến giới đầu tư có thêm lý do để bán tháo Lira.
Trước đó, Washington đã áp các biện pháp trừng phạt lên nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả việc chính quyền Ankara bắt giữ một mục sư người Mỹ.
Giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang có nhiều mâu thuẫn, nhưng bất đồng lớn nhất và “nóng” nhất ở thời điểm này nằm ở số phận của mục sư người Mỹ có tên Andrew Brunson mà Ankara cáo buộc hậu thuẫn một nhóm đứng sau vụ đảo chính bất thành các đây 2 năm, dù ông Brunson bác bỏ cáo buộc đó.
Tuần trước, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Washington để đàm phán về vấn đề số phận của mục sư Brunson, nhưng không đạt được bước đột phá nào.
Là một thị trường mới nổi quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ nằm giáp Iran, Iraq và Syria, đồng thời là một quốc gia thân cận với phương Tây trong nhiều thập kỷ qua. Khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đẩy bất ổn tại một khu vực vốn dĩ có nhiều biến động gia tăng nhiều hơn.
Trong một bài phát biểu trước công chúng vào ngày 10/8, Tổng thống Erdogan cho biết những người ủng hộ cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ kỳ vào năm 2016 đang cố gắng tấn công nước này bằng con đường kinh tế.
Thực tế cho thấy, không cần đợi đến ngày 10/8, đồng Lira cũng đã có cú trượt dốc mạnh vì thị trường lo ngại về ảnh hưởng của ông Erdogan lên chính sách tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ đầu năm đến nay, đồng Lira đã mất giá hơn 40%. Cuộc khủng hoảng này đã khiến tài sản bị bán tháo tại các thị trường mới nổi khác trong phiên ngày 10/8, làm sống dậy “bóng ma” lây lan vốn là điểm yếu của các thị trường mới nổi trong nhiều thập kỷ qua.
Việc bán tháo đồng Lira làm gia tăng lo ngại rằng liệu các công ty nặng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể trả nợ bằng đồng Euro và USD sau nhiều năm vay nợ nước ngoài để đổ tiền vào cơn sốt xây dựng kể từ khi ông Erdogan lên cầm quyền.
Trong khi đó, ông Erdogan cho rằng hoạt động “vận động hành lang về lãi suất” mờ ám và các tổ chức đánh giá tín nhiệm phương Tây đang cố tình hạ gục nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi người dân thể hiện tinh thần yêu nước.
“Nếu ai đó đang cất USD hay vàng dưới gối, hãy mang đi đổi lấy Lira tại các ngân hàng của chúng ta. Đây là một trận chiến quốc gia”, ông Erdogan phát biểu trước đám đông ở thành phố Bayburt.
Dưới sức ép của ông Erdogan, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã phải giữ lãi suất ở mức thấp, dù lạm phát đã vượt ngưỡng 15% vào tháng 7.
Trong cuộc họp mới đây, ngân hàng này tiếp tục đi ngược lại kỳ vọng của thị trường khi giữ nguyên lãi suất. Giới phân tích cho rằng hành động này có thể khiến ông Erdogan hài lòng, nhưng đã đến lúc Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải có hành động khẩn cấp.
Ông William Jackson, chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi thuộc Capital Economics, nhận định: “Có lý do để tin rằng việc nâng lãi suất khẩn cấp trong cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay chỉ có thể mang lại tác dụng tạm thời. Không rõ Thổ Nhĩ Kỳ có thể sớm thoát khỏi tình trạng hiện nay hay không”.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 còn 4% từ mức 5,5% trước đó, nhưng các chuyên gia cảnh báo sự sụt giảm tăng trưởng sẽ sâu hơn nếu niềm tin không được khôi phục sớm.
“Không loại trừ khả năng một cuộc suy thoái và khủng hoảng nợ sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực thi các biện pháp kiểm soát vốn và đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu”, chuyên gia kinh tế về châu Âu Carsten Hesse thuộc Berenberg đánh giá.
Dù ông Erdogan đưa ra những tuyên bố cứng rắn, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đối thoại để giải quyết vấn đề với Washington.
Kiều Ngọc