Việt Nam đang có những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ luôn dẫn đầu trong việc giúp đỡ các quốc gia khác trên con đường phát triển, cho dù đó là thông qua các chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ như hỗ trợ nông dân Farmer-to-Farmer, các chương trình giáo dục như Fulbright, hoặc các hoạt động tình nguyện Peace Corps.

Nhưng thời thế đã thay đổi khi nói đến những tiến bộ trong lĩnh vực tài chính. Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam và Kenya được đánh giá đã vượt mặt Mỹ, theo CNN.

Trong khi hàng chục triệu người Mỹ không có tài khoản ngân hàng hay không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính, các quốc gia như Việt Nam và Kenya đang nhanh chóng phát triển các hệ thống tài chính hiện đại, mang lại các tiện ích chưa từng có cho hàng triệu người.

my tut hau so voi viet nam ve thanh toan dien tu
Hệ thống thanh toán trực tuyến tại Mỹ vẫn còn chậm chạp. (Ảnh: Reuters)

Tất nhiên, môi trường tại các thị trường mới nổi sẽ có sự khác biệt đáng kể so với các thị trường đã phát triển như Mỹ, và các giải pháp không thể chỉ đơn giản là sao chép từ thị trường này sang thị trường khác. Nhưng khi xem xét tốc độ phát triển của 2 quốc gia trên, Mỹ cũng nên xem xét cách họ đã làm thế nào và Mỹ cần điều chỉnh những gì.

Khẩu hiệu “Cái giá của người nghèo rất đắt” đang là một sự thật tại Mỹ. Trong khi những khách hàng giàu được các tổ chức tài chính chào đón bằng các ưu đãi hấp dẫn từ miễn phí giao dịch đến miễn phí chơi gôn, những người nghèo sẽ phải trả mọi dịch vụ cơ bản, bao gồm nhân viên, báo cáo và phí bảo trì tài khoản hàng tháng.

Nếu nói về việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, nhiều người nghèo thậm chí còn không có cơ hội đến gần được một chi nhánh ngân hàng, do hầu hết các chi nhánh ngân hàng đều nằm ở các khu vực đô thị.

Theo CNN, khoảng 6,5% hộ gia đình Mỹ không có tài khoản ngân hàng, trong khi 18,7% không tiếp cận được các dịch vụ tài chính cơ bản cho dù có tài khoản ngân hàng, nhưng họ vẫn quen sử dụng các khoản vay bằng séc hoặc tiền mặt. Nói chung, hơn 60 triệu người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng hay không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản tại Mỹ.

Trong khi đó, theo số liệu Ngân hàng Thế giới (WB), tại Kenya, hiện 82% dân số có tài khoản ngân hàng, mức cao nhất trong khu vực cận Sahara châu Phi, và đã tăng gần gấp đôi so với năm 2011.

Khi Mỹ vẫn “dậm chân tại chỗ”, Kenya đã tăng tốc nhờ vào hệ thống ví di động M-Pesa. Sáng kiến ứng dụng công nghệ có thể được áp dụng cho tất cả các loại điện thoại di động chứ không chỉ giới hạn trên điện thoại thông minh. M-Pesa đã có mặt ở Kenya từ rất lâu trước khi ứng dụng Venmo trở thành cơn sốt mới nhất trong giới trẻ.

Được ra mắt vào năm 2007 bởi hãng điện thoại di động Safaricom, M-Pesa cho phép người dùng thanh toán từ các hóa đơn cho đến mua đồ ăn trên đường phố. Các thức thanh toán này rất đơn giản: Người dùng chỉ cần có tiền trong ví điện tử trên điện thoại của họ và sử dụng chiếc ví đó để thanh toán bằng cách thông qua các tin nhắn văn bản tới những người dùng khác với chi phí thấp hoặc không mất phí. Bị thuyết phục hoàn toàn bởi những tiện ích mà ứng dụng này đem lại, hầu hết người dân Kenya đều sử dụng M-Pesa.

Theo số liệu của WB năm 2018, 73% người Kenya sử dụng tài khoản thanh toán trên điện thoại di động.

Những tiến bộ tương tự cũng đã diễn ra ở Việt Nam. Sau nhiều thập kỷ chiến tranh tàn phá và các chính sách kinh tế không thành công đã biến Việt Nam thành một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Tuy nhiên, nhờ vào cuộc cách mạng số, Việt Nam đã trở thành một “Trung Quốc thu nhỏ” trong lĩnh vực kinh tế chỉ sau 10 năm. Điện thoại thông minh và chi phí đăng ký tương đối rẻ đã tạo cơ hội cho hàng triệu người Việt Nam tiếp cận các dịch vụ trực tuyến.

Tính đến năm 2014, tuy chỉ có 1 trong số 3 người có tài khoản ngân hàng chính thức tại Việt Nam, tỷ lệ chưa bằng 1/2 của toàn cầu, nhưng ví điện tử nổi lên như một giải pháp thay thế. Rất nhiều người đã có cơ hội tiếp cận với hệ thống tài chính.

my tut hau so voi viet nam ve thanh toan dien tu
Hàng loạt ứng dụng thanh toán điện tử đã xuất hiện ở Việt Nam. (Ảnh: Linkedln)

MoMo, một dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam, đã có 5 triệu người dùng. Và chỉ trong tháng 9, hai hãng xe điện tử Grab và Uber đã đưa ra giải pháp thanh toán di động GrabPay, dự kiến ​​sẽ tạo ra hàng triệu USD trong hệ thống tài chính.

Những sáng kiến ​​như vậy cũng xuất hiện ở Mỹ. Nhiều người hiện đang sử dụng PayPal, Venmo, Zelle hoặc một số ứng dụng ngân hàng di động khác.

Theo một báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ về công nghệ tài chính, trong 7 năm qua, có hơn 3.330 công ty “fintech” (công nghệ tài chính) mới đã được thành lập. Họ cung cấp hàng loạt các dịch vụ tài chính, từ việc cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ mà không vay được từ ngân hàng lớn, đến thanh toán điện tử và đầu tư.

Tuy nhiên, việc áp dụng những đổi mới vào lĩnh vực tài chính và mở rộng quy mô của nó tại Mỹ vẫn là một thách thức. Trong khi các thị trường mới nổi như Việt Nam còn tụt hậu so về tổng thể trong tài chính, nhưng các quốc gia này vẫn luôn ở vị thế sẵn sàng tiến lên vì họ không phải gánh quá nhiều áp lực về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật đã lỗi thời được xây dựng từ lâu ở các nước phát triển.

Đơn cử như chẳng có người tiêu dùng nào ở Kenya muốn được nhận séc. Trong khi đó, tại Mỹ, tuy séc không thuận tiện nhưng vẫn được chấp nhận trong đời sống tài chính.

Vậy Mỹ cần làm gì?

Trước tiên, Mỹ cần mở rộng phạm vi phủ sóng di động ở vùng nông thôn. Ủy ban Truyền thông Liên bang ước tính rằng 30% số người sống ở nông thôn Mỹ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với internet tốc độ cao. Đại đa số trong khoảng 15 triệu người Mỹ bị cắt đứt với các dịch vụ Internet và dịch vụ tài chính cơ bản.

Điều thứ hai, nâng cao kiến thức về tài chính. Trong những năm qua, nhiều chương trình dạy về tài chính cho học sinh trung học đã được triển khai. Những nỗ lực này tập trung chủ yếu vào các cộng đồng có thu nhập thấp tại các vùng quê. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hiểu biết về tài chính tại Mỹ vẫn ở mức cao. Rất nhiều người gặp khó khăn khi đưa ra một quyết định liên quan đến tài chính.

Cuối cùng, cần đổi mới các quy định về tài chính. Thay vì cứng nhắc, các quy tắc thông thoáng sẽ khiến các doanh nghiệp và cả ngân hàng mở rộng được quy mô kinh doanh. Trong khi Mỹ vẫn là cái nôi của những phát minh vũ trụ và của các dự án khởi nghiệp, các nhà hoạch định chính sách nên xem xét các chương trình phù hợp.

Nếu chính phủ và khu vực tư nhân đồng lòng, môi trường tài chính ở Mỹ sẽ có những cải thiện to lớn. Nhiều người Mỹ chắc chắn không bao giờ nghĩ rằng có ngày họ phải học hỏi từ Việt Nam hay Kenya. Tuy nhiên, đây lại chính là những gì mà Mỹ cần làm hiện nay.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)