Theo Chỉ số Khả năng chi trả cho nhà ở toàn cầu của Bloomberg, trong số 20 thành phố có giá nhà đắt nhất so với thu nhập, 7 thành phố nằm ở châu Á và 6 ở Nam Mỹ.
Đáng ngạc nhiên là các nền kinh tế đang phát triển lại có giá nhà thuộc loại đắt nhất thế giới. Điều này khiến phần lớn người dân các quốc gia này khó có thể sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình. Không quan trọng là bạn đang thuê nhà ở Rio hay là chủ nhân của một ngôi nhà ở Hà Nội, sống trong một đô thị lớn có thể cực kỳ tốn kém.
Thủ đô Caracas của Venezuela đứng đầu danh sách này. Ở một thành phố với mức lương trung bình chỉ 31 USD/tháng, tiền để thuê một căn hộ 3 phòng ngủ là 416 USD/tháng, và mức thanh toán cho khoản vay thế chấp trung bình cho 1 căn hộ 93 m2/tháng là 1.971 USD.
Hà Nội đứng vị trí thứ 3 sau thủ đô Kiev của Ukraina. Mức thu nhập bình quân của người Hà Nội là 275 USD/tháng, tiền thuê căn hộ 3 phòng ngủ cao gấp 2,6 lần thu nhập, còn mức thanh toán cho khoản vay thế chấp cho 1 căn hộ 93 m2/tháng cao gấp 4 lần thu nhập.
Kết quả trên cho thấy những người có thu nhập thấp nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giá thuê hoặc mua nhà cao ở khu vực đô thị.
Ở các nước như Brazil, những người nghèo buộc phải sống trong các khu ổ chuột. Số liệu thống kê gần đây nhất từ năm 2010 cho thấy 22% dân số Rio de Janeiro sống trong các khu ổ chuột – hoặc các khu phố lụp xụp và tạm bợ.
Sự kết hợp giữa đô thị hóa trên diện rộng với mức lương tương đối thấp đồng nghĩa với sự thiếu hụt số lượng nhà ở với giá cả phải chăng, mặc dù đã có nhiều dự án xây dựng ở các quốc gia trên khắp thế giới.
Mặc dù 7 trong số 10 thành phố có nhà ở với mức giá phải chăng nhất so với thu nhập đều nằm ở Bắc Mỹ, nhưng giống như các nền kinh tế mới nổi, vấn đề giá cả nhà ở đắt đỏ tại khu vực đô thị cũng tồn tại ở các quốc gia phát triển.
Ở Trung Quốc, nhu cầu nhà ở tiếp tục vượt xa nguồn cung, dù chính phủ của quốc gia này đã đạt được thành công nhất định ở các thành phố như Thâm Quyến và Quảng Châu.
Quang Minh