Các thương vụ thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước đang thu hút chú ý của khối ngoại, nhưng những điểm “kỳ lạ” trong cách thức chào bán và sức tăng “nóng” của thị trường chứng khoán lại khiến nhà đầu tư nước ngoài phải xem xét.

Thời gian qua, những thương vụ IPO và bán vốn doanh nghiệp của Việt Nam như Vincom Retail hay Vinamilk đã tạo tiếng vang lớn trên khu vực Châu Á. Với 3,3 tỷ USD thu về từ việc bán cổ phần trong năm, Việt Nam đã trở thành thị trường IPO lớn thứ ba ở Đông Nam Á sau Singapore và Malaysia.

Trong tháng cuối năm, sự chú ý tiếp tục hướng đến thương vụ bán vốn kỷ lục tại Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) – doanh nghiệp trị giá 9 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Reuters, một số nhà đầu tư nước ngoài đang kỳ vọng vào một sự đổi mới trong quá trình thoái vốn, đến từ những thay đổi chính sách, lợi ích và việc định giá cổ phần doanh nghiệp.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chỉ ra nhiều điểm bất cập trong việc bán cổ phần tại Sabeco. (Nguồn ảnh: reuters.com)

Mặc dù việc bán vốn tại Sabeco đã được biết đến trong thời gian dài, nhưng thay vì cung cấp đầy đủ thông tin để nhà đầu tư chuẩn bị, những chi tiết về quy mô, giá cả của đợt thoái vốn chỉ được công bố vào tuần cuối của tháng 11. Đồng nghĩa nhà đầu tư quyết định tham giá đấu giá cổ phần chỉ có dưới 3 tuần để chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, hoàn thành các thủ tục liên quan và thu xếp tiền đặt cọc, mở tài khoản.

Bên cạnh đó, khác với phương thức đấu giá tại các thị trường phát triển (nhà đầu tư có thể được điều chỉnh mức giá mua trong một vài vòng), trong đợt đấu giá của Sabeco, nhà đầu tư sẽ chỉ được đưa ra một mức giá duy nhất với số lượng mua cổ phần cụ thể đặt trong một phong bì được niêm phong.

Theo Reuters, một số nhà đầu tư nước ngoài nhận xét đợt đấu giá cổ phần của Sabeco có một cơ chế khá kỳ lạ và khác biệt với hầu hết những thương vụ lớn tại các thị trường phát triển.

Hiện nay, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco là 49%, trong đó Heineken đang sở hữu 10%, tương đương chỉ còn “hở” 39% cho các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Các hồ sơ tham dự đấu giá sẽ được xếp hạng theo giá đăng ký mua, vì vậy nhà đầu tư trả giá cao nhất sẽ mua được số cổ phần đăng ký và lượng cổ phần còn lại sẽ được bán cho các nhà đầu tư với mức giá thấp hơn tiếp theo.

Về lý thuyết, nếu một tổ chức nước ngoài mua 25% vốn với mức giá cao nhất, họ sẽ trúng giá và để lại 14% vốn cho các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến nhà đầu tư đăng ký mua 39% vốn với mức giá thấp hơn không thể mua được lượng cổ phần mong muốn.

“Chưa bao giờ thấy một quá trình như vậy cho một đợt đấu giá quy mô lớn, nhà đầu tư như đang phải tìm lời giải cho các câu đố” đại diện một ngân hàng cho biết.

Từ khi niêm yết vào cuối tháng 12/2016, cổ phiếu Sabeco đã tăng gấp 3 lần. Theo dữ liệu của Reuters, P/E của Sabeco ở mức 37 lần, cao hơn mức 15 lần của một số doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới.

Các cổ phiếu tăng giá mạnh đã biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường đắt nhất Châu Á. Tính tới cuối tháng 11, tốc độ tăng trưởng thị trường chứng khoán Việt Nam xếp thứ 3 trên thế giới, với chỉ số VN-Index đã tăng hơn 42% so với đầu năm.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại sự lạc quan hiện tại có thể tiềm ẩn rủi ro nếu giá cổ phiếu bắt đầu đảo chiều.

“Thị trường đang bong bóng. Và nếu thị trường đổ vỡ, mọi người sẽ phải đối mặt. Điều này sẽ diễn ra rất nhanh”, Tony Foster, nhà quản lý quỹ của Freshfields Brukhaus Deringer, người đã làm việc tại Hà Nội trong hơn 2 thập niên nhận định.

Tất cả các yếu tố trên khiến thị trường Việt Nam không phải là sự lựa chọn cho những nhà đầu tư “yếu tim”, Reuters nhận định.

Quang Minh