Hôm 1/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 10% lên tổng giá trị 300 tỷ USD hàng Trung Quốc, có hiệu lực chính thức từ 1/9 tới. Thông tin này ngay lập tức đã gây ra những xáo trộn cho thị trường tài chính toàn cầu. Và nhiều hãng công nghệ nổi tiếng thế giới cũng rục rịch chuyển hướng khỏi thị trường Trung Quốc.

Điểm đến của các hãng công nghệ hàng đầu này rất có thể là Việt Nam.

Foxconn là thương hiệu của công ty Đài Loan Hon Hai Precision Industry Co. (Ltd.) , một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới. Iphone cũng được lắp ráp tại đây. Theo thông tin từ Reuters, hãng này đang xem xét việc bán nhà máy sản xuất màn hình LCD trị giá 8,8 tỷ USD tại Trung Quốc, do nhu cầu về màn hình tinh thể lỏng suy giảm và thương chiến Mỹ – Trung tiếp tục căng thẳng.

Nhà máy của Foxconn được xây dựng tại Quảng Châu năm 2016 được truyền thông nước này gọi là thương vụ đầu tư lớn nhất tại thành phố phía Nam Trung Quốc. Dự kiến, khi nhà máy này đi vào hoạt động năm 2019 sẽ đáp ứng nhu cầu về màn hình lớn tại châu Á, cạnh tranh với hãng sản xuất màn hình hàng đầu Trung Quốc là BOE Technology Group.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài từ năm 2018 đã phá vỡ chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, buộc Foxconn phải xem xét lại các khoản đầu tư của chính mình. Mặt khác, nhu cầu về TV và màn hình LCD chậm lại khiến ban lãnh đạo Foxconn nhanh chóng thúc đẩy việc bán nhà máy.

Né đòn thương mại của Mỹ, nhiều hãng công nghệ tháo chạy khỏi Trung Quốc
Một bức ảnh của AFP cho thấy công nhân làm việc tại nhà máy của Foxconn

Quyết định bán nhà máy của Foxconn để tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ thương chiến kéo dài chưa biết đến bao giờ chấm dứt giữa Washington và Bắc Kinh. Nếu thương vụ này hoàn tất, nó sẽ đánh dấu một trong những vụ thoái vốn lớn nhất khỏi Trung Quốc.

Theo các nguồn tin, đây chắc chắn không phải một thương vụ dễ dàng và có thể Foxconn phải mất một thời gian. Nguyên do là nhu cầu về màn hình LCD đang suy giảm và nhà máy mới của Foxconn chưa đi vào sản xuất cho đến đầu tháng 10 tới.

Tháng 1/2019, Foxconn thông báo đã thuê đất ở Việt Nam. Một số đối tác khác của Apple cũng nói rằng, họ đang cân nhắc tăng cường hoạt động ở Việt Nam.

Mới đây, Sharp cho biết họ sẽ xây dựng một nhà máy tại Việt Nam để sản xuất màn hình tinh thể lỏng và những thiết bị điện tử nhằm tránh thuế nhập khẩu bổ sung mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Không chỉ Foxconn, nhiều hãng công nghệ nổi tiếng thế giới cũng đã tính chuyện dời nhà máy khỏi Trung Quốc để tránh tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. “Làn sóng tháo chạy” này đã xuất hiện từ cuối năm 2018 và đích họ nhắm tới để thay thế Trung Quốc rất có khả năng là Việt Nam. 

Theo thông tin từ Nikkei, Tập đoàn công nghệ điện tử Nhật Bản Kyocera ngày 3/8 thông báo sẽ chuyển nhà máy sản xuất máy in đa năng và máy photocopy cung cấp cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế.

Ông Hideo Tanimoto, Chủ tịch Kyocera, giải thích về quyết định này: “Hiện máy in “tất cả trong một” sản xuất ở Trung Quốc chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ, nhưng máy in sản xuất ở Việt Nam thường được xuất đi châu Âu”. Ông Tanimoto bày tỏ quan ngại sâu sắc về kinh tế Trung Quốc. “Tác động của giảm tốc kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn tác động của tăng thuế. Nếu đợt áp thuế thứ tư được thực hiện, kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng”.

Chủ tịch hãng cũng cho biết, họ đã cân nhắc chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhiều tháng qua. Và quyết định cuối cùng được hãng đưa ra khi Tổng thống thống Donald Trump tăng thuế 10% đối với số hàng Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD. Máy in đa năng cũng nằm trong danh sách bị đánh thuế này. 

Việc dịch chuyển sản xuất của Kyocera sẽ được thực hiện trong năm tài khóa hiện hành (kết thúc vào tháng 3/2020). Trong năm tài khóa trước, doanh thu giải pháp tài liệu của Kyocera đạt khoảng 375 tỷ Yen (82.500 tỷ đồng), xấp xỉ 20% số này đến từ thị trường Mỹ.

Né đòn thương mại của Mỹ, nhiều hãng công nghệ tháo chạy khỏi Trung Quốc
Kyocera chuẩn bị chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam (ảnh: Nikkei).

Nintendo, một doanh nghiệp khác của Nhật, đã đẩy mạnh việc chuyển đổi sản xuất thiết bị trò chơi điện tử Switch từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo hãng nghiên cứu chuỗi cung ứng Panjiva. Trong năm tài khóa 2018, khoảng 40% trong tổng số 17 triệu máy Switch được bán tại Mỹ – thị trường lớn nhất của Nintendo. Vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản đã tìm các cách để tránh tác động từ thuế quan làm ảnh hưởng đến hoạt động của hãng, cũng như người tiêu dùng.

Né đòn thương mại của Mỹ, nhiều hãng công nghệ tháo chạy khỏi Trung Quốc
Nintendo đang đẩy mạnh việc sản xuất Switch từ Trung Quốc sang Việt Nam (ảnh: Nikkei Asian Review)

Nhiều công ty công nghệ lớn đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Việt Nam, nâng cao tham vọng Việt Nam trở thành nhà sản xuất chủ chốt cho điện thoại thông minh và các thiết bị cao cấp khác. Apple đã tìm đến Việt Nam và Ấn Độ khi họ tăng cường tìm kiếm các cách để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.

videoinfo__video3.dkn.tv||f2f7d61aa__