Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 14/5 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Lốc xoáy tốc mái tôn, bay xa 20m, trùm kín xe tải đang chạy 

Chiều 13/5, ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Chủ tịch xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) xác nhận thông tin trên và cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 15h45 cùng ngày trên quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Xuân Lam, theo VTC.

 Chiếc xe tải bị mái tôn che trùm kín. (Ảnh: P.H)
Chiếc xe tải bị mái tôn che trùm kín. (Ảnh: P.H)

Theo đó, vào thời điểm trên, một cơn lốc xoáy đã cuốn toàn bộ mái tôn che của cửa hàng xăng dầu Bắc Miền Trung (đóng trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân), bay xa hơn 20m rồi trùm đúng xe ô tô tải BKS 38C-077.31 đang chạy trên quốc lộ.

Vụ việc không gây thương vong về người nhưng khiến cho người đi đường và người dân sống quanh đó thót tim.

Video: Kinh hoàng lốc xoáy thổi bay nhà dân ở Quảng Trị

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Cả chục resort ở Mũi Né tan hoang vì bờ biển sạt lở

Bờ biển dọc khu du lịch Hàm Tiến (Phan Thiết) đang bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục khu du lịch tan hoang, không thể kinh doanh, theo VnExpress.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Tháng 10, metro đầu tiên của Việt Nam sẽ vận hành

Chiều 12/5, Bộ trưởng, Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác của đơn vị đi kiểm tra toàn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, theo PLO.

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông do phía Trung Quốc sản xuất. Ảnh: VIẾT LONG
Đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông do phía Trung Quốc sản xuất. (Ảnh: Viết Long)

Ông Nguyễn Văn Thể cho biết, công trình đường sắt trên cao Hà Nội tuyến Cát Linh- Hà Đông đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Bằng chứng là qua kiểm tra, tàu chạy khá êm thuận.

“Tuy nhiên tàu có tạo ra tiếng ồn, nhưng không lớn như đường sắt quốc gia”, ông Thể nhận định.

Về tiến độ, người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định, dứt khoát trong tháng 10 sẽ vận hành kỹ thuật, tháng 12 vận hành thương mại. Trong đó, giai đoạn vận hành kỹ thuật sẽ theo dõi và hoàn thiện những bước còn lại, để khi đi vào khai thác thương mại mọi hạng mục đều phải hoàn thành 100%.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có 13 đoàn tàu, do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 553 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016, được điều chỉnh tổng mức đầu tư là hơn 868 triệu USD (tăng 315 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198 triệu USD.

Thiếu nữ 16 tuổi nhận 4 triệu để chở 13kg cần sa qua biên giới

Ngày 13/5, ông Phan Minh Huyền – trưởng Phòng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng An Giang cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Đồn biên phòng Tịnh Biên bắt giữ thiếu nữ 16 tuổi vận chuyển trái phép 13kg cần sa tươi, theo Tuổi Trẻ.

Lực lượng chức năng niêm phong tang vật và lấy lời khai Châu Thị Nít.

Trước đó, vào khoảng 17h45 ngày 12/5, các ngành chức năng đã phát hiện và bắt giữ Châu Thị Nít (sinh năm 2002, ngụ xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang) đang vận chuyển cần sa tươi từ Campuchia về Việt Nam.

Khi xe máy Wave RS của Nít đang nhập cảnh vào Việt Nam ở trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên thì cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện trên xe chở 2 thùng cactông, bên trong chứa 13,2kg lá, hoa, quả cây thảo dược (nghi là cần sa), cùng 2,37 triệu đồng, 1 điện thoại di động hiệu OPPO A39 (đã qua sử dụng).

Chiếc xe máy được dùng để trở cần sa.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản phạm tội quả tang và đưa về đồn điều tra, lấy lời khai.

Tang vật còn có tiền mặt và điện thoại di động.

Tại đồn biên phòng Nít khai nhận, chở thuê số cần sa trên cho một người đàn ông (chưa rõ họ tên) từ chợ Tà Lợp, xã Phnôm đen, huyện Kirivong, tỉnh Ta Keo (Campuchia) về Việt Nam tiêu thụ với số tiền công khoảng 4 triệu đồng.

Giảm 5 năm thu giá BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ

Chiều 13/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có buổi kiểm tra dự án mở rộng tuyến cao tôc Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 2, để tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình.

BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 nâng cấp cấp mặt đường xong tháng 6/2015, bắt đầu thu phí từ tháng 10/2015; Giai đoạn 2 mở rộng mặt đường lê 6 làn xe, dự kiến xong cuối năm 2017, nhưng tới nay vẫn còn 10 điểm vướng mắc về giải phóng mặt bằng của hơn 100 hộ dân, nên mới hoàn thành 92% khối lượng công việc.

Dự án mở rộng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đang chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng tại 1 điểm qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội). (Ảnh: LHV)

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án, địa phương cùng ngồi lại tìm giải pháp giải quyết các vướng mắc về mặt bằng, đảm bảo từ nay tới cuối năm hoàn thành các đoạn tuyến dở dang.

Đồng thời, nhà đầu tư có giải pháp đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thi công các vị trí đã có mặt bằng, đường gom dân sinh.

“Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có lưu lượng phương tiện cao nhất nước, với phương tiện từ 75.000 – 85.000 xe tiêu chuẩn mỗi ngày đêm. Với vị trí quan trọng là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội.

Dự án mở rộng chậm ngày nào sẽ tiềm ẩm nguy cơ gây ùn tắc ngày đó, nên các bên cần phối hợp chặt chẽ hơn để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, sớm hoàn thành tuyến đường”, ông Thể yêu cầu.

Tổng Cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, với lưu lượng xe lớn nhất cả nước, nên việc thu giá BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã được tính toán lại, giảm 5 năm thu phí so với dự tính trước đây.

Theo đó, việc thu giá thu hồi vốn đầu tư dự án này sẽ giảm từ 17 năm xuống còn 12 năm, Tiền Phong đưa tin.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày làm việc hiệu quả và tràn ngập niềm vui!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News