Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 24/5 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau: 

Lật tàu hỏa chở 400 khách ở Thanh Hóa, ít nhất 10 người thương vong

Sáng 24/5, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia xác nhận sự việc trên với báo chí,

Theo đó, vụ tai nạn nghiêm trọng nạn xảy ra vào khoảng 0h30′ ngày 24/5, tại khu gian ga Khoa Trường, Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Tàu hỏa mang số hiệu SE19 di chuyển theo hướng Hà Nội – Sài Gòn, khi đi qua đường ngang có gác chắn đã đâm thẳng ô tô tải chở đá mang BKS 37C – 151.38.

Chiếc Howo chở đá đi qua đường ngang bị tàu đâm lật nghiêng bên đường sắt. (Ảnh: 24h)

Cú tông trực diện quá mạnh đã khiến chiếc xe tải hạng nặng chở đầy đã bị hất văng, lật nghiêng bên đường sắt. Nghiêm trọng hơn, 5 toa tàu đã bị lật xuống ruộng, báo Người lao động đưa tin.

8 toa tàu liên tiếp bị lật làm khoảng 10 người thương vong. (Ảnh: 24h)

Được biết, khi xảy ra tai nạn tàu SE19 đang chở hơn 400 hành khách từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã đưa người bị thương đi cấp cứu và dùng xe bus chở khách sang ga bên cạnh để tiếp tục hiện trường.

Cơ quan Công an đã triệu tập trong đêm 2 nhân viên gác chắn để điều tra làm rõ.

Cháy chung cư Vinaconex ở Hà Nội, cư dân hoảng loạn tháo chạy

Tối 23/5, ngọn lửa bất ngờ bùng lên tại phòng ngủ một căn hộ ở tầng 5 của tòa B chung cư Vinaconex trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trao đổi với báo chí, bà Hoà (61 tuổi) kể lại, lúc đó khoảng 20h30 bà ngồi xem tivi thì có tiếng chuông báo động. Thấy mọi người hô hoán, mùi khét và khói bốc ra bà mới vội chạy ra ngoài.

5 xe cứu hỏa của Đội PCCC số 3 cùng hàng chục chiến sĩ đã có mặt tại hiện trường. (Ảnh:  Quang Huy)

Theo một người dân đang sinh sống tại tầng số 4 của tòa nhà, thời điểm xảy ra cháy, chủ căn hộ trên đã đi vắng được ít hôm.

Ngay sau khi nhận được tin báo, 5 xe của lực lượng phòng cháy chữa cháy cùng hàng chục lính cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường để dập lửa.

Hàng trăm người dân sinh sống tại tòa trung cư Vinaconex B tràn xuống đường. (Ảnh:   Quang Huy)

Sự cố xảy ra, cư dân của toà nhà hốt hoảng, nhiều người đã tràn xuống sân. Tuy nhiên, cạnh đó vẫn còn một số người cao tuổi không kịp thoát ra khiến lực lượng chức năng phải giải cứu bằng xe thang.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy giải cứu người già bằng xe thang chuyên dụng. (Ảnh:  Quang Huy)

Đến 22h cùng ngày, đám cháy được lực lượng phòng cháy chữa cháy khống chế hoàn toàn, đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng làm hư hại nhiều tài sản trong căn hộ xảy ra sự cố.

Hiện các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Ninh Thuận: Phạt 300 triệu với công ty sản xuất nệm phục vụ khách du lịch Trung Quốc trái phép

Vào ngày 23/5, tỉnh Ninh Thuận đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Jade Royal (KCN Thành Hải, xã Thành Hải, Tp Phan Rang – Tháp Chàm) số tiền 302 triệu đồng.

Dù chưa đi vào sản xuất nhưng Công ty TNHH Jade Royal đã mở phòng trưng bày đón hơn 1.000 khách Trung Quốc mỗi ngày.

Theo Zing, căn cứ vào biên bản kiểm tra đột xuất và kết quả xác minh hồ sơ, UBND tỉnh Ninh Thuận đã xử phạt Công ty Jade Royal (do bà Nguyễn Thị Huyền làm đại diện pháp luật) các hành vi vi phạm về lĩnh vực kế hoạch đầu tư; lĩnh vực xây dựng; an ninh trật tự; nguồn gốc xuất xứ nhãn mác hàng hóa; sử dụng lao động và văn hóa thể thao du lịch.

Ninh Thuận phạt 300 triệu với công ty sản xuất nệm phục vụ khách du lịch Trung Quốc trái phép
Công ty Jade Royal bị xử phạt 302 triệu đồng và chấm dứt hoạt động đoàn khách nước ngoài trái phép. (Ảnh: Zing)

Công ty TNHH Jade Royal được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án xưởng sản xuất nệm cao su và đá quý cuối năm 2017, chuyên sản xuất các loại nệm cao su, chế biến đá quý với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng.

Mặc dù chưa đủ các thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành sửa chữa, xây dựng nhà ăn, khu trưng bày đá quý. Vào đầu tháng 2/2018, chủ đầu tư tổ chức khánh thành khu trưng bày nhưng bị ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận tạm đình chỉ.

Ninh Thuận phạt 300 triệu với công ty sản xuất nệm phục vụ khách du lịch Trung Quốc trái phép
Khách Trung Quốc mua sắm trong Công ty Jade Royal.

Tuy nhiên, mỗi ngày Công ty TNHH Jade Royal vẫn tổ chức đưa đón du khách nước ngoài (chủ yếu là khách Trung Quốc) đến tham quan mua sắm và ăn uống.

Ngoài ra công ty này còn sử dụng 115 lao động người nước ngoài nhưng chưa được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

TP.HCM sau mưa lớn: Chỉ 10 tuyến đường ngập, còn 22 tuyến đường bị… “tụ nước”

Cơn mưa kéo dài 3 tiếng vào chiều 19/5 vừa qua tại TP.HCM được coi là lớn nhất kể từ khi bắt đầu mùa mưa năm 2018.

Huỳnh Tấn Phát là con đường thường xuyên bị ngập nặng sau mỗi trận mưa hay triều cường. (Ảnh: Infonet)

Sự việc này khiến hàng loạt tuyến đường chìm trong “biển nước”. Cá biệt có những đoạn trũng, thấp bị ngập từ 50-60cm khi nước tràn qua cả yên xe máy. Nước tràn vào nhà dân ven đường khiến cuộc sống nhiều người bị đảo lộn.

Đến ngày 22/5, Sở Giao thông vận tải đã những thông tin đầu tiên về trận mưa này. Theo báo cáo, sau cơn mưa chiều 19/5 đỉnh triều trên sông Sài Gòn (trạm Phú An) là +1,23m, vũ lượng lớn nhất là 119,3mm (trạm Sơn Hòa), thấp nhất là 36,9mm (trạm Thanh Đa).

Báo cáo cũng cho biết có 10 tuyến đường ngập với độ sâu từ 0,10 đến 0,25m, thời gian rút nước trung bình từ 30’ đến 3h như Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Cây Trâm, Phan Huy Ích, Nguyễn Xí. Cá biệt có những tuyến đường phải mất tới 5h như Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương.

Ngoài ra còn 22 tuyến đường bị “tụ nước” do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, như: Mai Thị Lựu, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng… với thời gian rút nước trung bình sau mưa từ 10 – 20’.

Riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh, Sở cho biết dù lượng mưa lớn nhưng do vận hành trạm bơm trong suốt thời gian mưa nên không xảy ra tình trạng ngập nước.

Cơn mưa này cũng gây ùn tắc kéo dài trên các tuyến đường như Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Lương Định Của, Nguyễn Văn Quá… khiến 48 cây xanh bị gãy cành, nhánh; 171 cây bị nghiêng, 24 cây ngã đổ.

Trao đổi về những thông tin này, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm chống ngập) – Đỗ Tấn Long cho biết, các tiêu chí đánh giá điểm ngập được tính theo quy định của Bộ Xây dựng.

Theo đó, nếu đường ngập sâu hơn 0,1m gọi là điểm ngập, còn thấp hơn 0,1m sẽ gọi là điểm tụ nước. Cũng theo ông Long, phải đo độ sâu trung bình trên một tuyến đường chứ không phải chỉ đo chỗ trũng.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày may mắn và làm việc hiệu quả!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News