Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 6/3 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Hải An ơi, lại được ‘gặp’ con rồi!

Cuộc gặp gỡ xúc động diễn ra chiều 5/3 tại gia đình bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) là em bé hiến giác mạc sau khi qua đời vì căn bệnh ung thư.

Hai người được nhận giác mạc của bé đã ra viện sau ca ghép và đến gia đình bé thắp hương, tri ân người anh hùng nhỏ tuổi đã tặng họ món quà sự sống.

“Mẹ sắp được gặp lại con qua đôi mắt của con còn để lại”, chị Nguyễn Trần Thùy Dương, mẹ bé An, chia sẻ khi cuộc gặp gỡ xúc động sắp diễn ra lúc 15h chiều cùng ngày.

Và khi hai người được nhận giác mạc xuất hiện, thật khó nói được cảm xúc của chị: 12 ngày sau khi bé An qua đời, chị Dương được “gặp” lại con.

Gần 10 ngày sau ghép, hai người được nhận giác mạc của bé An đã cải thiện nhiều về khả năng nhìn.

Bà cụ 73 tuổi trước ghép gần như mù (chỉ phân biệt được sáng và tối) và không đi lại được, nay đã đi lại được và cải thiện nhiều về chất lượng cuộc sống. Người được ghép còn lại là nam giới 42 tuổi cũng đã cải thiện rất nhiều về thị lực.

Thầy giáo vượt hơn 200km trong đêm để hiến máu cứu người

Chiều 4/3, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, anh Nguyễn Quý Hùng (công tác tại Trường THCS Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa) và anh Nguyễn Văn Quân (ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh, công tác tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã có hành động cao đẹp khi di chuyển hơn 200km trong đêm tối để ra Hà Tĩnh tự nguyện hiến 2 đơn vị máu cực hiếm kịp thời cứu sống bệnh nhân nguy kịch.

Bệnh nhân là cụ Hồ Thị Thi (70 tuổi, trú tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được chẩn đoán bị thiếu máu nặng do xuất huyết dạ dày cần phải truyền máu cấp cứu khẩn cấp.

Tuy nhiên, nhóm máu của bệnh nhân Thi là loại A, Rh- cực hiếm (tỷ lệ Rh- của cả 4 nhóm máu O, A, B, AB ở người Việt Nam là 0,08% và xếp vào loại cực hiếm).

Theo số liệu tại bệnh viện thì Hà Tĩnh chỉ có 1 người có nhóm máu này nhưng người này hiện đang ở nước ngoài.

Khoa xét nghiệm tại bệnh viện đã liên hệ với câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực miền Trung để xin giúp đỡ và được biết Quảng Bình có 5 người có cùng nhóm máu với bệnh nhân.

Sau khi liên hệ, thầy giáo Nguyễn Quý Hùng và Anh Nguyễn Văn Quân đã lập tức di chuyển trong đêm ra Hà Tĩnh hiến máu cứu người. (Chi tiết)

Bố hiến da để ghép cho con trai bị bỏng nặng

Lê Văn Tiến (22 tuổi) gặp nạn khi lò thép nổ lúc đang làm việc trong nhà máy tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Tình trạng bỏng quá nặng nên chàng trai được chuyển đến TP. HCM ngày 14/1.

Tiến sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) cho biết, bệnh nhân bỏng lửa 46% độ 2, 33% độ 3 toàn thân. Vị trí bỏng sâu ở những vùng cơ thể có thể lấy da dễ dàng như tay, chân nên chàng trai không còn da để ghép.

“Nếu không có da người khác hiến thì bác sỹ cũng không cứu được bệnh nhân”, bác sỹ Hiệp chia sẻ.

Nghe bác sĩ giải thích về tình trạng của con, ông Lê Văn Viêm (bố của Tiến) đã tình nguyện hiến da cứu con trai.

Được biết, ông Viêm có 4 người con, Tiến là con trai út, đi bộ đội về làm việc ở nhà máy thép chưa lâu thì xảy ra tai nạn. “Ban đầu tôi sợ nhưng không còn cách nào khác, bởi nếu cha không cứu con thì không ai cứu được nó”, ông Viêm nói.

Trên hai chiếc giường gần nhau trong phòng mổ, các bác sỹ đã lấy da vùng hai đùi của ông Viêm để ghép sang những nơi bỏng nặng của Tiến. Sau ca ghép da, Tiến hồi phục tốt. Vùng da của ông Viêm cũng lành dần.

Bác sỹ Hiệp cho biết, mỗi năm bệnh viện có khoảng 5-10 bệnh nhân bị bỏng ở những vùng không thể lấy da tự thân nên phải dùng da của người khác để ghép. Đa số người được chọn cho da là bố, anh em trai vì “đàn ông cần phải hy sinh nhiều hơn”.

Với người hiến da, nếu cơ địa sẹo lồi sẽ có nguy cơ để lại sẹo. Người không có cơ địa sẹo thì vết thương lành khá tốt. Hai ca mổ được tiến hành song song, lấy da của người cho xong thì ghép vào người nhận.

“Bác sỹ cố gắng để lấy da thật mỏng, vì lấy da càng mỏng thì nguy cơ sẹo lồi càng ít”, bác sỹ Hiệp nói.

Ở nước ngoài, bệnh nhân bỏng có thể sử dụng nguồn da ghép từ người chết hiến tặng. Tại Việt Nam những năm qua, đã có nhiều người hiến tạng song chưa có ai đồng ý hiến da.

Nam nhân viên đường sắt đỡ đẻ thành công ngay trên tàu

Chiều 4/3, tàu SE3 chạy Hà Nội- TP. HCM khi đến khu gian Phú Cang – Trà Kiệu (Quảng Nam) thì một sản phụ ở toa 4 có dấu hiệu trở dạ.

Nếu chuyển sản phụ này đi viện thì không kịp, sẽ nguy hiểm hơn nên trưởng tàu Hoàng Mạnh Tường đã quyết định để nhân viên Đỗ Xuân Thuận trực tiếp đỡ đẻ.

Ca đỡ đẻ thành công, hai mẹ con sản phụ đã được bàn giao cho ga Tam Kỳ, Quảng Ngãi để đưa vào bệnh viện nằm nghỉ. Sản phụ tên là Phạm Phương Hoa, đi Hà Nội – Diêu Trì, Tuy Phước, Bình Định. (Chi tiết)

Thịt trâu chọi 3 triệu đồng/kg ‘húc’ đổ giá thị trường vì nhiều người cầu may mắn

Vào 13h trưa 4/3, vòng chung kết Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) kết thúc. Hai “ông cầu” góp mặt ở trận đấu chung kết của chủ trâu số 28 – ông Nguyễn Văn Hải (ở thôn Đồng Chăm) và chủ trâu số 03 – Đông Vũ Đình Mẫn (thôn Đoàn Kết) được đem vào phòng kín chích điện, mổ thịt bán.

Thịt trâu được bán trong các quầy có đánh số thứ tự trước cửa UBND xã. “Ông cầu” vô địch bị xẻ thịt bán với giá 3 triệu đồng/kg, 15 phút sau giá giảm xuống còn 1 triệu đồng.

Thịt trâu giải nhì lúc đầu có giá 2 triệu đồng/kg, sau giảm xuống một nửa. Trong khi đó, thịt trâu loại ngon bán ngoài chợ được giá cũng chỉ khoảng 350.000 đồng/kg. (Chi tiết)

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả 1 ngày vui vẻ và làm việc hiệu quả!

———–

Bản tin “CHÀO BUỔI SÁNG” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi sáng hàng ngày. Quý độc giả có thể tải ứng dụng DKN.TV trên điện thoại di động tại Google Play hoặc App Store để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News