Bộ Tài chính cho rằng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) thấp, hộ nghèo tiết kiệm 10 nghìn đồng thì hộ giàu tiết kiệm 40 nghìn đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc tăng thuế VAT sẽ đánh mạnh vào túi tiền của người có thu nhập thấp.

Theo An ninh Thủ đô, trong nội dung gửi Bộ Tài chính, cử tri nhiều tỉnh, thành phố như Hậu Giang, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tp.HCM, Bình Dương, Thái Bình… đồng loạt kiến nghị Bộ Tài chính cân nhắc việc tăng thuế giá trị gia tăng vì thời điểm hiện tại là không phù hợp.

Cụ thể, cử tri các địa phương trên cho rằng người tiêu dùng bất kể thu nhập cao hay thấp đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Do đó, gánh nặng thuế đối với mặt hàng tiêu dùng luôn chiếm một tỷ trọng cao hơn trong thu nhập của người thu nhập thấp.

Trả lời kiến nghị của cử tri, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, thống kê mức thuế suất thuế VAT của 112 nước trên thế giới có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%.

Bộ này cũng đưa ra thống kê, mức thuế VAT trung bình toàn cầu là 16%, ở châu Á là 10,9%, Liên minh châu Âu là 21,5%, Trung Âu và Nga là 18,6%, châu Mỹ là 14%. Vì vậy, Bộ Tài chính khẳng định mức thuế ở Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế VAT vì thuế thấp người nghèo lợi ít hơn người giàu
Bộ Tài chính cho rằng thuế VAT thấp, hộ nghèo tiết kiệm 10 nghìn đồng thì hộ giàu tiếtkiệm 40 nghìn đồng .

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn cho rằng trên thế giới tình trạng nợ công tăng cao khiến các nước, kể cả các nước phát triển, tiến hành cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu (thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt). Điều này nhằm bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập và giảm thuế nhập khẩu để thực hiện các cam kết quốc tế.

Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất lộ trình tăng thuế suất thuế VAT từ mức 10% lên mức 11% vào năm 2019 và tăng lên mức 12% vào năm 2020.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính khẳng định việc duy trì thuế suất thuế VAT thấp sẽ mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo.

Cụ thể, Bộ này lý giải vì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế giá trị gia tăng, trong khi 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế. Điều đó đồng nghĩa với nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10 nghìn đồng do thuế suất thuế VAT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40 nghìn đồng.

Tuy nhiên, lý giải này của Bộ Tài chính đang vấp phải sự phản bác của các chuyên gia kinh tế.

Chia sẻ trên Dân Việt, TS. Huỳnh Thế Du tại Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng thuế VAT ở Việt Nam đang có tính lũy thoái rất cao và so với tỷ phần thu nhập thì người giàu đang phải nộp thuế ít hơn rất nhiều so với người nghèo. Như vậy, kết luận phải là khi tăng thuế VAT thì gánh nặng của người nghèo cao hơn người giàu chứ không phải ngược lại.

Đồng quan điểm, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng tăng thuế VAT sẽ làm tổn thương và tạo áp lực nhiều hơn đối với người có thu nhập thấp, do vậy chưa thực hiện sự công bằng và chính sách an sinh xã hội.

Nguyễn Trang