Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Theo đó, các bộ có liên quan đến việc xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải bao gồm: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trên đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Bao gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí…

Các đề xuất này gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp với bộ này trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí.

Tháng 5/2016 Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí.

Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của 2 bộ này, nên tiếp tục có công văn thúc giục như đã nói ở trên.

Theo quy định tại Luật phí và lệ phí, có 2 khoản phí bảo vệ môi trường đang thu là: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Năm 2015, số tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là hơn 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2017, con số này đã tăng lên được 2.100 tỷ đồng, chủ yếu là từ nước thải sinh hoạt.

Với phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, năm 2015 thu được hơn 1.900 tỷ đồng, đến năm 2017 thu được gần 2.500 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc thu phí khí thải như đề án đang được Bộ Tài chính xây dựng là phí chồng phí, tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, chỉ nên thu phí với xe vào khu vực trung tâm các đô thị, còn việc áp phí khí thải cần cân nhắc kỹ vì tác động đến quyền đi lại của đa số người dân.

Chia sẻ trên VOV, ông Bùi Danh Liên – CPT Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng có hai vấn đề cần làm rõ.

Thứ nhất, chủ phương tiện giao thông đã phải đóng 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường mỗi lít xăng, từ 1/1/2019 tăng lên 4.000 đồng/lít xăng. Vậy việc phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường với phương tiện là không đúng, có hiện tượng phí chồng phí.

Thứ hai, trước khi phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường cần làm rõ khí thải phương tiện tác động như thế nào đến môi trường ra sao để có thể đưa ra những con số phù hợp. Ngoài ra, cũng cần so sánh tác động của khí tải phương tiện giao thông lên môi trường với tác động từ vấn đề đô thị hóa, phát triển công nghiệp, xây dựng lên môi trường.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời TS Ngô Trí Long – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho hay khi sử dụng xăng dầu, người dân đã đóng thuế bảo vệ môi trường để xử lý khí thải đó. Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ việc cùng lúc vừa áp thuế bảo vệ môi trường vừa áp phí khí thải mỗi phương tiện giao thông. Khi thu nhập của người dân chưa cao mà có quá nhiều loại thuế, phí sẽ vắt kiệt sức dân.

(Tổng hợp)