Từ sáng sớm hôm nay (23/11), dòng người đã ùn ùn đổ về các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang tại Hà Nội để săn hàng giảm giá ngày Black Friday. Tuy nhiên, trong khi có những cửa hàng đông nghịt, buộc phải hạ cửa để kiểm soát lượng khách, vẫn có những gian hàng vắng bóng người mua.

Theo Vietnamnet, Black Friday năm nay trùng vào đúng đợt rét nhất từ đầu đông khiến cho tình hình mua sắm tại các trung tâm thương mại vô cùng sôi động.

Ngay khi trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu vừa mở ra, một vài gian hàng đã trong tình trạng đông đúc, tấp nập người ra vào mua sắm. Thậm chí, có cửa hàng phải đóng cửa chính khi lượng khách quá tải và chỉ tạo 1 lối nhỏ bên dưới. Khách mua xong sẽ chui ra cửa này, nhân viên sẽ cho người mua tiếp theo bên ngoài chui vào.

Chia sẻ trên Dân trí, chị Quỳnh ở Hoàng Cầu (Hà Nội) cho biết hôm nay có rất nhiều các nhãn hàng có giảm giá từ 20-50%, thậm chí đến 80%.

“Tôi mới chỉ đi một vòng quanh trung tâm thương mại mà đã mua được khá nhiều đồ cho người yêu như quần áo nỉ mặc ở nhà, giày thể thao, tất với giá khá hợp lý. Giá chỉ dao động từ 100.000-130.000 đồng/cái. Tuy nhiên, muốn có nhiều chọn lựa về màu sắc, size thì tôi phải đi sớm”, chị Quỳnh cho biết thêm.

black friday cho dong cua vi qua tai noi diu hiu vang khach
Nhiều người phải đợi 20-30 phút mới đến lượt thanh toán. (Ảnh: Tri thức trực tuyến)

Chị Giang ở Hoa Bằng (Hà Nội) cho hay nhân dịp khuyến mại giảm giá Black Friday đã mua thêm được áo khoác, giày và quần áo ngủ cho gia đình.

Kinh nghiệm nhiều năm đi săn đồ, chị Giang cho biết mua kiểu ào ào này chỉ nên mua đồ rẻ tiền, nhất là quần áo ngủ. Vì khách quá đông, khó mà thử được đồ, xong lại xếp hàng thanh toán rất mất thời gian.

Ngoài ra, chị Giang cho biết thêm chị phải xếp hàng tới hơn 20 phút mới có thể thanh toán được 3 cái quần nỉ với giá gần 300.000 đồng.

black friday cho dong cua vi qua tai noi diu hiu vang khach
Một cửa hàng phải đóng cửa chính vì quá tải khách. (Ảnh: Vietnamnet)
black friday cho dong cua vi qua tai noi diu hiu vang khach
Các khách hàng phải chui qua hàng rào để vào mua sắm. (Ảnh: Vietnamnet)

Vừa tan làm buổi trưa, anh T.H. ở Long Biên (Hà Nội) tranh thủ đưa bạn gái đi mua đồ, nhưng tại hầm một số trung tâm thương mại đã chật kín. Các trung tâm có bãi để xe ngoài trời cũng phải đi lòng vòng rất lâu mới tìm được chỗ trống. Càng về buổi trưa, lượng xe ô tô gửi càng đông khiến anh H. loay hoay cả nửa tiếng mới gửi được xe.

black friday cho dong cua vi qua tai noi diu hiu vang khach
Bãi đỗ xe chật kín chỉ sau gần 1 giờ mở cửa của trung tâm thương mại trong ngày thứ Sáu đen tối. (Ảnh: Dân trí)

Không chỉ riêng các trung tâm thương mại, không khí mua sắm tại những cửa hàng trên các con phố ở Hà Nội trong ngày Black Friday cũng rất sôi động.

Theo An ninh thủ đô, tại đường Trần Phú (Hà Đông), nhân dịp Black Friday, một loạt thương hiệu thời trang có tiếng tại Việt Nam treo biển giảm giá đến 50% từ nhiều ngày trước, nhưng lượng khách khác nhau rõ rệt giữa các cửa hàng.

Trong khi khách ở một số cửa hàng chỉ tăng nhẹ so với ngày thường, tại cửa hàng Canifa, khách hàng đông đúc, ngột ngạt. Canifa đã phải tăng cường thêm 2 bảo vệ ở bên trong mỗi tầng để quan sát khách hàng. Tại quầy thanh toán, khách xếp hàng dài đợi đến lượt.

Tương tự, trên phố Giảng Võ, khu vực để xe của khách hàng Canifa chật kín, trong khi khách đến các thương hiệu khác… chỉ tăng nhẹ. Thậm chí, có nhiều cửa hàng dù treo biển giảm giá đến 50% nhưng lại khá vắng vẻ, chỉ có một vài khách vào xem hàng.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy sức hấp dẫn của các cửa hàng thời trang trong dịp Black Friday lớn hơn hẳn so với các ngành hàng khác như điện máy, đồ gia dụng. Tại một cửa hàng điện máy ở ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc dù quảng cáo giảm mạnh cho khách hàng mua máy tính xách tay mới, song khách hàng vẫn thưa thớt.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ còn nhiều dịp giảm giá để kích cầu tiêu dùng như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán nên người tiêu dùng không nên quá nóng vội chạy theo trào lưu mua sắm. Vì những thời điểm như này, lượng người sẽ rất đông và hàng hóa mua được nhiều khi sẽ không như ý, dù giá rẻ hơn.

(Tổng hợp)