Ấn tượng ban đầu được coi là vô cùng quan trọng, vậy ấn tượng ấy là gì?
Trong 15 năm, Giáo sư Amy Cuddy của trường đại học Kinh doanh Havard đã nghiên cứu về đề tài “Con người đánh giá người khác qua lần gặp đầu tiên như thế nào?” Qua cuộc nghiên cứu công phu tại hơn 20 quốc gia, cô đã phát hiện ra những mô típ rất rõ ràng và đặc biệt.
Trong cuốn sách mang tên “Presence” của mình, cô cho biết mọi người thường tìm câu trả lời cho hai câu hỏi khi lần đầu tiên gặp bạn, đó là:
Người ấy có đáng tin không?
Người ấy có đáng tôn trọng không?
Hay nói cách khác, có hai khía cạnh chính ảnh hưởng đến ấn tượng của người đối diện khi giao tiếp, đó là mức độ ấm áp mà bạn mang lại cho người đối diện, và năng lực mà bạn bộc lộ. Theo đó, trong môi trường làm việc thì yếu tố rất quan trọng chính là năng lực của bạn. Dẫu sao thì người đối diện cũng mong muốn bạn thông minh và tài giỏi để gánh vác công việc kinh doanh.
Tuy nhiên, mức độ ấm áp, hay mức độ tin cậy thì lại là yếu tố hàng đầu trong quá trình giao tiếp “Từ bản năng mà nói, người ta sẽ rất quan tâm đến việc họ có thể đặt niềm tin vào người đối diện được hay không“, cô Cuddy chia sẻ.
Trong khi năng lực được đánh giá cao, nó chỉ có thể được “chấm điểm” sau khi người khác đã đánh giá sự tin tưởng của họ đối với bạn. Tập trung quá nhiều vào việc thể hiện bản thân có thể khiến mối quan hệ của bạn thất bại ngay từ bước đầu tiên.
Xu hướng đánh giá phân cực
Theo các nhà tâm lý học những câu hỏi này được dùng để đánh giá đặc tính “nhiệt tình” và “có năng lực”. Họ nhận thấy rằng người ta có xu hướng xem những đặc tính này không tồn tại cùng nhau, tức là “những kẻ ngốc nghếch đáng yêu” thì không phải là “những kẻ ngớ ngẩn có tài” và ngược lại.
Cuddy nhận định trong cuốn sách của mình: “Chúng ta thường nhìn nhận những người mà ta mới tiếp xúc lần đầu, hoặc thiên về sự nhiệt tình hơn là có năng lực, hoặc thiên về có năng lực hơn lòng nhiệt tình mà không đánh giá chúng ngang bằng nhau”. “Chúng ta luôn muốn phân định mọi thứ một cách rõ ràng và đây chính là sự định kiến của con người. Vậy nên chúng ta mặc nhiên phân loại và xếp những người mới quen theo các nhóm. Trong nghiên cứu về các tổ chức, Tiziana Casciaro đã đề cập đến hai nhóm này là những kẻ ngốc đáng yêu và những kẻ ngớ ngẩn có tài”.
Điều này không có nghĩa rằng một người sẽ không thể vừa được tin tưởng vừa được kính trọng. Những người này được gọi là “ngôi sao đáng yêu”. Ngược lại, với những người không đáng tin và thiếu năng lực được xếp vào nhóm “kẻ đại ngốc”.
Nhìn chung, người ta thường có xu hướng đánh giá cao sự đáng tin hơn năng lực.
Cuddy cũng viết: “Oscar Ybarra và cộng sự của anh phát hiện ra rằng não người xử lý các từ ngữ liên quan đến lòng nhiệt tình và đạo đức (dễ mến, trung thực..) nhanh hơn những từ ngữ liên quan tới năng lực (sáng tạo, tài giỏi…)”.
Tuy vậy, hầu hết mọi người lầm tưởng rằng người khác coi trọng năng lực hơn. Khi Cuddy khảo sát các sinh viên, bạn bè, và những nhà quản trị, cô nhận thấy rằng hầu hết họ đều xem trọng năng lực hơn sự đáng tin. Và điều này, theo cô, có thể dẫn tới những thất bại trong cuộc sống và công việc.
Cuddy viết: “Tôi đã thấy rất nhiều các sinh viên học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) phải chật vật với kì thực tập hè. Những sinh viên này thường rất quyết tâm để thể hiện cho mọi người thấy rằng mình giỏi giang nhất và là người có năng lực nhất nhóm. Nhưng họ đã không hề nhận ra mặt trái của chiến lược này. Bởi làm vậy sẽ khiến họ trông có vẻ lạnh lùng và xa cách với những người xung quanh”.
Nhiều người trong số họ đã không thể tìm được nơi thực tập, không phải do họ không có năng lực mà vì họ không “hòa đồng với những người xung quanh”. Cuddy trích dẫn một kết quả nghiên cứu từ năm 2013 để chứng minh rằng hiện tượng này rất phổ biến. Trong 51.836 vị lãnh đạo được nhân viên đánh gia cao, chỉ có 27 người trong số đó được xếp vào nhóm có khả năng lãnh đạo hiệu quả tốt nhất nhưng ít được yêu mến nhất.
Theo Đải Kỷ Nguyên tiếng Anh
Hải Ly biên dịch
Xem thêm: