Steve McCurry là một nhiếp ảnh gia người Mỹ, một huyền thoại trong ngành nhiếp ảnh thế giới. Một trong những bức ảnh nổi tiếng của ông chính là bức chân dung “Cô gái Afghanistan” với đôi mắt xanh lá cây sâu thẳm, chụp năm 1985.

Sự nghiệp của nhiếp ảnh gia người Mỹ được gây dựng từ những xung đột chiến tranh, nhưng ít ai biết được rằng ông còn có một niềm đam mê khác: động vật. Chúng là chủ đề của một cuốn sách mới có tên đơn giản là “Steve McCurry: Động vật”, được xuất bản bởi Taschen. Cuốn sách tổng hợp những bức ảnh yêu thích của nhiếp ảnh gia, từ mèo ở Myanmar đến lạc đà ở Jordan.

McCurry viết trong một email: “Động vật là một trong những đối tượng yêu thích của tôi khi tác nghiệp. Chúng rất khó đoán”. “Động vật luôn vận động, có suy nghĩ riêng và hiếm khi chú ý đến các chỉ dẫn của nhiếp ảnh gia. Hiểu hành vi của động vật là điều cần thiết để tạo ra những bức ảnh động vật tốt, giống như khi hiểu hành vi của con người có thể giúp chụp ảnh chân dung của ai đó”.

Ý tưởng chụp ảnh về mối quan hệ giữa động vật và con người đã nảy ra trong đầu McCurry từ khi ông bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh. Em gái của ông đã tặng anh trai cuốn sách ảnh đầu tiên – một bộ sưu tập hình ảnh về những chú chó và chủ nhân. Cuốn sách có tựa đề “Son of Bitch”.

“Đó là lần đầu tiên tôi thấy một cuốn sách về động vật với cách kể chuyện tuyệt vời, hài hước, cảm động”, ông nói.

Khách du lịch nằm bên hồ bơi khi một con voi đi qua ở Bentota, Sri Lanka, 1995.

Những hình ảnh trong cuốn sách mới của McCurry đưa người đọc vào một hành trình trực quan từ châu Á đến Nam Mỹ, Bắc Mỹ và châu Âu. Nhiều bức ảnh không có sự xuất hiện của con người nhưng có thể thấy sự hiện diện đó qua những gì họ bỏ lại ở phía sau.

Một trong những bức ảnh nổi bật nhất, từng giành giải thưởng Ảnh báo chí thế giới năm 1992, được chụp ở Kuwait vào cuối cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Bức ảnh cho thấy, ba con lạc đà đang tìm kiếm thức ăn và nước uống, ngay phía sau chúng là một đám cháy dữ dội. Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã ra lệnh cho các binh sĩ của mình đốt cháy các giếng dầu mà họ bỏ lại sau khi rút khỏi Kuwait, gây ra một thảm họa sinh thái.

Lạc đà và các mỏ dầu. Al Ahmadi, Kuwait, 1991.

“Làm việc ở Kuwait sau hậu quả của Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất là một trải nghiệm siêu thực và khó quên”, McCurry nói. “Có 600 mỏ dầu bốc cháy, những con thú hoảng loạn và bị bỏ đói phải lang thang, cảnh quan bị tàn phá bởi những người lính Iraq đã chết”.

“Những người bảo vệ như chúng tôi thấy thật đau lòng khi chứng kiến những con vật khi thoát khỏi sự tàn sát, lại bị bỏ rơi, đi lang thang trên đường để tìm thức ăn và nơi trú ẩn”.

Bộ sưu tập của McCurry vươn xa khỏi các cuộc chiến tranh, đến với những chú chó ở Beverly Hills, Mỹ, đua ngựa ở Hồng Kông và dê ở miền bắc Pakistan.

Người đàn ông dắt đàn cừu gần Magdeburg, Cộng hòa Dân chủ Đức cũ, DDR, 1989.

Hình ảnh ông đặc biệt thích là nhà sư ngồi đọc tác phẩm Phật giáo vào cuối buổi chiều tại một tu viện ở Aranyaprathet, Thái Lan, gần biên giới với Campuchia.

“Tôi đã quan sát ánh sáng thay đổi khi các nhà sư thực hiện cả hai nhiệm vụ trần tục và thiêng liêng trong ngày. Chỉ với gỗ và vải đơn giản, màu nghệ tây chuyển dần từ vàng mù tạt sang màu cam đậm, không khí xung quanh họ rất thanh tịnh. Một chú mèo nằm cạnh tận hưởng bầu không khí thanh bình”, ông nói.

Nhà sư ở Aranyaprathet, Thái Lan.

Các quốc gia khác nhau sẽ có những nền văn hoá khác nhau, cụ thể, nói về thái độ khác nhau đối với động vật và vật nuôi. “Nhiều người trong chúng ta tin rằng chó là người bạn tốt nhất của con người, nhưng trong một số nền văn hóa, chúng bị coi là bẩn thỉu và ô uế. Trong các nền văn hóa khác, chó thậm chí là một món ngon”, McCurry nói.

“Ở Ấn Độ, bò được coi là thiêng liêng, nhưng ở các quốc gia khác trên thế giới, thịt bò là niềm tự hào trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc của họ. Những khác biệt này thường rất khó hiểu, nhưng điều quan trọng là phải hiểu được những vấn đề nhạy cảm này ở mỗi khu vực, có sự hiểu biết đầy đủ về văn hóa địa phương”.

Cậu bé quản tượng và con voi của mình tại một khu bảo tồn. Chiềng Mai, Thái Lan, 2010.

McCurry cũng hy vọng rằng những hình ảnh của ông sẽ truyền cảm hứng tới mọi người để động vật được đối xử tốt hơn. Chúng cũng là lời cảnh báo về sự tuyệt chủng hàng loạt do hoạt động của con người gây ra.

“Đây là một thảm họa không thể tưởng tượng được, một điều đáng buồn sắp thành hiện thực. Mỗi năm, chúng ta đang mất thêm một số loài vật. Động vật hoang dã bị huỷ hoại đến mức trong một vài năm nữa, một số loài sẽ biến mất trong môi trường tự nhiên của chúng”.

Một con khỉ tuyết trong công viên Jigokudani Yaen-koen, Nhật Bản, 2018.

Những bình luận của ông về cuộc khủng hoảng khí hậu cho thấy sự tức giận nhất định về việc Chính phủ của các nước trên toàn thế giới chưa có những hành động cụ thể để giải quyết vấn đề. Ông tin rằng không có biện pháp hành động, tác động đối với khí hậu, sẽ dẫn đến những hậu quả đáng báo động cho cả người và động vật.

“Khí hậu ấm lên là một động lực chính đang làm trầm trọng thêm các tác động của việc đánh bắt quá mức, sử dụng thuốc trừ sâu trên diện rộng, ô nhiễm và mở rộng đô thị vào thế giới tự nhiên”, ông nói.

Một người đàn ông đọc báo cùng chú chó của mình bên ngoài một nhà hàng ở Rome, Italy, 1994.

Cuốn sách hầu như không có các câu từ chữ nghĩa. Hầu hết là các hình ảnh lớn với chú thích địa điểm và ngày, hiếm khi có các trích dẫn từ những người cây bút lớn như Robert Louis Stevenson, Immanuel Kant và William Shakespeare. Chỉ ở phần cuối của cuốn sách, người đọc mới có thể tìm thấy một vài từ chú thích chi tiết hơn cho mỗi hình ảnh.

“Tôi nghĩ mọi người nhìn thấy một bức tranh sẽ tạo nên câu chuyện của riêng mình, tưởng tượng về ý nghĩa của hình ảnh”, McCurry giải thích, “Và đôi khi cách giải thích của họ còn thú vị hơn câu chuyện thực tế”.

Thủy Chi

Theo CNN/ Ảnh: Steve McCurry

Video xem thêm: Các giáo viên và học sinh rất xúc động bởi những gì tôi chia sẻ. Chuyện kể của người phụ nữ Đức chuyên ngành nghệ thuật và điêu khắc.

videoinfo__video3.dkn.tv||b0df01bc6__