Ngày 29 tháng 10, những nghi lễ cuối cùng chính thức tiễn biệt vị Cố Vương Bhumibol Adulyadej đã diễn ra, khép lại một năm quốc tang đối với người dân Thái Lan. Tuy nhiên, trái tim của mỗi người dân Thái sẽ mãi lưu giữ hình ảnh của vị quân vương đã trăn trở từng ngày để giúp họ có một nền nông nghiệp phát triển đúng hướng và mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Thái Lan vẫn được biết đến là một đất nước của những nông sản ngon lành, chất lượng, đồng thời vẫn luôn là quốc gia xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, vào những thấp niên 30 – 40 của thế kỉ trước, nền nông nghiệp của đất nước này vẫn ở trong tình trạng kém phát triển, với kỹ thuật thô sơ và đặc biệt Thái Lan cũng gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi mùa khô đến.Vậy bí quyết phát triển nông nghiệp của quốc gia này nằm ở đâu? Điều gì đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của họ?

Nếu bạn đặt câu hỏi này với một người Thái, bạn chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời chắc nịch và đầy tự hào – Chính Cố Vương Bhumibol Adulyadej đã giúp người Thái có được một nền nông nghiệp trù phú và phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Cố Vương Bhumibol Adulyadej trên cánh đồng

Xuất thân là một cử nhân văn chương Pháp (ở Thụy Sĩ), sau đó chuyển hướng sang nghiên cứu Luật và Khoa học Chính trị, đồng thời là một cử nhân ngành Khoa học (đại học Lausane), cố Quốc Vương Bhumibol đã đặt rất nhiều tâm huyết cho sự nghiệp phát triển nông thôn Thái Lan. Ông đã để lại 3 món quà quý giá mà người dân nào sống dưới sự trị vì của ông cũng sẽ giữ gìn như những bảo vật vô giá, bởi nhờ chúng nền nông nghiệp của Thái đã có một bộ mặt hoàn toàn đổi khác.

1. Mưa nhân tạo giúp người dân chống lại hạn hán của mùa khô

Sau khi trở về từ Thụy Sĩ, Cố Vương Bhumibol đã nhanh chóng đi tới những miền quê để quan sát và tìm hiểu về cuộc sống cũng như công việc sản xuất của người dân. Nhà vua nhận rõ, những người dân của mình còn quá nghèo, làm việc quần quật cũng chỉ đủ ăn. Một trong những lý do rất quan trọng của tình trạng đó là nạn hạn hán hoành hành. Đồng thời, ông cũng nhận ra, việc quản lý nguồn nước vẫn luôn là vấn đề nan giải của quốc gia.

“Mưa nhân tạo” là biện pháp mà Quốc vương đã cho tiến hành nghiên cứu trong khuôn khổ của một trong những dự án Hoàng gia. Đích thân nhà vua là người trực tiếp chỉ đạo và theo dõi sát sao dự án này. Sau 14 năm miệt mài, từ 1955 đến 1969, Hoàng gia Thái Lan đã tạo thành công trận mưa nhân tạo đầu tiên.

Dự án mưa nhân tạo Hoàng gia (Ảnh dẫn qua: thaiembassy.fr)

Các máy bay của lực lượng tạo mưa hoàng gia sẽ bay đến nơi khô hạn, phun muối vào các đám mây rồi trộn calcium chloride và calcium oxide phun tiếp lên những đám mây đã ẩm này để làm chúng to hơn và rơi xuống thành mưa. Ngoài ra, để tạo mưa nhanh hơn, họ phun đá lạnh bên dưới các đám mây.

Kĩ thuật tạo mưa nhân tạo đã có từ trước trên thế giới, nhưng với sự tìm tòi của mình, những nhà khoa học cùng Quốc vương của họ đã tạo nên “Mưa nhân tạo kiểu Thái” mang những đặc điểm tối ưu hơn. Số lượng bước thực hiện nhiều hơn: tạo mây, “kích mây nở”, tạo mưa… nhưng bù lại lượng mưa tạo được nhiều gấp đôi, chủ động được mưa hơn ở các tầng mây ấm, mây lạnh.

Đến năm 1970, dự án này đã được phủ rộng trên toàn quốc. Nơi nào đang chịu hạn hán nặng nề, đều được sự trợ giúp của dự án mưa Hoàng gia. Đợt hạn hán năm 1972, nông dân trồng trái cây tỉnh Chanthaburi đã vô cùng vui sướng khi được nhà vua làm mưa. Để đáp lại tấm chân tình và sự lao tâm khổ tứ của nhà vua, họ đã cùng nhau đem đến dâng tặng vua rất nhiều trái cây, thậm chí những người dân ở đây còn gom góp tiền gửi vua để… mua thêm máy bay làm mưa. Cũng từ đó, người dân Thái ưu ái gọi nhà vua của mình là “Nhà tạo mưa Hoàng gia”.

2. Đập má khỉ – Dự án biến sống Mekong thành tri kỉ

Diện tích đất nông nghiệp của Thái Lan luôn đòi hỏi một lượng nước rất lớn để phát triển ổn định

Tạo mưa nhân tạo không phải là một phương án có tính lâu dài, đồng thời cũng rất tốn kém. Đó là lý do tại sao, vua Bhumibol tiếp tục nghiên cứu và đưa ra ý tưởng – Tận dụng nguồn nước của sông Mekong. Đến mùa mưa, mực nước của sông lên rất cao và vấn đề hạn hán sẽ được giải quyết nếu người dân có thể dự trữ nước sông để sử dụng trong mùa khô. Đó là ý tưởng để “đập nước má khỉ” ra đời.

Theo cố Quốc vương, hệ thống đập nước này sẽ hoạt động để tích trữ nước giống như loài khỉ tích trữ thức ăn trong má. Chúng sẽ nhả phần dự trữ đó ra và dùng như thức ăn khi lâm vào tình trạng thiếu lương thực.

Trên thực tế, để hiện thực hóa ý tưởng “đập má khỉ” của nhà vua, người Thái đào một con kênh dẫn nước trực tiếp từ sông Mekong. Đến một vị trí thích hợp họ đào một hồ nhỏ (hoặc kết hợp với một ao hồ tự nhiên có sẵn), tạo thành một “má khỉ” để giữ nước. Khối lượng nước tích lại được tính toán đủ cho một số lượng gia đình nhất định trong khu vực đó dùng để sinh hoạt và tưới tiêu trong một năm. Sau đó, họ đào tiếp đường dẫn nước đến một khu vực khác và xây “má khỉ” thứ hai, ở mỗi đường nước ra vào đều có cửa đập chặn lại để điều tiết khi cần thiết. Hệ thống má khỉ này đã khiến cho rất nhiều vùng quê của Thái Lan thoát được tình trạng thiếu nước mỗi mùa khô hạn. Con sông Mekong từ đó cũng thêm gắn bó với người dân Thái.

3. Biến Hoàng cung thành trung tâm nghiên cứu nông nghiêp tiên phong

Cung điện – Cái nôi của nghiên cứu nông nghiệp Thái Lan (Ảnh dẫn qua: thaiwaysmagazine.com)

Nhận thấy một nền nông nghiệp muốn phát triển mạnh mẽ nhưng bền vững, nhiết thiết cần có sự đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu để có những lựa chọn phù nhất cho mỗi địa phương, đồng thời cũng cần có một đội ngũ các kĩ sư nông nghiệp hiểu biết và sáng tạo, ngay khi chuyển về Hoàng cung Chitralada nhà vua đã nhanh chóng biến nơi đây trở thành một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp lớn nhất của đất nước. Hoàng cung từ đó trở thành nơi để tiến hành những nghiên cứu cụ thể ở rất nhiều lĩnh vực nhằm phát triển các kỹ thuật mới để trợ giúp tối đa cho nông dân phát triển sản xuất.

Quốc Vương Buhmibol đã biến bể bơi của mình thành một hồ nuôi cá thử nghiệm. Ông muốn chọn ra giống cá tốt nhất để gây giống và nhân rộng ra toàn quốc. Thời điểm đó, nhà vua nhận thấy người dân của mình đang bị suy dinh dưỡng. Nhờ vào những ngiên cứu của Hoàng gia, những chú cá rô phi Mozambique đã trở thành nguồn cung cấp đạm giá rẻ và phổ biến cho những người nông dân.

Loài cá mà vua Buhmibol đã tặng cho những người nông dân Thái (Ảnh dẫn qua: thaiwaysmagazine.com)

Thêm vào đó, trước những năm 60, ở Thái Lan hoàn toàn không có ngành chăn nuôi lấy sữa. Đó là lý do nhà vua Buhmibol đã viếng thăm Hoàng gia Đan Mạch và nhờ vua Frederick IX giúp Ông nghiên cứu về tính khả thi của việc phát triển ngành chăn nuôi lấy sữa ở Thái Lan. Sau sự đồng ý hợp tác, một phần đất của Hoàng cung Chitralada đã trở thành trang trại bò sữa đầu tiên ở Thái Lan.

Trang trại bò sữa đầu tiên tại đất nước nằm trong khuôn viên Hoàng Cung (Ảnh dẫn qua: thaiwaysmagazine.com)

Sau khi trang trại này được thành lập, những người dân của nhà vua đã được biết đến mùi vị của sữa, dinh dưỡng trong cuộc sống hàng ngày cũng vì thế được nâng cao. Việc thành lập trang trại bò sữa với sự trợ giúp của Đan Mạch đã vượt qua việc chăn nuôi lấy sữa thông thường, viêc nghiên cứu đã mở rộng sang lĩnh vực sản xuất sữa tiệt trùng cũng như sản xuất các chế phẩm khác từ sữa (sữa bột, kem,…).

Nhà máy sản xuất sữa hiện đại, phát triển từ dự án Hoàng gia về sữa đầu tiên năm 1960, hợp tác với Hoàng gia Đan Mạch (Ảnh dẫn qua: thaiwaysmagazine.com)

Chitralada cũng là cái nôi để những dự án Hoàng gia về nông nghiệp được phát triển. Danh sách các dự án này đã kéo dài tới hàng trăm dự án, nhắm thẳng vào những mục tiêu cụ thể như phát triển giống cây trồng – vật nuôi cho từng khu vực cụ thể, chuyển giao kiến thức cho nông dân và hỗ trợ khôi phục tài nguyên thiên nhiên. Điều đặc biệt, phần lớn những dự án này đều do các thành viên của gia đình Hoàng gia chịu trách nhiệm thực hiện. Đây có lẽ là điều quý giá nhất mà nhà vua Buhmibol đã làm được: Ông đã truyền tình yêu dành cho nhân dân, trách nhiệm giúp dân có được một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những thế hệ tiếp sau.

Những dự án của Hoàng gia Thái Lan hiện nay vẫn đang tiếp tục được phát triển rất mạnh mẽ, không chỉ gói gọn trong khâu phát triển kỹ thuật sản xuất, các dự án còn giúp người nông dân học hỏi và biết cách giới thiệu những sản phẩm của mình tới người tiêu dùng. Các trang trại, đồng thời là các trại nghiên cứu thuộc các dự án của Hoàng gia cũng trở thành địa điểm du lịch vô cùng thu hút với người dân Thái.

Cố Vương Buhmibol, người viết nên nhưng câu chuyện cổ tích về một vị vua thương dân mà người dân Thái Lan sẽ còn kể mãi cho ngàn đời sau (Ảnh dẫn qua: thaiwaysmagazine.com)

Dù nhà vua đã đi xa, những cả cuộc đời trị vì của Ông, tất cả những nỗi lo lắng, trăn trở mà Ông đã trải qua để mang đến cho dân chúng Thái Lan sẽ đi vào lịch sử như những câu chuyện cổ tích. Để rồi, hôm nay và cả sau này nữa, người dân Thái Lan sẽ kể lại cho con cháu của họ “Câu chuyện về vua Bhumibol Adulyadej – Vị vua mang sức mạnh của đất để tạo nên sự ấm no cho nhân dân của mình”.

Hải Lam