Bức ảnh nổi tiếng dưới đây đã lan truyền trên thế giới suốt 17 năm trời. Đó là vào ngày 19 tháng 8 năm 1999, khi đội ngũ phẫu thuật tại đại học Vanderbilt ở Nashville, Mỹ, thực hiện một ca phẫu thuật hy hữu cho bà mẹ đang mang thai Julie Armas – Hay nói đúng hơn, là cho thai nhi 21 tuần tuổi trong tử cung của bà mẹ.
Bé Samuel Armas được chẩn đoán bị dị tật nứt đốt sống khi còn đang ở trong bụng mẹ, và để giải quyết vấn đề đó, các bác sĩ đã quyết định thực hiện một ca phẫu thuật hy hữu: phẫu thuật trước sinh. Ca phẫu thuật bao gồm việc cắt mở tử cung của Julie, hút nước ối, và phẫu thuật trên thai nhi để vãn hồi dị tật đốt sống. Sau đó, các bác sĩ sẽ đưa thai nhi lại vào trong tử cung của bà mẹ.
Trong quá trình phẫu thuật đó, nhiếp ảnh gia Michael Clancy, người được giao nhiệm vụ ghi lại hình ảnh về ca phẫu thuật, đã chụp được một khoảnh khắc kỳ lạ:
Michael Clancy kể lại như sau: “Khi một bác sĩ đang hỏi tôi rằng độ nhạy của loại phim tôi đang dùng là bao nhiêu, qua khóe mắt tôi chợt nhìn thấy tử cung của bà mẹ động đậy, tuy nhiên không có ai ở đó cả. Nó đang động đậy từ bên trong. Đột ngột, một cánh tay với cả ra ngoài, rồi rụt lại, chỉ còn thấy một bàn tay nhỏ. Bác sĩ đưa tay tới để nâng bàn tay nhỏ đó lên, và nó phản ứng, nắm vào ngón tay của bác sĩ…“
Đây có thể nói là một bức ảnh cho thấy sự tương tác sớm nhất của thai nhi, khi mới ở 21 tuần tuổi. Và gần 4 tháng sau, nhờ có ca phẫu thuật thành công, bé Samuel Armas ra đời vào ngày 2 tháng 12 năm 1999.
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Michael Clancy đã gây ra một cuộc tranh luận vô cùng dai dẳng giữa một bên là những người ủng hộ phá thai và một bên là những người phản đối. Những người phản đối phá thai cho rằng, bức ảnh là một minh chứng rất rõ ràng cho việc một thai nhi dù nhỏ bé, vẫn là một sinh mệnh có tri giác và cần được bảo vệ. Trong khi đó, những người ủng hộ phá thai thì cho rằng nhiếp ảnh gia Clancy đã nói quá lên về tình trạng thực tế của thai nhi lúc bấy giờ.
Còn mẹ của bé Samuel, bà Julie thì cho biết: “Tôi thật sự không quan tâm lắm [đến cuộc tranh cãi đó]. Điều tôi cảm nhận được từ bức ảnh là việc đứa trẻ đang thể hiện một sự tương tác nào đó. Tôi cũng là một y tá phụ sản, vì thế tôi hiểu rằng Samuel lúc đó đang ít nhiều bị gây mê. Vì thế nếu cháu có đưa tay ra, tôi không thể lý giải được. Và nếu bác sĩ Bruner có đưa tay ra, tôi cũng không thể lý giải được. Thực tế chúng ta đang chứng kiến ở đây là một đứa trẻ, với một bàn tay, với một sinh mệnh, và điều đó đã đủ ý nghĩa rồi“.
Dù sao đi nữa, Samuel hiện giờ đã 16 tuổi, và những người thân của em trìu mến gọi em là “bàn tay của hy vọng“. Samuel vẫn cần phải mặc đồ hỗ trợ cho chân, và cần sử dụng xe lăn nếu phải đi đường dài. Tuy nhiên em cũng rất hoạt bát, và có thể chạy một khoảng cách ngắn. Samuel cũng thích bơi lội, bóng rổ và sưu tập bọ cánh cứng nữa.
Nói về bức ảnh của mình, Samuel chia sẻ: “Khi em nhìn vào bức ảnh đó, điều đầu tiên em nghĩ tới là mình thật may mắn và đặc biệt khi Chúa đã sắp đặt sự việc ấy cho em. Em cảm thấy rất biết ơn vì mình đã ở trong bức ảnh đó“.
Theo Samuel, bức ảnh đặt biệt này có thể đã giúp nhiều đứa trẻ khác không phải chịu cảnh ngộ bị phá thai nữa. Nó đã giúp những bà mẹ tương lai thay đổi cách nhìn nhận về sinh mệnh của con mình.
Còn nhiếp ảnh gia Michael Clancy thì tâm sự rằng, trước khi chụp được bức ảnh đó, ông là người ủng hộ việc phá thai hợp pháp. Tuy nhiên bức ảnh đã khiến ông thay đổi suy nghĩ của mình. Hiện ông đang kiếm sống bằng cách đi diễn thuyết về nạn phá thai và chia sẻ kỷ niệm khó quên của mình. “Điều đó sẽ thay đổi người ta“, vị nhiếp ảnh gia tâm sự, “Nó bắt đầu bằng một công việc được giao [là ghi lại hình ảnh ca phẫu thuật], và rồi biến thành một trách nhiệm, trách nhiệm kể lại câu chuyện đằng sau bức ảnh đó“.
Theo Hefty.co
Quang Minh tổng hợp
Xem thêm: