Chủ quan nghĩ cảm cúm thông thường, anh T. (30 tuổi, Long An) đã tự mua thuốc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, tình trạng sốt, ho không đỡ, cổ họng xuất hiện nhiều mảng trắng đục… nên anh T. đã vào bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM khám.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán anh T. dương tính với khuẩn bạch hầu.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D của bệnh viện trao đổi với VnExpress, đây là ca bệnh bạch hầu đầu tiên điều trị ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM trong năm nay và cũng là trường hợp đầu tiên ở khu vực phía Nam.
Sau 2 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân T. đã cải thiện song cần theo dõi liên tục nguy cơ biến chứng lên tim.
Trước đó, bệnh bạch hầu đã bùng phát trở lại tại Kon Tum, khiến 2 người tử vong.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp, nếu nước bọt người bệnh văng trúng người xung quanh cũng có thể truyền bệnh.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu:
– Sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn.
– Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen.
– Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu.
– Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.
Bệnh nhân mắc bạch hầu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch.
Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy…
Để phòng bệnh hiệu quả, chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho trẻ. Bệnh nhân khi bị viêm họng và các triệu chứng ho sốt kéo dài nên đi khám sớm và điều trị kịp thời.
(Tổng hợp)