Ngày nay rất nhiều người quan tâm đến chủ đề dưỡng sinh, nghiên cứu xem nên ăn gì uống gì, luyện tập ra sao… Nhưng thực ra tinh hoa dưỡng sinh đã được các bậc tiền bối đúc kết từ rất lâu rồi.
Thời Xuân thu – Chiến quốc, xã hội Trung Hoa có nhiều thay đổi, các tư tưởng học thuật xuất hiện rất nhiều, như trăm hoa nở rộ. Vậy tinh hoa dưỡng sinh mà các bậc tiền bối Đạo gia, Nho gia và Hoàng Đế Nội Kinh đúc kết được là gì? Sử sách gọi thời kỳ này là bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng (trăm nhà đua tiếng, trăm hoa đua nở).
Tương tự các tư tưởng học thuật khác, thuật dưỡng sinh cũng thuận theo đó mà phát triển, trong đó có chủ yếu nhất là 2 trường phái Đạo gia và Nho gia.
Đạo gia
Hai nhà tư tưởng đại biểu cho Đạo gia là Lão Tử và Trang Tử.
Tư tưởng dưỡng sinh của Đạo gia là lấy tĩnh làm căn bản cho sức khỏe và tuổi thọ, đề xướng phản bổn quy chân (con đường tìm về cội nguồn của chân ngã), lấy thanh tĩnh vô vi làm phương pháp.
Lão tử, theo truyền thuyết Trung Quốc, ông sống ở thế kỷ VI TCN. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỉ IV TCN, thời Bách gia chư tử và thời Chiến Quốc. Lão Tử được coi là người viết Đạo đức kinh (道德經) – cuốn sách của Đạo gia có ảnh hưởng lớn, và ông được công nhận là khai tổ của Đạo gia (Đạo tổ 道祖).
Theo đó ông cho rằng, con người nên thanh tỉnh, an nhàn, tương tự như trẻ thơ, sống thuận với tự nhiên, không nên quá nhiều dục vọng. Đó là cách bảo dưỡng tinh thần, tinh khí thủ ở bên trong, giúp tiêu trừ bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Ngược lại, ham muốn quá nhiều, dục vọng vô bờ, sẽ làm cho thân thể tổn thương, tổn thọ.
Đạo gia chủ trương, con người nên bỏ bớt tư tâm và tạp niệm; tiết chế dục vọng, không nên bon chen, giành giật lợi danh; ăn uống giản đơn, ăn mặc cốt sao thấy được cái đẹp của tinh thần, việc chăn gối cần tiết chế không phóng túng… Cốt yếu sao cho mọi sinh hoạt đều thuận với tự nhiên, đạt đến thanh tĩnh để sống lâu.
Thuật dưỡng sinh của Đạo gia mang ít nhiều màu sắc thần bí, nhưng gạn đục khơi trong (bỏ đi cái ô uế mà lấy cái tinh túy), Đạo gia đã để lại cho nhân loại nhiều di sản quý giá, không những các giá trị đạo đức cao đẹp, mà còn lưu lại cho hậu thế các phương pháp dưỡng sinh bậc nhất, điển hình là Thái cực quyền.
Nho gia
Đại biểu Nho gia là Khổng Tử và Mạnh Tử.
Khổng phu tử (孔夫子) hoặc Khổng tử (孔子) là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu hay Khổng Khưu (孔丘; 27 tháng 8, 551 TCN – 11 tháng 4, 479 TCN) tự Trọng Ni (仲尼). Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông.
Những câu nói nổi tiếng của Khổng tử là nhân ái là thọ, nhân giả thọ, tức là người có đức lớn tức được thọ (đại đức tất đắc kì thọ). Con người muốn sống thọ phải tu thân, có lòng nhân ái, có đạo đức lớn, có phẩm hạnh cao, có tấm lòng rộng rãi. Muốn tu thân nên thực hành ba điều cấm (tam giới) là không tham cầu nữ sắc, không tranh cường đấu đá, không tham của cải vật chất.
Nho gia quan niệm thuật dưỡng sinh quan hệ mật thiết với đạo tu thân xử thế; muốn sức khỏe, trường thọ, việc cốt yếu là phải tu thân, chú trọng nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Tư tưởng và thuật dưỡng sinh của Nho gia ảnh hưởng rất sâu đậm đến đời sau.
Quản tử
Quản Trọng (管仲; 725 TCN – 645 TCN), họ Cơ, tộc Quản, tên thực Di Ngô (夷吾), tự là Trọng, thụy hiệu là Kính (敬), đương thời hay gọi Quản Tử (管子), là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu.
Theo quan niệm của ông, mọi vật trong thế giới do tinh cấu thành; con người cũng do tinh của trời đất hợp thành, tinh là nguồn gốc của sinh mệnh.
Cho nên, muốn sức khỏe và trường thọ phải bảo tinh. Tinh bị hao tổn là do dục vọng quá nhiều, ham nữ sắc, chạy theo của cải. Tiết chế dục vọng, không ham nữ sắc, tiền tài là cách bảo tinh và trường thọ.
Tuân tử
Tuân tử (荀子; 313 TCN – 238 TCN) là một nhà Nho, nhà tư tưởng của Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc thì cho rằng, tuổi thọ quan hệ mật thiết với hoàn cảnh sinh sống; cho nên sống phải chọn quê hương (tư tất trạch hương), tức là chọn hoàn cảnh sinh sống thích hợp để được trường thọ.
Lã Thị Xuân Thu
Lã Thị Xuân Thu (呂氏春秋) còn gọi là Lã Lãm (呂覽) là bộ sách do Lã Bất Vi – thừa tướng nước Tần thời Chiến Quốc sai các môn khách soạn ra những điều mình biết, hợp lại thành sách. Bộ sách này hoàn thành vào năm thứ 8 đời Tần vương Chính (239 TCN). Quan niệm rằng, khí huyết lưu thông thì thọ, tinh huyết ngưng trệ thì sinh mệnh bị thương tổn. Phương pháp dưỡng sinh đề xuất là làm cho khí huyết lưu thông; khí huyết lưu thông thì khỏe và thọ.
Hoàng Đế Nội Kinh
Hoàng Đế Nội Kinh, là cuốn sách y học nổi tiếng của Trung Quốc; sách không chỉ tổng kết những vấn đề lớn trong y học, mà còn tổng kết thuật dưỡng sinh của thời kỳ này.
Hoàng Đế Nội Kinh quan niệm, con người với thế giới tự nhiên là một thể tuần hoàn, sự thay đổi biến hóa của tự nhiên ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, sức khỏe, tuổi thọ.
Sự thay đổi biến hóa của tự nhiên đuề tuân theo quy luật Xuân, Hạ, Thu, Đông; chúng ta ai cũng phải trải qua 3 quá trình sinh trưởng, phát dục và suy lão. Vì vậy, cần phải dựa vào những quy luật của tự nhiên để dưỡng sinh. Chẳng hạn, mùa xuân mùa hạ thì dưỡng dương, mùa thu mùa đông thì dưỡng âm; sách Nội Kinh còn nêu phương pháp kết hợp động – tĩnh để điều nhiếp tinh thần.
Đúc rút kinh nghiệm từ các bậc vĩ nhân, người ta đều thấy một điểm chung là sống cần theo lẽ tự nhiên, thuận theo đạo mà hành vì bản chất của vạn sự vạn vật là thiện lương, đó cũng là quy luật vận hành của vũ trụ. Lệch ra khỏi quy luật này, cơ thể sẽ không hòa nhịp được với trời đất, từ đó mà sinh bệnh, mà tổn thọ vậy.
Điều này cũng đã được Lão Tử đúc rút lại trong câu: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”.
Lương Y Cao Sơn (T/h)
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.