Tương truyền rằng, vào mùa Vu Lan cần tránh sát sinh để tích đức và báo hiếu với bậc sinh thành, dưỡng dục. Thế nên, ăn chay vào những ngày này được xem là hành động đại hiếu thảo của những người con. Vậy, quan điểm của Đông y về vấn đề ăn chay này là gì?

Ngày nay, việc ăn chay đã trở nên rộng rãi hơn, mọi người đều dần dần hiểu được lợi ích sức khoẻ của chế độ ăn chay. Tuy nhiên, phần lớn những thông tin này đều xuất phát từ kiến thức về dinh dưỡng học của Tây phương. Bài viết dưới đây xin bàn vấn đề ăn chay từ góc độ Y học cổ truyền Đông phương, xét xem con người nên ăn gì, vấn đề ăn thịt ra sao và dùng thuốc bào chế từ động vật thì như thế nào.

Theo lý luận cổ xưa, con người nên ăn gì?

Mặc dù Hoàng đế nội kinh không phản đối việc ăn thịt, nhưng phải nói rằng tương đối ủng hộ việc ăn chay, cũng không nói là con người nhất định cần phải ăn thịt mới có thể sinh tồn. Trong Thiên Tàng khí pháp thời luận, sách Tố Vấn có đoạn: “Ngũ cốc là để nuôi dưỡng, ngũ quả là để hỗ trợ, ngũ súc (vật) là để bổ ích, ngũ rau là để bổ sung”.

Đây có thể được coi là khái niệm “dinh dưỡng học” sớm nhất trên thế giới! Ngay từ hơn 2.000 năm trước, Đông y đã có khái niệm tương tự tháp dinh dưỡng, nhưng trên thực tế không phải là nói về vấn đề ‘dinh dưỡng’, mà là chỉ ra chủng loại thực phẩm.

Nhìn nhận một cách tỉ mỉ, kĩ càng 4 nhóm thực phẩm lớn này, nghiêm khắc mà nói thì địa vị không bình đẳng với nhau, mà là có tầng thứ khác nhau, không phải là nói mỗi ngày mỗi loại chiếm một phần là tốt nhất. Nhóm ngũ cốc là ‘cung dưỡng’ sinh mệnh sự sống con người, do đó là nhóm cơ bản nhất, cần thiết phải ăn! Trái cây là phụ trợ, mà rau củ lại làm con người ta ‘sung mãn’, làm chúng ta no. Do đó theo đẳng cấp tầng thứ mà nói, nhóm ngũ cốc nên ăn nhiều nhất, rau củ quả nhiều thứ nhì.

Đối với nhóm thịt, tác dụng của nó là ‘ích’, chữ ‘ích’ này dùng vô cùng đắt! ‘Ích’ là chỉ ‘hữu ích’, là nghĩa tốt. Như vậy, nhìn nhận nhóm thịt có vẻ như là thực phẩm không thiết yếu, chính giống như thuốc bổ hiện nay, nó đối với cơ thể có thể có lợi ích, nhưng không có nghĩa là không có nó thì sẽ chết, 3 nhóm thực phẩm còn lại là cần thiết hơn.

Lại nữa, ‘ích’ trong cổ văn vốn có nghĩa là ‘tràn’, tức ‘đầy tràn’. Nước đầy tràn ra khỏi hồ chứa, là tốt hay xấu? Đương nhiên là lãng phí rồi, quá nhiều rồi! Do đó ‘ích’ trong Nội kinh có lúc cũng thuộc nghĩa không tốt, có ý nghĩa quá nhiều lại thành bất cập. “Nước có thể chở thuyền, cũng cơ thể lật thuyền”, nó tuy là có chỗ tốt, nhưng mà rất dễ đi sang cực đoan.

Hoàng đế nội kinh” chỉ ra các vấn đề gặp phải khi ăn thịt

Trong Nội kinh còn ghi chép rất nhiều bệnh tật do ăn thịt mà dẫn tới, ví như:

“Nhiệt bệnh khó thuyên giảm, ăn thịt ắt tái phát, ăn nhiều để di chứng, do đó nên kiêng kị” (trích Thiên Nhiệt luận thiên, sách Tố Vấn).

Đây là nói về một người vừa cảm mạo mới khỏi, nhất định không được cho họ ăn thịt, ăn rồi dễ làm bệnh tình tái phát. Nhưng mà chúng ta rất nhiều khi đều làm ngược lại, vừa cảm mạo khỏi rồi, hơi có chút cảm giác muốn ăn, là lập tức ăn thịt. Thêm nữa, hoặc là phụ nữ vừa sinh con, ngày ngày uống canh gà, kỳ thực đều không tốt cho cơ thể.

Phụ nữ mới sinh con, uống canh gà thực sự là không tốt cho sức khoẻ.

“Tiêu đản, bị ngã hoặc bị đánh, thiên khô, nuy huyết, khí mãn, phát nghịch. Những chứng đó, phần nhiều do hạng người giàu sang, béo tốt, ăn nhiều chất cao lương mà sinh ra vậy” (trích Thiên Thông bình hư thực luận, sách Tố Vấn).

Cao lương trong này ý nghĩa là chỉ ‘cao’, lương thực tinh – cao lương mỹ vị (không phải chỉ gạo cao lương trong nhóm ngũ cốc), cổ xưa giải thích là “vị ngọt béo ngấy”. Chi tiết mà nói, ‘cao’ là chỉ thịt, đặc biệt là chỉ nhóm thịt mà trong đó chứa chất béo tương đối nhiều; ‘lương’ chỉ thực phẩm tinh, lương thực tinh, có thể hiểu là thông qua gia công, giống như các loại thực phẩm trong siêu thị có thể mua được: bánh bông lan, đồ ăn đóng hộp, khoai tây chiên, kẹo, kem…

Đoạn văn này đã đưa ra một cảnh báo cho con người. Ví như bệnh tiêu khát (tiểu đường), trúng phong (tai biến), bán thân bất toại, thân thể teo yếu, khí suyễn… thường là bệnh của người béo phì, bệnh nhà giàu, nhiều khi do ăn ‘cao lương mỹ vị’ quá mức mà dẫn tới. Hãy cùng xét xem ăn thịt có vấn đề gì?

“Ăn nhiều cao lương, sinh ra nhọt to – đinh” (trích Thiên Sinh khí thông thiên luận, sách Tố Vấn).

“Nghĩ như chứng nhiệt trung, tiêu trung, phần nhiều chỉ hạng người phú quý hay mắc, giờ dùng thức cao lương, thế là không hợp với lòng họ” (trích Thiên Phúc trung luận, sách Tố Vấn).

Hoàng đế hỏi: “Ôi! Những bậc vương, công, đại nhân, những người này ăn (những thứ thức ăn) có máu, thân thể họ yếu đuối, cơ nhục mềm yếu, huyết khí họ mạnh và hung, hoạt và lợi. Vậy trong việc châm (kim) chậm hay nhanh, cạn hay sâu, nhiều hay ít, cả hai đàng có giống nhau không?”

Kỳ Bá đáp: “Món ăn cao lương và món ăn đậu rau, ‘vị’ của nó làm sao giống nhau được? Khi nào gặp khí hoạt thì phải rút kim ra nhanh, khi nào gặp khí sác thì phải rút kim ra chậm…” (trích Thiên Căn kết, sách Linh Khu).

“Vả lại, các bậc vương công, đại nhân, các bậc quân thần ưa (những thức ăn thịt) có máu, tất cả họ đều sống rất là kiêu sa, phóng túng, ham muốn, khinh người, nhưng không thể nào cấm được, nếu cấm thì nghịch lại cái chí của họ, còn nếu thuận theo họ thì càng làm cho bệnh của họ nặng thêm, và nên thích nghi như thế nào? Phép trị phải làm gì trước?” (trích Thiên Sư truyền, Sách Linh khu).

Nội kinh có nhiều ghi chép như thế, có thể cho thấy đương thời đã biết được lợi và hại của ăn thịt. Ngược lại, ăn ngũ cốc, rau củ quả, trong Nội kinh lại không đề cập vấn đề mấy. Người ngày nay vì sao bị tăng đường huyết, tăng huyết áp, mỡ máu nhiều đến vậy? Rất có thể đây chính là nguyên nhân bởi vì nhiều người đã quá quen với thịt, bữa ăn mà không có thịt thì không…vui.

Nhân thể vốn thích hợp ăn chay nhất?

Trong Hoàng đế nội kinh, thường xuyên chỉ ra chức năng của Vị – dạ dày con người, là dùng để phân huỷ, tiêu hoá thủy cốc (thuỷ chính là chỉ nước uống; cốc là lúa, gạo, lương thực hoa màu nói chung).

Sách Tố Vấn có một số đoạn viết:

“Vị, cái biển để chứa thủy cốc, cũng là nguồn gốc lớn của lục phủ. Năm vị ăn vào miệng, tàng ở vị để dưỡng khí ngũ tạng” (trích Thiên Ngũ tàng biệt luận).

“Con người lấy thủy cốc làm gốc, nếu tuyệt thủy cốc thời tất phải chết. Mạch không có Vị khí (tức khí của thủy cốc) cũng chết” (trích Thiên Bình nhân khí tượng luận).

“Tứ chi đều nhờ khí ở Vị… tứ chi không được do khí của thủy cốc” (trích Thiên Thái âm dương minh luận).

“Vinh, là tinh khí của thủy cốc. Nó điều hoà ở ngũ Tạng, thấm nhuần ở lục Phủ… Vệ, là một thứ hãn khí (mạnh, dữ) của thủy cốc. Cái tính của nó lật tật, hoạt lợi” (trích Thiên Tý luận thiên).

Con người lấy thuỷ cốc làm gốc. (Ảnh dẫn qua Thời báo Tài chính)

Sách Linh Khu cũng bàn về thuỷ cốc và phủ Vị như sau:

“Vị, là phủ của ngũ cốc” (trích Thiên Bản du).

“Cốc khí nhập vào Vị, mạch đạo sẽ nhờ đó được thông, huyết khí khắc vận hành” (trích Thiên Kinh mạch).

“Nếu trong Vị bị nhiệt thì tiêu cốc khí…, trong lục phủ, Vị đóng vai biển cả; xương mình rộng, cổ to, ngực rộng, người như vậy sẽ ăn được nhiều ngũ cốc” (trích Thiên Sư truyền).

Hoàng đế hỏi: “Ta mong được nghe về vai trò của lục phủ truyền đi thủy cốc, về sự lớn nhỏ, dài ngắn của Trường Vị, về sự thu nhận thủy cốc nhiều hay ít như thế nào ?” (trích Thiên Tràng vị).

Kỳ Bá đáp: “…Vị to 1 xích 5 thốn, đường kính 5 thốn, dài 2 xích 6 thốn, co ngang lại, nhận thủy cốc 3 đấu 5 thăng, trong ấy cốc thường lưu lại 2 đấu, thủy 1 cốc 5 thăng thì đầy…” (trích Thiên Bình nhân tuyệt cốc).

Các loại ghi chép tương tự trong Nội kinh thường rất hay gặp, cho rằng khí huyết của nhân thể là từ thủy cốc mà hóa thành, ngay cả đoạn cuối cùng dùng góc độ giải phẫu quan sát độ to nhỏ của trường vị, cũng không quên dùng bao nhiêu ngũ cốc làm đơn vị dung lượng. Có thể thấy đối tượng tiêu hóa tốt nhất của trường vị là ngũ cốc. Thời đại Nội kinh cho rằng cái mà con người nên ăn nhất, chính là phương thức ăn uống dùng nước uống và lấy ngũ cốc làm chủ yếu.

Đông y không tuyệt đối nói “người không thể ăn thịt”, mà là chỉ ra rất nhiều vấn đề do ăn thịt, cũng lại là nhấn mạnh vai trò thực phẩm lấy ngũ cốc làm trọng yếu nhất.

Thuốc có nguồn gốc từ động vật không phải lúc nguy cấp thì không dùng

Từ xưa tới nay, không ít đại y học gia rất ủng hộ việc ăn chay, như danh y đời Đường Tôn Tư Mạc, ông nói “thường cần bớt ăn thịt, ăn nhiều cơm…”, lấy phương thức ẩm thực ăn chay làm chủ yếu, sống tới hơn 100 tuổi. Ông có một cuốn sách trứ danh gọi là “Đại y tinh thành”, truyền tụng từ thiên cổ xa xưa qua nhiều thời đại, mỗi một vị Trung y đều biết đến, trong đó có một câu:

“Từ xưa các bậc danh y hiền tài trị bệnh, đa phần cũng dùng sinh mệnh vật sống để cứu chữa người nguy cấp. Tuy nói là người cao quý, súc vật thấp kém, nhưng nói về yêu quý sinh mệnh, thì con người và súc vật là như nhau. Tổn hại loài khác để lợi cho mình, thì tình cảm loài vật cũng đều căm ghét, nói gì đến con người. Hễ sát hại sinh mệnh súc vật để bảo toàn sinh mệnh người, thế thì đã xa rời cái đạo ‘sinh’ quá xa rồi. Những phương thuốc của ta hôm nay, sở dĩ đều không dùng sinh mệnh loài vật làm thuốc, cũng vì lý do đó. Còn trong thuốc có ruồi trâu, đỉa, đều là vật chết bán ở chợ, mua về dùng, thì không phải trường hợp này. Chỉ như trứng gà, vẫn đang ở trạng thái hỗn mang chưa hình thành, thì khi gặp tình huống khẩn cấp, thì mới bất đắc dĩ mà dùng. Người có thể không cần dùng vật sống, mới là người có kiến thức trí tuệ phi phàm, ngay cả ta cũng không bằng được”.

Đại y Tôn Tư Mạc đề xướng sử dụng thuốc nguồn gốc từ động vật cần vô cùng cẩn thận, nên dùng động vật đã chết một cách tự nhiên mà không phải là cố ý sát sinh. Lại nữa, ngay cả trứng gà nhìn thì như là thực phẩm rất phổ thông, ông đều cho rằng cần phải trong trường hợp quan ải nguy cấp mới được sử dụng. Mọi người sẽ có thể nghĩ ra, Tôn Tư Mạc bình thường cũng không mấy khi ăn trứng gà.

Theo China Vegan
Liên Hoa biên dịch