Đông y cổ xưa không chỉ là những thuyết dưỡng sinh tinh thâm bậc nhất, mà còn là những phương pháp khám chữa bệnh vô cùng thần kỳ. Các đại danh y thời xưa chỉ nhìn qua đã có thể biết bệnh, thậm chí ngay từ khi bệnh còn rất sơ khai, chưa khởi phát.
Sử sách có ghi về Biển Thước (khoảng 401 – 310 TCN), một trong những danh y xuất chúng đầu tiên được biết đến vào thời Chiến quốc, khi khám cho người bệnh, ông có thể thấy được nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh đó.
Một lần nọ, khi Biển Thước đến nước Tề, Tề Hoàn Công thiết đãi ông như thượng khách. Biển Thước vừa nhìn qua Tề Hoàn Công, bèn tâu: “Bệ hạ có bệnh ở cơ bắp. Nếu không chữa trị, bệnh sẽ trầm trọng thêm”.
Vua Tề đáp lại “Ta thấy trong người rất khỏe”. Biển Thước nghe vậy bèn lui ra.
Năm ngày sau, Biển Thước quay lại yết kiến vua Tề và nói: “Bệ hạ có bệnh trong máu. Nếu không kịp thời chữa trị, bệnh sẽ trầm trọng thêm”.
Tề Hoàn Công trả lời “Ta thấy trong người rất khỏe”. Biển Thước lại cáo lui.
Năm ngày sau, Biển Thước lại vào yết kiến Tề Hoàn Công và nói: “Bệ hạ có bệnh trong dạ dày. Nếu không sớm chữa trị, bệnh sẽ trầm trọng thêm”. Tề Hoàn Công chẳng nói lời nào. Biển Thước lại cáo lui một lần nữa.
Năm ngày sau nữa, Biển Thước lại vào gặp Tề Hoàn Công. Vừa nhìn thấy vua Tề từ xa, Biển Thước liền đi mất. Một người hầu cận của Tề Hoàn Công thấy vậy liền hỏi Biển Thước vì sao ông lại rời đi. Biển Thước trả lời: “Khi bệnh còn ở cơ bắp, dược liệu có thể chữa trị được. Khi bệnh ở trong máu, châm cứu có thể chữa trị được. Khi bệnh ở trong dạ dày, rượu thuốc có thể chữa trị được. Nhưng khi bệnh đã vào đến tủy xương, thì ngay cả thần thánh cũng phải chịu, không chữ được! Bệnh của Tề Hoàn Công đã vào đến tủy xương rồi, tôi không thể chữa trị được nữa”.
Sau năm ngày, quả nhiên Tề Hoàn Công thấy trong người đau nhức. Ông được đưa đến chỗ Biển Thước, nhưng lần này Biển Thước đã rời đi rồi. Chẳng bao lâu sau, Tề Hoàn Công qua đời.
Thậm chí ngày nay, các bác sĩ Trung Y vẫn phải học tập phương pháp bắt mạch của Biển Thước. Tác phẩm quan trọng bậc nhất mà Biển Thước để lại là “Hoàng Đế 81 Nạn Kinh”, một công trình đặt nền móng cho Trung Y, và đã có một ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển của y khoa Trung Quốc.
Sử sách cũng có ghi lại một câu chuyện về danh y Trương Trọng Cảnh (150-219 SCN) đoán bệnh cho một viên quan tên là Vương Trung Huyền khi mới có hai mấy tuổi, nói ông này có bệnh, nếu không chữa ngay thì năm 40 tuổi sẽ bị rụng lông mày, nửa năm sau sẽ chết.
Sau đó Trương Trọng Cảnh đã viết cho Vương một toa thuốc. Vương chấp nhận, nhưng đã không đi bốc thuốc, bởi vì ông nghĩ mình đã bị xúc phạm và không tin Trương Trọng Cảnh. Khi Vương 40 tuổi, lông mày ông này quả nhiên bị rụng, và đã qua đời trong vòng nửa năm sau đó.
Mặc dù y thuật thần kỳ như vậy, có thể chữa được bạo bệnh, thậm chí cải tử hoàn sinh trong một số trường hợp, nhưng các đại danh y đều khuyên con người nên chủ động dưỡng sinh phòng bệnh từ xa. Do đó có thể nói, cảnh giới cao nhất của Trung y là dưỡng sinh. Trong thuật dưỡng sinh, thì lại cho rằng: hạ sỹ dưỡng thân, trung sỹ dưỡng khí, thượng sỹ dưỡng tâm.
Minh Thành tổng hợp
Xem thêm: