Nâng chén rượu chúc tết đầu xuân vốn là một nét văn hóa lâu đời của người Việt nhưng đến nay phong tục này đã ít nhiều bị biến dị và đem đến nhiều hệ lụy. Nhiều người phải nhập viện vì ngộ độc rượu, thậm chí mất đi cả sinh mạng nếu không xử lý kịp thời.

Rượu là thức uống quen thuộc của con người có từ hàng ngàn năm nay. Từng phút từng giờ đều có người đang uống rượu, nên không nhiều người nghĩ rượu là chất độc. Nhưng quả thực vậy, nếu uống ít rượu có tác dụng an thần, giải lo âu, buồn phiền, dễ ngủ. Trái lại khi uống nhiều, đặc biệt là trong thời gian ngắn, người uống có thể bị ngộ độc rượu, thậm chí là tử vong.

Ngộ độc rượu có hai loại là ngộ độc rượu ethanol (ngộ độc rượu thật) và ngộ độc cồn methanol (ngộ độc rượu giả). Trong đó ngộ độc cồn methanol là nguy hiểm hơn cả, trên thị trường hiện nay có nhiều chai rượu không rõ xuất xứ pha lẫn methanol với một tỷ lệ nhất định, methanol gây độc với liều rất nhỏ nên những chai rượu này rất nguy hiểm đối với người tiêu dùng.

Theo các bác sĩ Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hầu như ngày nào trung tâm này cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu vào điều trị, nhưng số nhập viện tăng lên vào thời điểm cuối năm, trước và sau các kỳ nghỉ lễ, tết, có ngày 2-3 ca cấp cứu.

Rượu vào nhanh, ra chậm nên dễ bị ngộ độc

Trong trường hợp rượu thật (không phải methanol), một khi uống vào người, rượu rất nhanh chóng được hấp thu vào máu, tuy nhiên cơ thể lại cần khá nhiều thời gian để xử lý và loại bỏ rượu (phần lớn nhờ gan). Chính nghịch lý này khiến nồng độ rượu trong máu tăng nhanh do gan không xử lý kịp và là nguyên nhân của các triệu chứng ngộ độc rượu.

Do đó khi bạn uống càng nhiều, và đặc biệt là trong thời gian càng ngắn, thì nguy cơ và mức độ ngộ độc rượu càng cao.

Các triệu chứng của ngộ độc rượu có thể từ nhẹ (như nói nhiều, hưng phấn, dễ bị kích thích, hung hãn, nói ngọng, đi đứng loạng choạng) đến nặng (suy hô hấp, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, hôn mê) cuối cùng có thể dẫn đến ngừng tim và tử vong.

Để tránh khả năng xấu nhất có thể xảy ra, bạn bè người thân cần túc trực ở bên cạnh để đề phòng những tình huống bất ngờ, không nên để người say ở một mình. Về tư thế cần để người say nằm đầu cao, nằm nghiêng bên phải. Khi thời tiết lạnh cần ủ ấm.

Với người tỉnh táo, vẫn ăn uống được thì có thể cho ăn cháo loãng hoặc thức ăn chứa tinh bột như sữa, đường, ngô, khoai để tránh hạ đường huyết.

Với người ngủ li bì, không nên để họ ngủ suốt ngày, suốt đêm. Khoảng vài giờ đánh thức, gọi hỏi để đánh giá tình trạng ý thức, đồng thời cho họ ăn cháo loãng, uống nước đường để tránh tụt đường huyết, uống nhiều nước ấm để tránh mất nước và pha loãng nồng độ cồn trong cơ thể, đẩy nhanh đào thải rượu.

Có thể cho uống nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, nước cà chua, nước đậu ninh nhừ… để giải độc rượu dạng nhẹ

Nếu người uống không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng: không nhận biết, gọi hỏi không đáp ứng, thở chậm (nhỏ hơn 8 lần/phút), co giật, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng phải, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Không nên:

  • Không nên cho uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ làm tăng gánh nặng cho gan. Paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa.
  • Không nên uống các loại nước có tính acid như nước chanh vì sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Không uống cà phê vì gây mất nước thêm.
  • Người ngộ độc rượu không tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch.

Ngoài ra cần lưu ý rằng hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy các loại thuốc giải rượu có hiệu quả rõ ràng, do đó mọi người không nên ỷ lại vào thuốc giải rượu mà uống “thả phanh”, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Đại Hải

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.