Say rượu là một dạng ngộ độc rượu nhẹ. Tùy từng người, tùy mức độ uống, tùy loại rượu mà biểu hiện say của mỗi người sẽ khác nhau. Có người uống xong thì ngủ, dạng nhẹ thì chậm chạp lờ đờ, không tỉnh kích thích vật vã nhiều, nôn nhiều; nặng thì hạ đường huyết thậm chí hôn mê…
Câu chuyện đau lòng xảy ra ở Trung Quốc gần đây lại là một hồi chuông cảnh báo cho những người hay uống rượu. Trương Uy là một người đàn ông thật thà biết chăm lo gia đình. Anh có công việc ổn định ở một doanh nghiệp tư nhân, một gia đình êm ấm và cậu con trai học lớp năm. Mọi việc có lẽ sẽ mãi yên ổn nếu không có chuyện cậu con trai anh chuẩn bị lên cấp 2. Vì mong con vào được trường tốt vợ Trương Uy yêu cầu anh chuyển nhà vào trung tâm thành phố để tiện cho con học hành ở trường điểm. Áp lực công việc lại thêm áp lực từ vợ làm anh chán nản hay la cà nhậu nhẹt cùng bạn sau mỗi giờ làm. Một lần nọ anh uống say bạn anh lái xe hộ để đưa anh về nhà. Tới nhà anh thấy anh nói có thể tự vào nên mọi người yên tâm ra về. Nào ngờ vì sợ đối diện với những lời chì chiết của vợ anh ngủ luôn trong xe. Kết quả sáng hôm sau khi vợ ra và lay anh dậy thì anh đã tử vong ở trong xe từ lúc nào.
Một nghiên cứu mới về tác dụng phụ của việc say rượu cho thấy, say rượu là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi nếu tiếp tục làm những việc dưới đây có thể mang lại những hệ lụy xấu gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới sinh mạng.
1. Đắp chăn điện
Uống bia rượu sẽ gây hiện tượng rối loạn chức năng điều chỉnh nhiệt độ và làm cơ thể có cảm giác ớn lạnh. Nếu muốn làm ấm cơ thể không nên đắp chăn điện nhất là với những người mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành
Nguyên nhân bởi sau khi uống rượu, mạch máu giãn ra, nhịp tim và sự trao đổi chất sẽ tăng tốc, huyết áp tăng cao, có thể gây ra nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và các bệnh khác. Nếu cảm thấy lạnh, bạn có thể sử dụng một chai nước nóng hoặc chăn bông để giữ ấm, uống một ít nước ấm nhưng không được quá nóng để tránh bị sốt nhiệt.
2. Uống nước chanh đá
Theo thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hầu hết mọi người đều lầm tưởng uống nước chanh hoặc đồ uống chua có thể giúp giải rượu nhanh hơn. Kỳ thực quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Nước chanh chứa rất nhiều axít, cộng với rượu đã uống, lại không ăn gì có thể khiến dạ dày bị tổn thương gây nôn.
Nhiều người cũng nghĩ gây nôn rất tốt cho người say rượu, song thật ra chỉ đúng khi người bệnh tỉnh táo, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Cố ép gây nôn khi không tỉnh táo, người bệnh rất dễ bị sặc, thức ăn hay đồ uống vào phổi có thể gây viêm phổi, sặc, ngạt đường thở dẫn đến tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, khi người nhà bị say rượu, người thân cần chú ý theo dõi, nếu người bệnh vẫn tỉnh và nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lưu ý các loại thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn. Ngoài ra có thể uống nước đường, sữa, nước canh, nước mật ong… hoặc uống oresol bù nước điện giải.
3. Đi ngủ ngay
Lượng cồn trong rượu được tiêu hóa qua gan, nếu sau khi uống rượu lập tức đi ngủ sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể gây tổn hại cho gan.
Tốt nhất sau khi uống rượu nên rửa mặt bằng nước lạnh, sau đó nghỉ ngơi. Khi uống rượu quá nhiều, tuyệt đối không được lập tức đi ngủ mà cần có người nhà ở bên. Cứ hai tiếng một lần gọi người bệnh tỉnh dậy cho họ uống ít nước đun sôi để nguội hoặc nước mật ong cho đến khi họ hoàn toàn tỉnh táo.
4. Tập thể dục
Sau khi đã uống nhiều rượu, tốt nhất nên hạn chế vận động, không đi lại xa, không khiêu vũ nhảy nhót hay tập thể dục, hạn chế để cơ thể toát mồ hôi, mất nước. Quá trình say rượu có thể ra nhiều mồ hôi khiến cơ thể mất nước, nếu vận động thêm nữa sẽ càng làm cơ thể mất nước trầm trọng. Tốt nhất là bạn nên thả lỏng cơ thể, nghỉ ngơi thư giãn cho đến khi tỉnh rượu rồi thì muốn vận động cũng chưa muộn.
5. Tắm
Theo PGS.TS Phạm Văn Tiến – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện 103 – người say rượu tuyệt đối không được tắm dù là nước nóng hay lạnh. Tắm nước nóng sẽ khiến nhiệt độ tập trung trong cơ thể không thoát ra ngoài, khiến cho tình trạng say trở nên nghiêm trọng hơn, gây buồn nôn, thậm chí đau đầu, chóng mặt, choáng váng.
Tắm nước lạnh khiến gan không kịp bổ sung lượng đường glucose tiêu hao trong máu, cùng với sự kích thích bởi nước lạnh, khiến huyết quản co vào, có thể dẫn đến vỡ mạch máu, cảm lạnh.
Bốn cách giúp giảm tác hại của rượu
Ăn chuối
Chuối là loại quả giàu dinh dưỡng thông dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Chuối giàu kali và fructose, có thể giúp giảm hiện tượng tức ngực, tim đập nhanh do nồng độ cồn trong máu tăng cao. Chuối bổ sung đường tự nhiên cho cơ thể giúp giảm lượng cồn trong máu, giúp bạn bình tâm và ổn định tinh thần.
Uống trà bồ công anh + hoa hồng để bảo vệ gan và dạ dày
Theo “Bản thảo cương mục”, bồ công anh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, loại bỏ độc tố trong thực phẩm, làm tiêu tan các khối u ác tính, giảm sưng viêm. Trong dân gian, đây cũng là loại cây được dùng để điều trị các bệnh như viêm vú, các chứng viêm do nhiễm trùng, viêm màng não, bệnh cúm, bệnh gan mật, bốc hỏa, nước tiểu màu đỏ và các bệnh khác.
Hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đỏ (mai khôi hoa) dùng làm huyết mạch lưu thông. Hoa hồng trắng chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu có tác dụng nhuận tràng.
Nguyên liệu: Hoa hồng 0.5g, rễ bồ công anh 3.5g, pha thành trà. Sau khi uống rượu uống một tách trà này có thể bảo vệ gan và giữ ấm cho dạ dày.
Uống nước mật ong để giảm cảm giác đau đầu sau khi uống rượu
Mật ong là phương thuốc tuyệt vời để giải rượu. Một phần vì nó cung cấp kali và natri, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Ngoài ra, nó cung cấp fructose giúp gan chuyển hóa rượu một cách dễ dàng và giải độc tốt hơn. Nói một cách cụ thể, khi cơ thể của bạn cố gắng chuyển hóa chất cồn trong rượu, nó sẽ cần một lượng đường fructose nhất định, từ đó làm giảm lượng đường trong máu, đây là một trong những nguyên nhân gây buồn nôn khi say rượu. Uống mật ong sẽ giúp bạn bổ sung lượng đường đã bị mất trong quá trình trao đổi chất, giúp tiêu hóa nhanh hơn và giải phóng cồn khỏi cơ thể, làm dịu các triệu chứng của tình trạng say xỉn.
Không có một mức uống rượu bia nào là an toàn. Nguy cơ rượu bia ảnh hưởng sức khỏe phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Để tránh nguy hiểm mọi người không nên uống rượu hoặc uống lượng vừa phải. Uống rượu khi đã ăn, đặc biệt là ăn đầy đủ, thức ăn dạng lipid, có tác dụng làm chậm hấp thu rượu vào cơ thể.
Theo k.sina.cn
Kiên Định