Không chỉ làm gia vị để tạo màu, vị và mùi cho món ăn, nghệ còn dùng làm thuốc. Có nhiều loại nghệ nhưng nghệ vàng cùng sản phẩm của nó là loại phổ biến rộng rãi nhất. Một vài kết hợp đơn giản có thể giúp hỗ trợ trị bệnh hiệu quả.

Theo Đông y, củ nghệ vàng còn có tên gọi là Khương hoàng, vị cay, đắng, tính bình có tác dụng hành khí hoạt huyết, làm tan máu, tan ứ và giảm đau; dùng lâu có tác dụng hành khí phá huyết, thông kinh, chỉ thống (giảm đau) chủ trị bệnh trướng đầy, bế kinh, bệnh sau sinh, chấn thương, ung thũng, sưng, thông kinh nguyệt…

Theo Tây y, nghệ vàng có chứa chất curcumin chống oxy hóa, chữa được nhiều loại bệnh như viêm khớp, rối loạn tiêu hóa, chống lại các vi khuẩn sống ký sinh trong ruột, giảm hàm lượng cholesterol trong máu, lưu thông lọc máu, giải độc gan, mau lành vết thương, liền sẹo, giảm nguy cơ nhiễm trùng, hen suyễn, các bệnh ngoài da, hiệu nghiệm nhất là đau bao tử, viêm loét dạ dày. Dưới đây là một vài bài thuốc dân gian từ củ nghệ hỗ trợ trị bệnh hiệu quả.

1. Làm đẹp từ nghệ tươi

– Nghệ tươi rửa sạch, thái lát mỏng sau đó giã nhuyễn. Khi nghệ đã nhuyễn cho vào chén và trộn thêm 1 muỗng dầu mè. Trộn đều hỗn hợp và đắp lên mặt và giúp da mịn màng, tươi sáng.

– Nghệ tươi rửa sạch, xay nhỏ lọc lấy nước hòa với mật ong, hoặc sữa tươi uống ngày 2 lần, giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh, dưỡng nhan sắc, giúp da mịn màng.

– Hòa nghệ vàng với sữa, sữa chua để bôi lên mặt giúp cho da hồng hào hơn.

– Bột nghệ rất tốt cho da, đối với các vết thương, bột nghệ giúp da mau liền, mau lên da non và không để lại sẹo.

2. Kinh nguyệt không đều

Nghệ vàng, Xuyên khung, Đào nhân, mỗi vị 8g; Ích mẫu, Kê huyết đằng, mỗi vị 16g; Sinh địa 12g. Sắc uống ngày một thang. Uống liền 2 – 3 tuần, trước khi có kinh. Uống vài ba liệu trình cho đến khi các triệu chứng ổn định.

3. Đau bụng kinh

Uất kim (rễ củ con của nghệ) 15g, Huyền hồ 10g. Cả hai đều chích giấm (sao vàng hạ thổ, cho giấm cùng). Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần, uống trước bữa ăn. Uống 2 – 3 tuần.

Theo Đông y, củ nghệ vàng còn có tên gọi là Khương Hoàng, vị cay, đắng, tính bình có tác dụng hành khí, hoạt huyết. (Ảnh: news4.vnay.com.vn)

4. Trướng bụng, đau bụng

Khương hoàng hoặc Uất kim, Hương phụ, Sài hồ, đồng lượng 9 – 12g. Sắc uống hoặc làm thuốc bột, ngày một thang, uống trước bữa ăn 1 – 1,5 giờ.

5. Viêm gan virus cấp tính

Nghệ 12g; Nhân trần, Bồ công anh, Bạch mao căn mỗi vị 40g; Chi tử 16g; Đại hoàng, Hoàng liên mỗi vị 9g. Sắc uống, ngày một thang, chia 3 lần, trước bữa ăn. Uống liền 3 – 4 tuần lễ.

6. Viêm gan mãn tính

Nghệ 4g; Côn bố, Đình lịch tử mỗi vị 12g; hạt Bìm bìm, Hải tảo mỗi vị 10g; Quế tâm 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trước bữa ăn.

7. Sỏi gan, sỏi mật

Uất kim, phèn chua đồng lượng 10g. Hai vị tán bột uống ngày một thang, trước bữa ăn. Nếu có mật gấu gia thêm thì càng tăng công hiệu.

8. Trị đau dạ dày

Nghệ rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô sau đó tán thành bột mịn hòa cùng với mật ong, viên lại thành những viên nhỏ. Dùng mỗi ngày. Nếu có điều kiện nên thay thế bằng tinh bột nghệ sẽ nâng cao hiệu quả.

9. Mụn nhọt

Nghệ vàng 100g, củ ráy dại 150g, dầu vừng 150g, nhựa thông, sáp ong 70g. Nghệ và củ ráy gọt vỏ, thái mỏng, giã nát. Cho hỗn hợp này vào dầu vừng nấu nhừ. Lọc bỏ bã, thêm nhựa thông, sáp ong vào đun nóng cho tan, quấy đều để nguội, phết lên giấy bản, dán vào mụn nhọt.

Nghệ có tác dụng trong hỗ trợ điều trị các bệnh không phải phát hiện ngày một ngày hai mà đã được nền y học cổ truyền áp dụng phổ biến rộng rãi. Vì thế, để bảo đảm sức khỏe gia đình hãy cân nhắc việc bổ sung nghệ vào trong thực đơn hàng ngày của bạn.

Kiên Định

Video hay

videoinfo__video3.dkn.tv||701472adf__