Có lẽ các nhà khoa học đã tìm ra lý do tại sao chúng ta thường ăn đồ ngọt khi bị stress. Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học California đã phát hiện ra rằng, người uống nước làm ngọt bằng đường có nồng độ hóc-môn stress cortisol trong cơ thể thấp hơn so với những người uống đồ uống có chứa chất làm ngọt nhân tạo aspartame.

Trong thí nghiệm, những phụ nữ được cho uống đồ uống có saccarôzơ (một loại đường có trong mía) hoặc có chứa chất tạo vị ngọt nhân tạo aspartame ba lần một ngày trong hai tuần. Sau đó, họ được yêu cầu giải quyết một vài vấn đề toán học.

Sử dụng công nghệ quét cộng hưởng từ (MRI), các nhà nghiên cứu phát hiện thấy những ai uống nước pha saccarôzơ có nồng độ cortisol, một hóc-môn được cơ thể giải phóng ra khi bị stress, thấp hơn so với người uống nước có chứa aspartame.

Theo nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Chuyển hóa và Nội tiết Lâm sàng (Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism), các nhà khoa học cũng phát hiện thấy saccarôzơ ức chế các hoạt động liên quan đến stress tại vùng hồi hải mã (hippocampus) của não bộ, tuy nhiên aspartame thì lại không.

Các tác giả của nghiên cứu kết luận rằng tác dụng làm giảm stress của đường có thể dẫn đến người bị stress sẽ tiêu thụ nhiều đường hơn, và  dễ bị mắc các căn bệnh có liên quan đến đường như tiểu đường, béo phì.

Theo các tác giả, những phát hiện này nằm trong số bằng chứng đầu tiên cho thấy mối liên hệ giữa đường và mức độ giảm stress ở người.

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra tác dụng tiêu cực của aspartame, như làm tổn thương não bộ ở những con chuột được cho ăn chất làm ngọt này với nồng độ lớn hơn 50% nồng độ aspartame được FDA phê chuẩn cho người.

Đại Hải biên dịch
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh