Nhắc đến áp lực hay stress, người lớn chúng ta thường lập tức liên hệ tới bản thân với hàng tá trách nhiệm trong công việc và cuộc sống. Thế nhưng, những đứa trẻ trong gia đình bạn cũng rơi vào những trạng thái tương tự, chỉ là cha mẹ không để ý nên chưa phát hiện mà thôi.

Để con trẻ có môi trường phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, tránh khỏi các trạng thái cảm xúc tiêu cực, cha mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau đây để hướng dẫn cho các con:

1. Tưởng tượng ra những hình ảnh vui nhộn

Infonet gợi ý các bậc phụ huynh hãy chỉ cho trẻ cách nhắm mắt tưởng tượng đến những hình ảnh đẹp, những tình tiết vui nhộn. Điều có thể giúp trẻ giải tỏa căng thẳng rất hiệu quả. Khi trẻ bình tĩnh, nhịp tim sẽ chậm lại và bé sẽ phản ứng tốt hơn trước các tình huống.

Bạn cũng có thể cho con nghe những bài hát nhẹ nhàng hay xem những video thú vị để giảm stress, đồng thời mang đến niềm vui và sự thoải mái cho các con.

2. Hít thở thật sâu

Hãy hướng dẫn trẻ hít vào thật sâu và thở ra chậm rãi. Kiểm soát hơi thở sẽ làm trẻ bình tĩnh trở lại và thoát khỏi tình trạng căng thẳng, lo lắng hay sợ sệt, bất an. 

Bạn cũng đừng quên nhắc các con vận động thả lỏng gân cốt, tập các bài tập nhẹ nhàng như xoay cổ tay, cổ chân, xoay vai, xoay eo, “lắc lư cái mình”… để cơ thể khỏe khoắn hơn nhé.

3. Cười thật to

Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy, sau một tràng cười, tỷ lệ của các tế bào miễn dịch có tác dụng diệt các tế bào gây bệnh tăng lên rõ rệt. Việc vui chơi và đùa giỡn giúp cho bé cảm thấy thoải mái, hứng khởi và khơi dậy những cảm xúc tích cực.

4. Nghĩ về những điều sẽ làm tiếp theo và bình tĩnh, tập trung vào việc đó

Cha mẹ hãy nói cho trẻ hiểu rằng chúng ta không thể kiểm soát hành vi của người khác, nhưng có thể kiểm soát hành vi của chính mình. Cuộc sống không thể hoàn toàn diễn ra theo ý mình.

Hướng dẫn trẻ suy nghĩ về những điều muốn làm trong một giờ tiếp theo hoặc vài ngày tới thay vì tập trung vào điều khiến trẻ tức giận. Suy nghĩ của trẻ sẽ chuyển dần từ sự giận dữ sang những điều giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Ảnh: Tatiana Syrikova / Pexels.

5. Đi dạo, ngắm cảnh

Việc thay đổi trạng thái hoạt động, tốt nhất là cho trẻ đi ra ngoài để hòa mình vào thiên nhiên cũng có thể làm bộ não trẻ bớt đi những lo lắng.

Hít thở không khí trong lành, lắng nghe tiếng chim líu lo trên cành, nhắm mắt lại và hít thở sâu sẽ giúp tâm hồn của bé dịu lại.

Bạn cũng có thể làm phân tán sự lo lắng mà bé đang phải trải qua bằng cách hướng dẫn con quan sát cẩn thận, tỉ mỉ về tất cả mọi thứ trong môi trường xung quanh. Ví dụ, bạn có thể hỏi bé: “Con thấy bao nhiêu loại cây khác nhau?” hay “Có bao nhiêu tiếng hót của các loài chim khác nhau mà con nghe thấy?”.

6. Hãy suy nghĩ tích cực: nói về lòng tốt và sự biết ơn

Bộ não dường như sẽ không còn những suy nghĩ lo lắng hay tức giận trong khi nó đang tạo ra những suy nghĩ tích cực bắt nguồn từ lòng tốt và sự biết ơn, theo Táo Giáo Dục.

Khi các bé bị lo lắng hay tức giận, cha mẹ hãy khuyến khích các con chia sẻ lại những điều tốt đẹp mà mình đã trải qua, những khoảnh khắc mình được giúp đỡ hay giúp đỡ ai đó chẳng hạn. Những cảm xúc tích cực sẽ lan tỏa trong tâm hồn con, xua tan mọi căng thẳng hiện hữu.

7. Hòa mình vào điệu nhảy sáng tạo

Những hoạt động thể chất giúp trẻ giảm stress và tìm được cảm giác thư thái trong tâm hồn sau những giờ học tập. Khi trẻ hòa mình vào điệu nhạc, lúc đó đầu óc bé được thoải mái và những mệt mỏi căng thẳng “không cánh mà bay”. Vì thế hãy để trẻ khiêu vũ theo cách của… những vũ công không chuyên.

8. Khuyến khích trẻ hát những bài mình yêu thích

Hãy gợi ý con bạn hát trong khi tắm, các bức tường phòng tắm có thể làm cho giọng nói của trẻ to hơn và mạnh mẽ hơn, đó là một cách giải trí rất hiệu quả.

9. Mùi hương có tác dụng thư giãn

Hương thơm như hoa oải hương, hương thảo, hoặc gỗ đàn hương không chỉ có mùi dễ chịu mà còn có tác dụng làm giảm căng thẳng. Bạn có thể sử dụng kem hay sản phẩm sữa tắm dành cho trẻ hoặc hoa thảo hương khô để tạo hương, giúp không khí thoáng đãng tự nhiên, nhờ đó giảm căng thẳng cho bé.

10. Nghỉ giải lao với những trò chơi bổ ích

Trò chơi điện tử rất thú vị nhưng chúng không giúp trẻ thư giãn mà khiến tâm trí chúng làm việc căng thẳng hơn. Thay vào đó, tìm thứ khác trẻ nhỏ muốn làm: vẽ, đọc, chơi với Lego hoặc chụp ảnh… Đó là những hoạt động để trẻ thư giãn, giúp cơ thể cảm thấy khoẻ hơn.

11. Tập Yoga

Yoga có tác dụng giảm stress. Hãy cho bé tập những động tác đơn giản với một số tư thế con mèo, con bò, núi lửa… hoặc hướng dẫn các bé ngồi thiền để tăng khả năng tịnh tâm. Tùy vào năng lực cũng như độ tuổi của trẻ mà có hướng dẫn phù hợp.

Video xem thêm: Các giáo viên và học sinh rất xúc động bởi những gì tôi chia sẻ. Chuyện kể của người phụ nữ Đức chuyên ngành nghệ thuật và điêu khắc.

videoinfo__video3.dkn.tv||b0df01bc6__