Đông Y cũng có câu “tỳ vị là cái gốc của hậu thiên”. Vậy nên trước tiên phải chăm sóc dạ dày thật tốt thì mới có thân thể khỏe mạnh. Hiểu được 7 chữ dưới đây tức là bạn đã có kha khá kiến thức để chăm sóc dạ dày rồi đấy.
1. Lạnh
Trường kỳ ăn uống đồ lạnh, hoặc để lạnh vùng thượng vị đều ảnh hưởng đến dạ dày. Dạ dày khi gặp lạnh sẽ khiến mạch máu dạ dày co lại, nuôi dưỡng cho dạ dày kém, dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Đặc biệt là người đã bị đau dạ dày từ trước, ăn đồ nguội lạnh có thể dẫn tới cơn đau, hoặc cơn đau càng thêm trầm trọng.
Biện pháp khắc phục: Hạn chế ăn uống đồ lạnh, đặc biệt người bị đau dạ dày, dạ dày yếu lại cần hạn chế ăn đồ nguội lạnh. Khi trời lạnh cần mặc áo giữ ấm cho vùng bụng, đêm ngủ cũng lưu ý giữ vùng bụng được kín.
2. Muộn
Cuộc sống hiện đại bận rộn, khiến bữa ăn của mọi người không còn theo quy luật như xưa. Đặc biệt nhiều người vì công việc bận rộn hay làm tới muộn, như vậy dẫn đến bữa tối ăn muộn.
Ăn tối muộn nên dịch dạ dày tiết ra từ sớm không được trung hòa, lâu dài có thể gây loét dạ dày. Đồng thời cũng dễ dẫn tới hệ quả là ăn cơm xong không lâu đi ngủ ngay, đây là thói quen không tốt.
Biện pháp: Nên ăn tối trước khi đi ngủ khoảng 2-3 tiếng. Chẳng hạn như 23h đi ngủ thì 20h ăn xong. Hãy cố gắng ăn uống điều độ đúng giờ, có định lượng như vậy sẽ hình thành phản xạ có điều kiện, hỗ trợ bài tiết tuyến tiêu hóa, có lợi cho tiêu hóa. Bạn cần ăn đầy đủ 3 bữa/ngày và ăn đúng giờ, không nên để dạ dày quá đói hoặc quá no vì khi đó các axit trong dạ dày sẽ tiết ra, gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa.
3. Mau
Ăn nhanh cũng là một thói quen làm hại dạ dày. Nguyên nhân có thể là do công việc bận rộn hoặc chỉ đơn thuần là thói quen từ lâu, nhưng dù sao thì vẫn nên sửa, nếu không cái được chẳng bù cho cái mất.
Khoang miệng chính là cửa ngõ đón thức ăn đầu tiên, có vai trò quan trọng giúp hỗ trợ dạ dày và ruột tiêu hóa thức ăn. Người ăn nhanh thì thức ăn chưa được nghiền nhỏ, chưa được nhào trộn kỹ với các enzym trong miệng liền bị đưa xuống dạ dày, do đó làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, khiến dạ dày quá tải. Ăn nhanh cũng khiến dạ dày không kịp tiêu hóa thức ăn. Sau khi ăn xong thường cảm thấy khó chịu.
Ngoài ra người ăn nhanh cũng nuốt phải nhiều không khí hơn, nên sau bữa ăn hay bị chướng bụng, ợ hơi.
Biện pháp: Rất đơn giản, đó là: nhai kỹ nuốt chậm. Đừng quên bữa cơm chính là lúc để bạn thư giãn, nghỉ ngơi; chớ biến bàn ăn thành bàn làm việc!
4. Nóng
Điều gì cực đoan quá đều không tốt. Lạnh không tốt, nóng quá cũng đều không tốt. Nhiều người bị ung thư thực quản, ung thư dạ dày đều có điểm chung là thích ăn đồ rất nóng. Đồ nóng có nhiệt độ cao hơn nhiều so với nhiệt độ cơ thể, khi ăn hoặc uống đều sẽ làm tồn thương lớp niêm mạc dạ dày thực quản, lâu dài có thể dẫn đến ung thư.
Biện pháp: Bạn nên ăn đồ ấm, không quá nóng, cũng không quá lạnh. Khi thức ăn nóng quá có thể thổi hoặc đợi tới khi nhiệt độ vừa ấm rồi ăn.
5. No
Ăn quá no sẽ khiến hệ thống tiêu hóa bị quá tải, sau khi ăn thường đầy bụng khó chịu, cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa.
Không ăn quá no cũng là một trong những bí quyết của những người sống thọ nhất thế giới. Điều này giúp bạn không dễ bị béo phì, một tình trạng là yếu tố nguy cơ của nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Biện pháp: Ăn đến 7 phần là dừng. Nghĩa là khi cảm thấy còn có thể ăn được nửa bát nữa thì liền dừng lại.
6. Lo
Những trạng thái tinh thần đều có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Lo âu, sợ hãi, căng thẳng gây đau dạ dày chính là một bằng chứng rõ ràng.
Nhiều người đau dạ dày đều có thể thấy rằng càng khi căng thẳng, lo âu thì cơn đau dạ dày càng mạnh hơn, mau hơn. Trên thực tế chính trạng thái tinh thần này sẽ thông qua dây thần kinh gửi tín hiệu đến dạ dày, khiến dạ dày co bóp mạnh và tiết nhiều dịch vị hơn, lâu ngày có thể gây loét dạ dày.
Biện pháp: Lo âu, căng thẳng kéo dài không những gây bệnh dạ dày mà còn gây nhiều căn bệnh mãn tính nguy hiểm khác. Để khắc phục, bạn cần có thời gian nghỉ ngơi làm việc cân đối, hợp lý, đồng thời có thể tập yoga, ngồi thiền để giúp cân bằng tinh thần.
7. Ỳ
Nhiều người đau dạ dày âm ỉ thường cố nhịn hoặc không để ý nhiều, nhưng đó chính là những lời kêu cứu đầu tiên của dạ dày mà bạn nhất thiết đừng bỏ qua.
Biện pháp: Nếu như cảm thấy đau vùng thượng vị, thì nên đi khám sớm, đồng thời ăn uống sinh hoạt hợp lý để tránh bệnh nặng thêm.
Ước tính khoảng cứ 10 người Việt Nam thì có 1 người bị viêm loét dạ dày, tá tràng trong suốt cuộc đời mình, chiếm 16% trong tổng số các ca phẫu thuật trong 1 năm và tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới. Ai đã từng một lần bị những cơn đau dạ dày hành hạ, bị ống soi dạ dạy chui qua mũi vào ‘khuấy đảo’ bên trong cho khiếp sợ thì đều ngán ngẩm… Vậy nhưng bệnh dạ dày lại hoàn toàn có thể phòng tránh được, vấn đề chính yếu là ở tự mỗi người thôi.
Đại Hải
Xem thêm:
- Bổ thận tăng dương, loại bỏ khí độc – loại thực phẩm nuôi dưỡng dạ dày tốt nhất trong các loại rau xanh
- 6 điều xảy ra với cơ thể bạn khi bạn uống nước ấm lúc dạ dày rỗng vào mỗi buổi sáng
- Thoát chết ở tuổi 28 dù nghiện “đá, cỏ, ke, lắc”, người thanh niên đã thay đổi ngoạn mục như thế nào?
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.