Mỗi năm có hàng triệu trẻ sinh ra trên thế giới bị dị tật, ảnh hưởng nghiệm trọng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và những người trong gia đình, làm tăng thêm gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều dị tật thai nhi hoàn toàn có thể phòng tránh được. 

Có một số dị tật bẩm sinh không thể tránh được, nhưng rất nhiều loại dị tật có nguyên nhân từ chế độ dinh dưỡng, lối sống và yếu tố môi trường… mà những người mẹ mang thai có thể chủ động phòng ngừa thông qua các bước dưới đây.

Hai vợ chồng lên kế hoạch mang thai để có sự chuẩn bị tốt nhất cho thai nhi (Ảnh: Thoibao.today)

Theo các chuyên gia, hãy lên kế hoạch mang thai để cơ thể người phụ nữ chuẩn bị tốt nhất cho quá trình thai nghén, cụ thể là:

1. Lên kế hoạch mang thai, không sinh nở quá “già”

Trẻ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao khi tuổi mẹ lớn hơn 35 và/hoặc tuổi bố lớn hơn 50. Nguyên nhân là khi tuổi càng cao, chất lượng của trứng và tinh trùng càng giảm. Thống kê cho thấy cứ 350 phụ nữ mang thai ở tuổi 35 thì có một trẻ sinh ra bị hội chứng Down. Tỷ lệ này tăng vọt lên 1/100 ở tuổi 40 và 1/30 ở tuổi 45.

2. Tư vấn tiền sinh sản

Sau khi có kế hoạch mang thai, mẹ bầu sẽ sớm có những điều chỉnh cần thiết về lối sống và chế độ ăn phù hợp cho quá trình mang thai. Bên cạnh đó mẹ bầu có thể khám tư vấn tiền sinh sản để xác định và điều chỉnh những bất lợi ngay từ trước khi mang thai.

3. Bổ sung acid folic

Lên kế hoạch mang thai cũng sẽ giúp mẹ bầu bổ sung đầy đủ acid folic từ trước khi mang thai. Khi cơ thể người mẹ đủ acid folic trước khi mang thai 1 tháng và trong quá trình mang thai, tỷ lệ dị tật thần kinh của thai nhi có thể giảm đến 70%.

4. Tránh xa những chất độc hại

Rượu bia thuốc lá rất độc hại, có thể dễ dàng gây dị tật cho thai nhi (Ảnh: baricada.ro)

Đồ uống có cồn: Bất cứ đồ uống có cồn nào đều là thứ mẹ bầu cần tránh tuyệt đối. Uống rượu bia trong khi mang thai có thể gây sẩy thai, dị tật thai nhi. Lời khuyên tốt nhất dành cho mẹ bầu là tuyệt đối không uống rượu bia trong thời gian mang thai.

Thuốc lá: Hút thuốc khi mang thai rất nguy hiểm vì điều này có thể gây đẻ non và một số dị tật cho thai. Hút thuốc lá thụ động cũng đặt mẹ và thai nhi trong vòng nguy cơ. Vì vậy tốt nhất mẹ bầu nên bỏ hẳn thuốc lá và hạn chế ở trong môi trường khói thuốc khi mang thai.

Phòng ngừa nhiễm trùng: Nhiễm trùng cũng là một nguyên nhân gây dị tật ở thai nhi, đặc biệt là trong bối cảnh mang thai sức đề kháng của bà bầu suy giảm. Một số lời khuyên đơn giản giúp mẹ bầu phòng tránh bệnh nhiễm trùng là rửa tay thường xuyên, ăn chín uống sôi và cách ly khỏi những người bị bệnh truyền nhiễm.

Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại từ môi trường

Thai nhi rất mẫn cảm với các yếu tố độc hại

Các hóa chất độc hại đang bủa vây chúng ta hàng ngày. Mẹ bầu tiếp xúc với các hóa chất độc hại có thể gây dị tật thai, tăng nguy cơ mắc một số bệnh nhất định về sau này, thậm chí có thể dẫn đến sinh non, sảy thai, thai chết lưu. Nhiều sản phẩm tẩy rửa, trang điểm, thực phẩm trên thị trường chứa các hóa chất bất lợi cho thai nhi. Dưới đây là một số lời khuyên giúp mẹ bầu hạn chế được khả năng tiếp xúc với các hóa chất độc hại

  • Nên ăn thực phẩm sạch, không phun thuốc trừ sâu, không dùng thuốc tăng trưởng, được nuôi trồng tự nhiên.
  • Hạn chế ăn đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn
  • Hạn chế đựng thực phẩm trong hộp nhựa, bát nhựa, không dùng màng bọc thực phẩm.
  • Sử dụng các dung dịch tẩy rửa tự nhiên
  • Sử dụng các nhãn hiệu đồ trang điểm, kem đánh răng, dầu gội đầu hoàn toàn từ tự nhiên, không chứa hóa chất độc hại.

5. Duy trì cân nặng hợp lý

Tăng cân khi mang bầu là bình thường nhưng cần duy trì ở mức hợp lý   (Ảnh: theAsianparent Vietnam)

Phụ nữ bị béo phì (chỉ số BMI từ 30 trở lên) có nguy cơ cao bị các biến chứng trong thời kỳ mang thai. Mẹ bị béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc một vài dị tật nghiêm trọng ở thai nhi. Vì vậy bà bầu nên duy trì cân nặng hợp lý trước khi mang thai.

BMI là chỉ số khối cơ thể, được tính theo công thức, BMI = (trọng lượng cơ thể)/ (chiều cao x chiều cao).

– Trọng lượng cơ thể: tính bằng kg;

– Chiều cao x chiều cao: tính bằng m

6. Kiểm soát đường huyết

Đường huyết cao có thể làm tăng nguy cơ dị tật và các vấn đề sản khoa khác. Vì vậy bà bầu nên kiểm tra đường huyết và kiểm soát tốt nếu có bất thường.

Cần có lịch khám thai định kỳ và không tự ý dùng các loại thuốc nếu chưa chắc chắn về cách sử dụng trong thời kỳ bạn mang thai (Ảnh: sohu.com)

7. Hỏi ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng thuốc

Nhiều loại thuốc có chống chỉ định với phụ nữ có bầu vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và gây dị tật, mẹ bầu cần hỏi ý kiến chuyên gia y tế trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.

8. Tránh tắm hơi hay ngâm quá lâu nước nóng quá

Nếu tắm bồn nước nóng, chỉ ngâm đến vai, nước không quá nóng và thời gian không quá 15 phút.

Đại Hải – Hoàng Kỳ

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.