Nhớ tất tần tật mọi thứ dù chỉ nhìn lướt qua, bị đánh đập đến đâu cũng không đau, hay không sợ hãi trong bất kỳ hoàn cảnh nào v.v. Đó đều là những “siêu năng lực” mà vô số người hằng mơ ước. Tất nhiên, với người trong cuộc thì bệnh vẫn là bệnh thôi, họ mong muốn được bình thường như bao người khác.
4. Hội chứng nhớ mãi không quên
Khác với người có trí nhớ tốt do thông minh thiên bẩm và khả năng rèn luyện trí nhớ, người mắc hội chứng Hyperthymesia có dung lượng bộ nhớ cực lớn. Nó giống như một chiếc tủ khổng lồ, có thể bỏ thông tin vào các ngăn được đánh số theo ngày, và nó ngày một dày lên, không bao giờ “xóa” được.
BBC từng kể về câu chuyện của Rebecca Sharrock, một nhà văn Australia, người thậm chí nhớ rằng cô quấn trong chiếc khăn màu hồng như thế nào khi chỉ mới 7 ngày tuổi. Trí nhớ của cô quả thực là độc nhất: thuộc lòng các đoạn trong Harry Potter mà không quên một từ. Tuy nhiên đối với Sharrock đây không phải là một món quà. Cô thường xuyên bị đau đầu, thiếu ngủ và nhanh chóng mệt mỏi.
Đối với người bị Hyperthymesia, hạnh phúc là khá xa vời khi quá khứ luôn hiển hiện và thường trực trong tâm trí. Những câu chuyện buồn phiền, đau khổ cứ đeo đuổi khiến họ không tận hưởng trọn vẹn cuộc sống hạnh phúc.
3. Hội chứng mất cảm giác đau
Mất cảm giác đau bẩm sinh là tình trạng một người không thể cảm nhận cơn đau vật lý. Điều bất ngờ là mặc dù rất hiếm người mắc hội chứng này, nhưng lại có đến 40 trường hợp đã được phát hiện chỉ trong một ngôi làng ở Thụy Điển.
Thoạt nhìn, bạn sẽ cảm thấy đây là một siêu năng lực khi người bệnh sẽ không còn cảm thấy đau đớn về mặt thể xác. Tuy nhiên bên cạnh cảm giác khổ sở, cơn đau còn là tín hiệu cảnh báo nguy hiểm của cơ thể.
Người mắc hội chứng mất cảm giác đau bẩm sinh, đặc biệt là trẻ nhỏ, sẽ không thể nhận biết được cơn đau báo hiệu bệnh, không biết rằng chân mình đang chảy máu, không biết tay mình bị gãy v.v. Vì vậy tính mạng của họ luộn bị đe dọa, tuổi thọ thường cũng thấp hơn nhiều so với người khỏe mạnh.
2. Hội chứng bác học
Những người mắc hội chứng Savant (bác học) thường vượt trội hơn so với người khác ở một lĩnh vực nào đó. Họ các kỹ năng thiên bẩm về một lĩnh vực, nó xuất hiện đột ngột, không thể giải thích được và đôi khi cũng biến mất bất ngờ.
Những kỹ năng đặc biệt được chia làm ba loại là Splinter Skills, Talented Savant và Prodigious Savant, trong đó dạng “bác học phi thường” (Prodigious) là dạng hiếm. Người mắc bệnh dạng Prodigious sẽ phát huy tối đa khả năng của mình, tỏa sáng và được coi như thiên tài, tiêu biểu là “cuốn từ điển sống” Kim Peek có thể đọc và nhớ tất cả hơn 12.000 cuốn sách; nhạc sĩ thiên tài người da đen Thomas Greene Bethune – có thể tái tạo lại mọi bản nhạc được nghe qua khi chỉ 4 tuổi, hay “máy ảnh sống” Stephen Wiltshire – chỉ cần nhìn qua một cảnh cũng vẽ lại chính xác đến từng chi tiết cảnh đó.
Mặc dù có khả năng thiên tài, nhưng họ lại thường bị khiếm khuyết về tâm lý hoặc rối loạn phát triển thần kinh. Hơn 50% người mắc hội chứng Savant bị tự kỷ, một số khác nghiêm trọng hơn là bị tổn thương não. Những thiên tài trên trên gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống thực tế. Họ thường bị hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ và hầu hết mắc bệnh tự kỷ nặng.
1. Bệnh “không biết sợ”
Bệnh Urbach-Wiethe là một rối lạn gen hiếm gặp khiến người mắc hoàn toàn mất đi cảm giác sợ hãi. Chỉ hơn 300 trường hợp đã được biết đến, trong đó có ¼ phát hiện ở Nam Phi.
Vào thế kỷ XX, giới khoa học ghi nhận trường hợp một phụ nữ Mỹ mắc bệnh này. Theo nhân chứng, bà thực hiện những hành động không phải ai cũng dám làm – tay không bắt con rắn khổng lồ, đối mặt với những tên cướp có súng trong tay, thậm chí khi bị bắn và dùng dao chém, bà vẫn “tỉnh bơ” tự phẫu thuật lấy viên đạn ra, băng bó vết thương.
Bên cạnh biểu hiện không biết sợ, làn da của các bệnh nhân mắc Urbach-Wiethe thường khô, nhăn nheo, dễ bị tổn thương và xuất hiện chuỗi nốt sần xung quanh mắt. Một số trường hợp nặng hơn sẽ gây xơ cứng mô não ở thùy thái dương, dẫn đến chứng động kinh và tâm thần bất thường.
Đại Hải