Một nghiên cứu của đại học Harvard cho thấy, sự thành công trong công việc của một người 85% phụ thuộc vào thái độ của người đó, 15% còn lại phụ thuộc vào trí tuệ và kinh nghiệm.
Khi gặp phải thất bại, chúng ta thường tìm kiếm những nguyên nhân từ bên ngoài theo bản năng, như bối cảnh gia đình không tốt, học lực quá thấp, không gặp được thời cơ tốt, không nhận được sự giúp đỡ của người khác… Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi lại bản thân mình, liệu có phải là do thái độ của bản thân mình có vấn đề?
Thái độ quyết định cuộc sống
Một người có thái độ tiêu cực coi khó khăn là đau khổ, bất công của số phận, coi thất bại là không thể vượt qua, và cuối cùng bỏ cuộc.
Ngược lại, người có thái độ tích cực sẽ coi khó khăn là cơ hội và thử thách, và thất bại là kinh nghiệm tích lũy thành công.
Những người có thái độ ôn hòa dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể bình tĩnh phân tích, không tự ti cũng không kiêu ngạo, ung dung mà đối phó. Còn những người có thái độ không tốt, khi gặp phải những khó khăn, anh ta ngay lập tức rơi vào hoảng loạn, mất bình tĩnh, không thể khống chế cảm xúc, giống như một người hoàn toàn khác biệt.
Thái độ tiêu cực và do dự không quyết chỉ khiến bản thân mình bỏ qua những cơ hội, bởi vì bỏ qua cơ hội mới dẫn đến thất bại, bởi vì thất bại, mới khiến cho thái độ của bản thân trở nên bi quan… Một vòng luẩn quẩn lan rộng qua tất cả các giai đoạn của cuộc đời, và vì vấn đề tâm lý này, toàn bộ cuộc đời anh ta rơi vào hố sâu.
Thái độ thường quyết định cảnh giới của một người, cũng quyết định cao độ mà một người có thể đạt được.
Thất bại không đáng sợ mà đáng sợ là thái độ khi đối mặt với thất bại
Thói thường người ta mong muốn thành công và e sợ thất bại. Nhưng nếu muốn thu hoạch thành công thì không thể né tránh thất bại.
Procter & Gamble là công ty trong top 500 công ty mạnh nhất thế giới, họ có một quy định như thế này: Nếu nhân viên 3 tháng không phạm sai lầm thì sẽ bị coi là nhân viên không đạt tiêu chuẩn, vì chỉ có nhân viên không làm gì hết mới không phạm sai lầm bao giờ.
Đó chính là cách để khuyến khích nhân viên không sợ thất bại và phá vỡ lời nguyền tâm lý khi gặp thất bại, nhờ vậy mà họ đạt được thành công trong quản lý nhân viên.
Nhà văn Shiv Khera từng nói, chỉ khi một người thất bại đủ số lần nhất định, anh ta mới có thể thu hoạch được thành công lớn.
Câu chuyện về Lincoln
Abraham Lincoln là một trong những tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chúng ta đã nhìn thấy thành tựu và những vinh quang của ông khi ông trở thành tổng thống Mỹ, nhưng ít ai biết được ông đã gặp phải rất nhiều thất bại trong cuộc sống.
9 tuổi, ông mất mẹ;
21 tuổi gặp thất bại trong kinh doanh;
22 tuổi chuyển từ kinh doanh sang chính trị, kết quả là thất bại trong bầu cử nghị sĩ tiểu bang;
24 quay lại với kinh doanh, nhưng làm ăn thất bại và ông nợ một khoản tiền lớn;
26 tuổi, vợ ông qua đời, ông nằm liệt giường 6 tháng trời vì đau khổ;
34 tuổi thất bại trong tranh cử quốc hội;
45 tuổi lại thất bại trong tranh cử nghị sĩ;
46 tuổi thất bại trong tranh cử phó tổng thống;
49 tuổi, một lần nữa thua cuộc bầu cử thượng nghị sĩ.
Nỗ lực vô số lần, thất bại cũng nhiều vô số lần, trải qua những lần “càng nỗ lực, càng thất bại”, cuối cùng ông trở thành tổng thống Mỹ ở tuổi 52.
Đối mặt với khó khăn, nhiều người lựa chọn từ bỏ, nhưng những người có thái độ tích cực thì sẽ không ngừng đánh giá và đúc kết từ thất bại, suy xét xem bản thân thực sự cần thứ gì, và phải hành động như thế nào mới có thể biến thất bại thành thành công.
Có một hiện tượng thú vị trong tâm lý học, nếu một người luôn tin vào may mắn, cuộc sống của người đó có thể không tốt hơn hoặc không tệ đi, nhưng nếu một người luôn tin rằng mình xui xẻo thì cuộc sống của người đó nhất định sẽ rất tồi tệ.
Mặc dù mọi người không thể lạc quan một cách mù quáng về cuộc sống, nhưng cũng không thể quá bi quan và tiêu cực. Khi đối mặt với thất bại, nếu bạn có thái độ tích cực và kiên nhẫn vượt qua thì sẽ có một ngày trải nghiệm được “khổ tận cam lai”.
Ngọc Linh
Theo Secret China/ Ảnh: Pixabay
Video: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm