Không chỉ hút hồn khách du lịch và người yêu nghệ thuật trên toàn thế giới với những di sản văn hoá lâu đời, người Pháp còn luôn thể hiện mình là tiên phong về khả năng “hoán cải công năng” của các công trình và tối ưu cách giải “bài toán” phát triển bền vững.
Không có gì là bỏ đi tại Pháp
Trong quá trình đô thị hóa, một số địa điểm, dịch vụ xưa chắc chắn sẽ không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại. Thay vì phá bỏ xây cái mới, trong nhiều trường hợp, người Pháp chọn “tái chế” các địa điểm và cho chúng một cuộc sống mới. Rất nhiều những công trình cũ không còn giá trị sử dụng đã được người Pháp biến hóa tài tình trở thành cỗ máy kiếm tiền: Từ nhà tang lễ thành phố, các đường tàu, nhà ga, kho cũ, đến những chiếc cối xay gió… tất cả đều có thể trở thành một địa chỉ văn hoá và mang lại lợi ích kinh tế.
Bảo tàng Orsay nổi tiếng thế giới, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật từ 1848 đến 1914. Năm 2015, bảo tàng đã thu hút 3,4 triệu lượt khách tới tham quan. Ít ai biết được rằng, địa điểm đã được sửa lại từ một ga tàu cũ không còn được sử dụng vào năm 1878.
Từ năm 2008, khu 104 (Centquatre Paris) không còn là nhà tang lễ của thành phố mà đã trở thành một trung tâm thực hành nghệ thuật đương đại, nơi sáng tác, triển lãm của các nghệ sỹ, nơi dạy mỹ thuật cho trẻ em. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều nhà hàng cà phê, ăn uống.
Bước vào trường đại học Paris 7 mang tên nhà triết học Diderot, bạn sẽ thấy ngạc nhiên bởi cách đặt tên các toà nhà ở đây: Cối xay gió lớn, sảnh chứa bột… Một sự thật rất thú vị rằng, khu đất này trước kia vốn là nhà máy xay bột của thành phố Paris.
Khi đi dạo quanh khuôn viên trường, bạn sẽ gặp những chiếc máy xay bột khổng lồ được trưng bày trên nhiều tầng. Không chỉ tạo ra nét đẹp độc đáo, cách làm “tận dụng” này còn giúp người Pháp hồi tưởng lịch sử một cách sống động và chân thực.
Khu Grand train vốn là một nhà kho của khu La Chappelle, Paris đã trở thành bảo tàng đầu máy xe lửa và nơi quy tụ nhiều nhà hàng. Khách có thể ngồi ăn sẽ được trải nghiệm cảm giác như đang ngồi trong toa xe và biển báo tàu biến thành thực đơn khổng lồ, thuận thuận tiện cho khách hàng lựa chọn.
Phát triển bền vững cần sự hài hòa
Một tiêu chuẩn cho những công trình xây dựng mới ở Paris: phủ xanh nóc nhà bằng cây xanh. Điều này có nghĩa là, tầng thượng của các khu nhà cao tầng phải được thiết kế để trồng các cây xanh loại lớn như trồng trên đường phố. Cây xanh không chỉ giảm CO2, làm mát mà còn đảm bảo sự đa dạng sinh thái – tiêu chí quan trọng của phát triển bền vững.
Một điều đặc biệt nữa, rất nhiều tòa nhà đồ sộ ở Pháp không có móng, bởi phía dưới vẫn còn ga tàu điện. Để bảo tồn những ga tàu này, họ chọn cách xây những dãy hàng cột chống thẳng xuống nền ga. Những công trình hiện đại vẫn được xây dựng và các chuyến tàu vẫn ngược xuôi xuyên qua những gầm tòa nhà này mỗi ngày. Đây quả là một ví dụ sinh động, một lời giải hoàn hảo cho bài toán cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
Không nhất thiết phải phá dỡ, san phẳng, giải phóng mặt bằng rồi xây dựng mới là phát triển. Cái mới không phủ định cái cũ mà cùng cộng sinh và hài hòa phát triển, đó mới là chìa khóa của phát triển bền vững. Đó chính là lý do, suốt nhiều thế kỷ qua, Pháp vẫn giữ nguyên được dáng vẻ cổ kính và quyến rũ, với những tòa nhà chỉ 4-5 tầng có ban công sắt và hoa văn đặc trưng.
Việc xử lý nước mưa cũng được tính toán rất chi tiết. Nếu để nước mưa không ngấm được xuống đất mà chảy hết xuống cống, nhà máy xử lý nước thải sẽ phải tăng công suất làm việc mà nước ngầm trong lòng đất lại không được bổ sung. Chính vì vậy, khi đi trên vỉa hè được lát gạch của khu đô thị, thỉnh thoảng, bạn sẽ bắt gặp những khoảng hở giữa các viên gạch, cỏ mọc lên xanh rì, đó chính là chỗ để nước mưa thấm xuống đất. Người Pháp cho rằng, lát gạch kín mít vỉa hè không phải là một cách làm thông minh, điều này vừa làm lãng phí gạch, vừa hạn chế việc bổ sung mạch nước ngầm và tăng nguy cơ ngập lụt cho thành phố sau những cơn mưa lớn kéo dài.
Trong tổng số các căn hộ ở Paris (tất cả đều cùng một tiêu chuẩn về tiện nghi, tiện ích) có tới 50% dành cho nhà ở xã hội, 30% mới để bán và 20% còn lại để cho thuê. Đây cũng là một tiêu chí cho khái niệm “đô thị bền vững”, nơi các tầng lớp xã hội, các lứa tuổi cả già lẫn trẻ được sống đoàn kết, chan hòa, cùng chia sẻ các tiện ích công cộng.
Hiểu Minh
Xem thêm:
- Cầu Trung Quốc xây xong 2 tiếng đã bị sập
- Mỹ: 111 người ‘ĐƯỢC chết’ theo đạo luật mới của California
- San Francisco: Hơn 3000 học viên Pháp Luân Công luyện công tập thể khiến du khách cảm động