Sống trong xã hội hiện đại và đầy đủ tiện nghi, nhu cầu của con người không chỉ dừng lại ở ăn, uống, nơi ở mà đã vươn tới cái đẹp, sở thích cá nhân và hưởng thụ. Điều đó đã vô tình biến thiên nhiên trở thành nạn nhân và nhiều loại động vật quý hiếm bị săn bắn, giết hại. Tê giác là một trong số ấy, chúng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Trên thế giới hiện nay chỉ còn lại 5 loài tê giác sống sót với số lượng vô cùng ít ỏi. Tê giác bị giết để lấy sừng và sừng tê giác được mua bán với số lượng cực kỳ lớn tại thị trường chợ đen. Sở dĩ sừng tê giác trở thành món hàng được săn đón dù vô cùng đắt đỏ là vì niềm tin sai lầm của một bộ phận lớn người dân rằng sừng tê giác mài hoặc tán thành bột, pha với nước uống sẽ chữa được bách bệnh. Một số phụ nữ dùng sừng tê giác để làm đẹp trong khi nam giới dùng sừng tê giác để khẳng định vị thế hoặc phô trương sự giàu có. Những chiếc sừng tê giác giá trị thậm chí có giá cao hơn cả vàng.

Việc săn bắt trộm tê giác là hoàn toàn phi pháp và vô cùng tàn nhẫn nhưng đáng buồn là việc này đang nổi lên như một vấn đề toàn cầu nóng bỏng, đặc biệt là ở Nam Phi. Vào năm 2008 ở Nam Phi đã bộc phát việc săn bắt trộm tê giác với hơn 4.000 con tê giác bị giết chết. Những loài vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng như tê giác đang phải vùng vẫy để sống sót.

Một chú tê giác con đáng yêu bị mồ côi

Đây là một con tê giác đã mất mẹ ở Zimbabwe. Những kẻ săn bắt trộm đã giết mẹ chú để lấy sừng và để lại con vật bé bỏng không mẹ. Chú tê giác nhỏ bé này hiện đã có gia đình mới, nơi nó được chăm sóc rất tốt và được yêu thương. Mọi người đối xử với chú như một thành viên chính thức trong gia đình. Chú tê giác hạnh phúc với gia đình mới, nhưng nỗi nhớ mẹ có lẽ vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng chú. Chắc hẳn sự cô đơn trong sâu thẳm và nỗi đau mất mẹ sẽ là điều đi theo chú cho đến hết cả cuộc đời.

Không phải tất cả những chú tê giác con đều may mắn có được một gia đình mới

Vô số tê giác con lớn lên thiếu vắng mẹ. Ở Nam Phi, chỉ riêng trong năm 2013, chưa đầy 8 tiếng lại có một chú tê giác ngã xuống vì bị săn trộm, ước tính khoảng hơn 1004 cá thể một năm. Đây là năm tồi tệ nhất về nạn săn bắn tê giác trái phép ở quốc gia này.

Việc làm này đã đẩy loài tê giác đến bờ diệt vong và gây ra nỗi đau đớn, xót xa cho những con tê giác bị giết chết cũng như những chú tê giác nhỏ mồ côi mẹ. Sự tàn nhẫn mà con người gây ra với thiên nhiên đã để lại đau thương không thể nào bù đắp.

Có nhiều tổ chức được lập ra với mục đích đem lại cho những con tê giác bé nhỏ không có mẹ một tương lai

Những tổ chức như “Trại tê giác mồ côi” ở Nam Phi đang chăm sóc và nuôi dưỡng những con tê giác con mồ côi. Họ tạo ra một môi trường thích hợp cho những con tê giác con. Tuy nhiên, việc làm này mới chỉ dừng lại ở việc giải quyết hậu quả của nạn săn bắn tê giác. Những việc chúng ta cần làm chắc chắn còn nhiều hơn thế, để những chú tê giác bé bỏng không rơi vào hoàn cảnh mồ côi, phải chịu nỗi đau mất mẹ, để loài tê giác và muôn vàn loài động vật khác có môi trường sống an toàn, yên bình, để chúng có cơ hội được sống đúng với sứ mệnh và trách nhiệm của mình.

Con người cần tự nhiên, con người cũng phụ thuộc vào tự nhiên để sinh tồn. Bởi vậy, có trách nhiệm với thiên nhiên, với môi trường sống của mình, trân quý những gì thiên nhiên và tạo hóa ban tặng cũng chính là con người đang có trách nhiệm với chính mình, trân quý chính mình.

Xuân Dung – Tịnh Thủy

Video xem thêm: Ghi nhận nghiệp báo: Việc ác đền bù bởi cứu độ 2 sinh mạng

videoinfo__video3.dkn.tv||0d2459d6a__