Một con tê giác trắng ở Nam Phi đã bị giết chết để cướp sừng bất chấp việc phần lớn chiều dài sừng đã bị loại bỏ như một biện pháp phòng ngừa an toàn.

Cái xác bị cắt xén của tê giác Bella 20 tuổi được tìm thấy tuần trước tại Công viên trò chơi Kragga Kamma, Nam Phi, nơi nó sống với một con non tên Tank mới chỉ 16 tháng tuổi. Thật đáng thương khi người ta tìm thấy Tank đang đi lang thang quanh xác mẹ. Iflscience hôm 3/7 đưa tin.

Tê giác là mục tiêu của các thợ săn Nam Phi cho mục đích lấy sừng bán kiếm lời (Ảnh: mnn)

Sừng của Bella và hầu hết những con tê giác khác trong công viên đã bị bỏ chỉ một tuần trước đó như một biện pháp phòng ngừa chống lại những kẻ săn trộm hung hăng ở Nam Phi.

“Chúng tôi biết rằng nguyên nhân cái chết của nó là vì sao …” Kragga Kamma cho biết trong một bài đăng trên Facebook. “[Nhưng] nó vượt ra ngoài sức tưởng tượng của chúng ta khi nó bị giết chỉ vì 1cm sừng …”

Nam Phi là nơi sinh sống của 80% tê giác trên thế giới nhưng liên tục phải đối phó với nạn săn trộm bất hợp pháp do nhu cầu cao về sừng tê giác ở châu Á. Một kg sừng tê giác trên thị trường chợ đen có thể lên tới 75.000 đô-la -cao hơn nhiều so với cocaine hoặc vàng.

Một thợ săn trộm khoe chiến tích (Ảnh: International Wildlife Bond)

Sừng tê giác không phải là ngà hoặc xương; chúng được làm bằng keratin – giống như thứ tạo lên móng tay. Sừng tê giác phát triển với tốc độ khoảng 10 cm một năm, đó là lý do tại sao nhiều trung tâm bảo tồn cắt bỏ sừng tê giác theo một phương pháp không đau đớn mỗi năm để giúp chúng tránh khỏi ánh mắt của những tay thợ săn.

Đáng buồn thay, phương pháp này là không đủ để ngăn chặn những kẻ săn trộm. Số lượng tê giác bị sát hại liên tục tăng lên theo cấp số nhân trong thập kỷ qua, từ 13 con trong năm 2007 lên hơn 1.000 con trong năm 2017.

Tê giác Bella bị bắn hạ chỉ vì 1cm sừng (Ảnh: Iflscience)

Cathy Dean, giám đốc điều hành của Save the Rhino cho biết: “Bạn cần đầy đủ các biện pháp an ninh, tuần tra ngày đêm, các bài tuyên truyền, giám sát trên không và mạng lưới thông tin”. “Ngay cả khi đầy đủ những điều kiện trên, một khi nhu cầu về sừng tê vẫn còn, cuộc sống của loài tê giác vẫn đứng trước nguy cơ to lớn.”

Tê giác trắng là tê giác duy nhất không bị đe dọa (mặc dù chúng được liệt kê là gần như bị đe dọa trong danh sách Đỏ IUCN) với khoảng 20.000 con tê giác trắng phương nam được cho là còn sống. Tuy nhiên, họ đã bị săn đuổi đến gần tuyệt chủng vào đầu thế kỷ 20, và phải nhờ vào các chương trình bảo tồn chuyên dụng bắt đầu vào những năm 1950 mà chúng ta mới có được quần thể như ngày hôm nay. Đáng tiếc, những nỗ lực này có thể sớm thành mây khói một khi tình trạng săn bắt vẫn tiếp tục mở rộng như chúng ta đang thấy.

Tê giác vẫn gục ngã bất chấp các nỗ lực bảo tồn (Ảnh: Skinny Moose)

Mỗi loài sinh vật tồn tại đều có ý nghĩa và sự liên quan với nhau nhất định trong chuỗi mắt xích sự sống, sự tồn tại của loài này có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các loài khác. Khởi sinh nguyên thủy của Trái đất vốn vẹn tròn và đủ đầy, nhưng khi đạo đức nhân loại dần trượt dốc, con người đều đang trong vô minh mà tạo nghiệp. Chỉ vì chút lợi nhỏ trước mắt mà dám phá hủy thiên nhiên, phá vỡ cội nguồn nâng đỡ sự sinh tồn. Nói con người thông minh, nhưng thực ra, cái “thông minh” ấy lại đang tự hủy hoại chính mình.

Hoài Anh