Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa khép lại. Tất cả mọi người đều đang hướng về các sĩ tử tham dự kỳ thi quan trọng nhất, áp lực nhất mỗi khi mùa hè đến. Cũng như những năm trước, kỳ thi năm nay đã lưu lại rất nhiều hình ảnh đẹp và xúc động.

Chuyện người cha già bên chiếc xe lăn chờ con trai thi THPT Quốc Gia

Khi tiếng trống tại điểm thi trường THCS Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vang lên báo hiệu kết thúc một ngày trong kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời đi học của mỗi người, các thí sinh lũ lượt ùa ra cổng trường với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng phải đến khi sân trường không còn ai, bóng dáng em Đặng Văn Hanh (SN 1997, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mới bắt đầu xuất hiện.

Hanh bị bại liệt, phải di chuyển bằng xe lăn

Một vài bạn sinh viên tình nguyện bước lên tầng 5 của khu nhà chính. Họ cõng Hanh sau lưng, đưa em băng qua những bậc thang để xuống sân trường. Ở đó, chú Kiểm, bố em đứng đợi sẵn với chiếc xe lăn tự động. Hanh là con trai út của chú Kiểm, em không may bị liệt bẩm sinh, không thể tự di chuyển được.

Trong gia đình có 8 anh chị em, Hanh là người duy nhất có dấu hiệu bất thường. Khi em chào đời, bố mẹ chưa phát hiện ra bệnh, lớn lên một chút, thấy cơ thể con bắt đầu bị liệt nửa người bên phải, cả bàn tay phải cũng không hoạt động được, vợ chồng chú Kiểm vội đưa con chạy chữa khắp nơi, cầu cứu đến cả bác sĩ nước ngoài nhưng đều chỉ nhận về những cái lắc đầu đầy đau đớn. Hanh khi đó mới là một đứa bé, và cha mẹ em đành xác định con trai mình sẽ phải sống chung với bệnh tật suốt đời.

Khuôn mặt khắc khổ của người cha…

12 năm đến trường, chú Kiểm chính là “đôi chân” thứ 2 của Hanh. Ngày nắng hay ngày mưa, 2 cha con lại cùng nhau đi học. Mười mấy năm trời trên chiếc xe đạp cà tàng, Hanh ngồi phía sau dùng bàn tay trái bám thật chặt lấy vạt áo của cha. Đến trường, cha lại cõng con lên tận lớp học. Cứ đằng đẵng như thế cho mãi đến năm 2014, chú Kiểm mới góp đủ tiền mua cho con trai chiếc xe lăn.

Trên hành trình gian truân ấy, Hanh chưa bao giờ từng cô độc…

Dù bị liệt bẩm sinh nhưng điều đó chẳng thể ngăn nổi giấc mơ thi đỗ ngành Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội để sau này trở thành một lập trình viên của Hanh. 12 năm đi học, em đều là học sinh giỏi, trở thành niềm tự hào của gia đình và thầy cô. Dường như, những thử thách cuộc đời chẳng thể nào làm gục ngã trái tim bền bỉ, kiên định của cậu bé 21 tuổi mà chỉ khiến cho em càng thêm mạnh mẽ và trưởng thành; cũng bởi trên hành trình gian truân ấy, Hanh chưa bao giờ từng cô độc…

Chuyện cô giáo 10 năm đứng chờ các con đi thi

Từng là giáo viên dạy Ngữ Văn tại mọt trường THPT ở Tiềng Giang và giờ là quản lý một trường tư thục ở Sài Gòn, hơn 10 năm qua, cô Phạm Kim Hoàng (67 tuổi) luôn đứng trông ngóng học sinh của mình đi thi với niềm âu lo chẳng khác gì các vị phụ huynh xung quanh. Giữa đám đông những ông bố bà mẹ đang lo lắng bồn chồn, cô Hoàng giản dị với đôi dép lê chân chất và chiếc cặp đen lộ ra một cái ô che nắng che mưa liên tục đi lại và ngóng vào trong trường thi. Ai cũng nghĩ cô là một người mẹ hoặc một người bà đang chờ con, chờ cháu, bởi lần đầu chờ thi, phụ huynh bao giờ cũng thấp thỏm bất an thế cả!

Giữa đám đông những ông bố bà mẹ đang lo lắng bồn chồn, cô Hoàng giản dị với đôi dép lê chân chất liên tục đi lại và ngóng vào trong trường thi.

Cổng trường mở, từng tốp học sinh ùa ra, chạy về phía cha mẹ các em. Tuy nhiên, không chỉ 1 mà 2 rồi rất nhiều sĩ tử hồ hởi chạy lại phía người phụ nữ kia. Cứ thấy sĩ tử chào mình, cô lại vẫy tay chào và nở nụ cười rạng rỡ. 

Cô Hoàng luôn vẫy tay chào và nở nụ cười rạng rỡ đón các “con” của mình.

Được biết, cô Hoàng không lập gia đình nên dành gần như cả cuộc đời của mình để gắn bó với học sinh, với những mái trường và với nghiệp “trồng người”. Hơn 10 năm nay, năm nào cô cũng ở cổng trường mỗi mùa thi để chờ học trò của mình, dù có bận trăm công nghìn việc. Với cô, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng là niềm tự hào. Và cứ thế, mỗi năm, các thế hệ học trò lại an tâm và vững tin hơn khi mỗi giờ thi, luôn có bóng dáng của một người thầy, người mẹ, người bà tận tâm dang rộng vòng tay chờ đón các em.

***

Đứng trước một kỳ thi quan trọng, những bậc cha mẹ, những người thầy cô, những bạn sinh viên tình nguyện, và cả những cảnh sát giao thông, ai cũng muốn dành cho các sĩ tử những yêu thương ấm áp và quan tâm ân cần nhất. Có lẽ các em thí sinh không phải là người duy nhất hồi hộp mà những người xung quanh cũng cảm thấy đứng ngồi không yên. Dù có thể những lo lắng ấy chẳng để làm gì và kết quả với họ cũng không phải là điều quan trọng nhất, nhưng trái tim vẫn luôn có những lý lẽ mà lý trí chẳng thể hiểu được…

“Bút thước miễn phí, cần có thể lấy. Chúc các em thi tốt ” Những chú cảnh sát dễ thương, tốt bụng nhất năm. (ảnh: yan)
Thí sinh bị bệnh xương thủy tinh không đi được nên được các tình nguyện viên cõng lên phòng thi (Ảnh: tienphong)
Che dù cho thí sinh lúc mưa…(Ảnh: tienphong)
Các tình nguyện tranh thủ chợp mắt trong lúc chờ thí sinh dự thi, chắc bạn ấy đã rất mệt (Ảnh: tienphong)
Lời chúc dành cho các sĩ tử (Ảnh: tienphong)

Ảnh: kênh14

Thiện Nam