Chủ đề “thầy cô giáo có được phạt học sinh hay không?” gần đây được bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn, ủng hộ có, phản đối có. Phản ứng của xã hội khiến nhiều thầy cô giáo không dám lên tiếng trước những hành vi lệch chuẩn về văn hoá của học sinh, thậm chí bỏ mặc để đỡ phiền hà. Xuất phát từ mong muốn bảo vệ giá trị chân chính của người thầy theo truyền thống “Tôn sư trọng đạo” Việt Nam, người viết xin chia sẻ một vài suy nghĩ.

1. Thầy cô giáo bất lực trước những hành vi không chuẩn mực của học sinh

Chuyện về mối quan hệ thầy – trò được các phương tiện truyền thông đưa tin muôn hình vạn trạng. Có những sự việc đáng tiếc xảy ra, phá vỡ sự tôn nghiêm của đạo thầy trò, nói nặng hơn một chút là “vô đạo”. Xin kể lại một sự việc gây xôn xao xã hội gần đây.

Báo Dân Việt, ngày 03/5/2021 đưa tin, thầy giáo H của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đánh học sinh. Chuyện xảy ra trong giờ sinh hoạt lớp chiều ngày 29/4, do nóng giận vì nhắc nhở nhiều lần nhưng học trò vẫn vi phạm Luật An toàn giao thông, không chấp hành nội quy, quy định của trường (không mặc áo đồng phục), thầy giáo Khúc Xuân H., giáo viên chủ nhiệm lớp 10A3, đã đánh mắng học sinh; sự việc được học sinh dùng điện thoại ghi lại và công bố trên mạng xã hội, khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ với lời nói và hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, thầy H. nhận sai và giải thích hành động của mình “chỉ muốn tốt cho các em”. Sự việc này gây tổn thương nặng nề về tâm lý cho thầy giáo và học sinh, chắc chắn sau sự việc thầy H. sẽ không còn nhiệt huyết để nhắc nhở học sinh khi phát hiện vi phạm nội quy. Đây chỉ là một ví dụ về mối quan hệ lệch chuẩn của thầy trò trong giáo dục. 

Câu chuyện này đặt ra một vấn đề: nếu ủng hộ cách làm của thầy giáo H thì thừa nhận thầy đánh học sinh là đúng, nhưng bảo thầy giáo H sai thì vô hình trung ủng hộ cho các trào lưu, xu hướng không thực hiện nội quy của nhà trường và xã hội. Đặc biệt trước những học sinh hư, học sinh cá biệt thì thầy cô “đành chịu, mặc kệ”, khiến cho môi trường sư phạm bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến những học sinh ngoan. 

‏ Hiện nay, quan điểm bảo vệ quyền của trẻ em ngày càng thịnh hành, biến các em thành “bất khả xâm phạm”, người lớn thấy hành vi sai trái không dám nhắc nhở vì sợ liên lụy, không cẩn thận là vi phạm pháp luật, dẫn đến tâm lý mặc kệ “nước chảy bèo trôi”, không quản chuyện “bao đồng”, miễn sao yên thân là được. Nhà trường cảm thấy bất lực trước những học sinh cá biệt, nếu xử lý không cẩn thận sẽ chuốc phiền phức. Quyền trẻ em áp dụng một cách tuyệt đối sẽ dẫn xã hội sang một trạng thái cực đoan; dù các em có sai, có lỗi, giáo viên cũng rất khó dạy, rất khó phạt. Điều này đồng nghĩa với chúng ta đang ngầm nuôi dưỡng cái xấu trong môi trường giáo dục, như một loại “vi khuẩn” ký sinh không có cách diệt trừ, hậu quả lâu dài là gia đình phải gánh chịu.

Trước tình thế thấy sai không dám nói vì sợ liên luỵ, chúng ta phải đứng ở cơ sở nào để bảo vệ sự thuần tịnh của môi trường giáo dục, giữ gìn sự tôn nghiêm của đạo thầy trò? Người viết xin chia sẻ cách nhìn của Nho giáo về việc thầy có nên dùng hình phạt với trò hay không.

2. Quan điểm của Nho giáo về giáo dục và hình phạt

Nói về mục đích của giáo dục, dòng đầu tiên trong sách Đại học, một trong bốn kinh điển nền tảng của Nho giáo (gọi là Tứ thư gồm: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử) ghi thế này: 

“Đạo học lớn cốt để biết phát huy đức sáng, đức tốt đẹp của con người, đổi mới khiến lòng dân bỏ cũ theo mới, bỏ ác theo thiện, khiến mọi người đạt đến mức độ đạo đức hoàn thiện nhất”.

Đoạn này nêu rõ mục đích của giáo dục là “khiến mọi người đạt đến mức độ đạo đức hoàn thiện nhất”. Khi mục đích của giáo dục đã được xác lập rõ ràng, bước tiếp theo là phải thiết lập môi trường giáo dục. Môi trường giáo dục (không tính yếu tố vật chất) có ba yếu tố cơ bản: Cha mẹ, thầy (cô) giáo và học trò. Khi ba yếu tố cơ bản này đã thống nhất cùng một mục tiêu “khiến người học bỏ ác theo thiện”, điều cần quan tâm tiếp theo là nội dung dạy học như thế nào? Nội dung dạy học cần xoay quanh tiêu chuẩn thiện – ác, tốt – xấu, thông qua các tấm gương lịch sử mà giúp người học thấy được chân lý và “bỏ tối, theo sáng”. 

Khi cha mẹ, học sinh, thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục thấy nội dung dạy học xa rời mục tiêu ban đầu, họ đều có thể nêu ý kiến của mình để loại bỏ đi những nội dung không tốt, thay bằng những nội dung tốt. Thầy giáo, cha mẹ và học sinh khi đối chiếu với tiêu chuẩn đạo đức sẽ tự tìm thấy điều không đúng của mình, từ đó tự hoàn thiện mình rồi đến người khác.

Đến đây, chúng ta có thể lý giải tại sao ngày xưa các thầy đồ thường rất nghiêm khắc với học trò, vì điều họ thấu triệt và duy hộ là cái lý thông suốt của giáo dục – “khiến người học bỏ cũ theo mới, bỏ ác theo thiện, đạt đến mức độ đạo đức hoàn thiện nhất”. Dẫu giáo dục bằng ngôn ngữ, hay ban hành và duy trì quy chế quy định của nhà trường, và cao hơn nữa là các hình phạt, đều thống nhất một mục tiêu là ngăn chặn và loại bỏ đi những hành vi bất thiện của người học, giữ cho môi trường giáo dục được tôn nghiêm và thuần tịnh. 

Nếu đứng trên cơ sở này để lý giải thì nhiều tình huống xử lý “mạnh tay” của các thầy cô giáo, nhưng không vì động cơ của cá nhân mà là vì nhà trường, vì học sinh, thì có thể thông cảm được, không nên quan trọng vấn đề quá mức.

3. Bảo vệ sự tôn nghiêm của người thầy chân chính, loại bỏ những người thầy sử dụng hình phạt vì mục đích cá nhân

Nói về vai trò của hình phạt, xin dẫn lời của cụ Phan Huy Chú – một học giả nổi tiếng của Việt Nam: “Phàm việc gì có lợi, dễ sinh ra tranh cướp nhau cần phải phân biệt phải trái, phải nêu rõ lệnh cấm, để trừng trị những kẻ không thể dạy bảo được, thì muôn dân mới được yên”. Điều đó khẳng định, hình phạt có sự thống nhất từ xã hội đến môi trường giáo dục, vì cái xấu nhỏ không ngăn chặn thì sẽ phát triển thành cái xấu lớn, mục đích của hình phạt là để loại bỏ cái xấu chứ không phải nhằm vào con người. Vấn đề là sử dụng như thế nào, đối với ai, khi nào và cách thức thực hiện.

Người thầy nếu thấy học trò hư mà không có biện pháp xử lý thì chưa làm đúng phận sự của người thầy. Ví như: cảnh sát thấy kẻ trộm có thể bắt về quy án nhưng lại bỏ mặc, là người dân bạn có thể chấp nhận viên cảnh sát này không? Đương nhiên không chấp nhận vì họ không làm tốt chức trách nhiệm vụ. Tương tự: nếu học sinh lười học, quay cóp bài, thường xuyên nói tục, chửi bậy, vô lễ với thầy cô, v.v. thầy giáo có được phép làm ngơ không? Là cha mẹ học sinh, bạn có chấp nhận sự “làm ngơ” của thầy giáo không? Ngoài trách nhiệm truyền đạt tri thức, người thầy còn phải duy trì sự tôn nghiêm của môi trường giáo dục, kỷ luật học sinh vi phạm là đúng, phải được cộng đồng xã hội ủng hộ. 

Vấn đề chúng ta cần nhận diện là những người thầy thiếu đạo đức, sử dụng hình phạt để thỏa mãn những bực tức, bức xúc cá nhân, có thành kiến với cá nhân học trò, luôn tìm những lỗi nhỏ để bắt lỗi để gây khó dễ, dùng lời lẽ vô văn hóa nhục mạ, hoặc dùng những biện pháp hà khắc gây tổn thương tâm lý nặng cho học sinh. Những người giáo viên như thế này cần bị xã hội lên án, loại ra khỏi nhà trường, để môi trường giáo dục được thuần tịnh.

***

Những tháng hè oi ả, nóng bức đi qua, nhường chỗ cho mùa thu rực rỡ nắng vàng với những làn gió nhẹ nhàng, mát dịu. Dưới bầu trời xanh ngắt, khắp các nẻo đường tấp nập học sinh đến trường, khoác trên mình những bộ quần áo mới. Trẻ em là tương lai của gia đình và xã hội, tương lai tốt hay xấu trông cậy vào giáo dục. Xin kính chúc mỗi gia đình đều nuôi dạy được những người con hiếu thảo, biết kính yêu cha mẹ, người thân và lễ phép với thầy cô, sống thành tín với bạn bè!

Tĩnh Văn