Từ những màu sắc sặc sỡ trên những bức tranh Phad tươi sáng, người ta có thể thấy cả một quá khứ huy hoàng từng tồn tại qua hàng ngàn năm cùng với sự phát triển của nền văn minh sông Ấn.

Câu chuyện thần thoại về các vị Thần qua tranh vẽ

Ấn Độ là một quốc gia có nền di sản văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú, được thể hiện thông qua rất nhiều loại hình nghệ thuật. Nghệ thuật Phad là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian tinh tế, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, có nguồn gốc từ tiểu bang Rajasthan lớn nhất Ấn Độ và đã được truyền lại qua các thời đại cho đến bây giờ.

Nghệ thuật vẽ tranh Phad sử dụng những gam màu gốc rực rỡ vẽ nên những câu chuyện sống động, để rồi thông qua đó làm sống dậy vẻ đẹp quá khứ huy hoàng của Ấn Độ.

‘Phad’ được dịch ra là ‘gấp lại’ và ‘đọc’, nó còn có một nghĩa khác là “các con chiên”. Phad là một loại tranh vẽ kể những câu chuyện sử thi về những vị Thần dân gian như Thần Pabuji của Ấn Độ cổ.

Từ đó, có thể hiểu được nghệ thuật vẽ tranh Phad chính là cách mà những tín đồ lưu giữ những câu chuyện về các vị Thần của họ và dùng tranh vẽ để lưu truyền cho hậu nhân.

Phad trong cuộc sống hiện đại

Ngày nay, nó được biết đến như là một loại tranh vẽ du lịch được sử dụng làm nền cho một buổi tối vui chơi giải trí, thưởng thức khoảnh khắc say sưa trong âm nhạc, múa hát và những câu chuyện kể của những người dân làng hạnh phúc.

Khi mặt trời lặn, đó là lúc những câu chuyện bằng tranh được vẽ trên một cuộn giấy với các thiết kế phức tạp và các nhân vật đối mặt nhau được mang ra kể cho mọi người. Bầu trời đêm đầy sao càng làm cho những câu chuyện thần thoại trở nên sống động hơn. Việc kể chuyện được thực hiện bởi một cặp ca sĩ linh mục được gọi là Bhopa và Bhopi, thường là vị linh mục và vợ của ông.

Bắt đầu với việc người ca sĩ Bhopa làm sạch sân khấu biểu diễn bằng cách rước nước lên sàn và dùng một màu vàng chạm lên đó để làm dấu thánh. Sau đó, đặt một ngọn đèn soi sáng trên một tấm kim loại (gọi là thaal) trước bức tranh Phad. Những ca sĩ linh mục này hát và múa suốt đêm, diễn xuất những màn rất sống động. Sau khi diễn xong những màn cuối cùng, bức tranh Phad được cuộn lại.

Một nét văn hóa không thể mất

Những bí quyết và kỹ thuật của hình thức nghệ thuật lâu đời này ban đầu chỉ được truyền giới hạn ở những gia đình Joshi (giai cấp Bà La Môn của Ấn Độ cổ). Tuy nhiên theo thời gian, một trong những thành viên của gia đình, cụ thể là ông Nand Kishor Joshi cảm thấy cần phải thiết lập một học viện để đào tạo nhiều nghệ sĩ về loại hình nghệ thuật này. Con trai của ông là Prakash Joshi và Mukul Joshi cũng đã tích cực cống hiến và giúp phát triển một cách đầy sáng tạo.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Đài Truyền Hình NTD Ấn Độ, nghệ sĩ Phad nhận được giải thưởng quốc gia, ông Prakash Joshi đã nói: “Khi còn bé mỗi khi đi học về, tôi thường xem cha mình vẽ tranh. Vì thế, hoạt động về nghệ thuật truyền thống đã ăn sâu vào con người tôi. Trong khi các bạn cùng lứa thích vui chơi, tôi lại có hứng thú với những bức tranh. Tôi thường cẩn thận quan sát mỗi nét vẽ của cha tôi và từ từ học hỏi từ đó”.

“Những bức tranh Phad thường được vẽ dựa trên những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết từ nền văn hóa phong phú của Ấn Độ. Nhưng trong thời gian gần đây, rất nhiều câu chuyện và các kiểu mẫu khác đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Joshi nói: “Tôi thực sự đọc rất nhiều sách và rồi tạo ra các tác phẩm từ đó. Với một số người không phải đến từ bang Rajasthan sẽ không thực sự hiểu những câu chuyện về những huyền thoại bản xứ, vì vậy tôi cố gắng tạo ra kiểu mẫu khác nhau như là đám rước ngày cưới và nhiều hơn nữa để mọi người có thể hiểu được các tác phẩm”.

Cách vẽ tranh Phad

Mỗi cuộn giấy vẽ Phad cần khoảng 25-30 ngày để chế tạo. Thời gian quy định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, thiết kế, chủ đề và các thành phần của bức tranh. Cả quá trình phức tạp khi tạo các ‘bức tranh kể chuyện’ này đầu tiên bắt đầu từ việc làm tấm vải vẽ hoàn hảo.

Các nghệ sĩ nấu bột mì hoặc gạo trong nước cho đến khi nó biến thành một lớp hồ dày. Lớp hồ này kết hợp với chất keo rồi được bôi lên mảnh vải được dệt thủ công. Sau đó tấm vải này được căng ra và phơi khô dưới ánh sáng mặt trời chói chang. Để tấm vải có thể phù hợp cho việc vẽ tranh, một thiết bị bằng đá được dùng để mài vải, khiến cho bề mặt tấm vải trở nên mịn màng và sáng bóng.

Để chuẩn bị những màu sắc phù hợp cho tranh vẽ, các nghệ sĩ đã tạo màu từ chất keo, màu sắc từ đất bột và bột chàm. Một hòn đá mài được sử dụng để pha trộn màu sắc với chất keo và nước. Việc sử dụng màu đất được biết đến như là cách để tạo ra hiệu ứng tempera (một phương pháp vẽ với các sắc tố được phân tán trong hỗn hợp sơn nước). Các chất màu lấy từ cây chàm được sử dụng cho màu xanh dương và màu vỏ sò và được sử dụng để giữ màu sắc lâu phai.

Khi bản phác thảo đã sẵn sàng, các nghệ sĩ bắt đầu sử dụng những màu sắc theo từng lớp màu từ nhạt đến đậm dần. Các họa sĩ sử dụng các đường viền màu đen tinh tế cho những nét vẽ cuối cùng. Sau cùng, vào một ngày đẹp trời, bức tranh Phad được hoàn thành và hiện lên với đầy màu sắc sống động .

Nghệ sĩ Prakash Joshi cho biết: “Chúng tôi giới thiệu những câu chuyện huyền thoại về quá khứ thông qua những bức tranh của chúng tôi. Hình thức nghệ thuật là do nghệ sĩ chúng tôi sáng tạo nhưng đề tài của những tác phẩm này chắc chắn là từ nền văn hóa phong phú của Ấn Độ”.

Nền nghệ thuật truyền thống da dạng và phong phú này giữ một vị trí rất đặc biệt trong trái tim của mỗi gia đình Joshi, nhưng được biết rằng hiện chỉ có khoảng gần 15 nghệ sĩ Phad chuyên nghiệp trên thế giới. Vì thế, để làm sống lại truyền thống lâu đời này, nghệ sĩ Prakash Joshi đã đi khắp nơi trên thế giới và đào tạo các học viên, để mang đến cho họ một chút ý tưởng về nền di sản văn hóa phong phú của Ấn Độ.

Nghệ sĩ Prakash Joshi cũng nói thêm: “Tôi chỉ hy vọng rằng các học viên có thể đến học và thông qua đó có được nỗ lực để hiểu nền văn hóa của chúng tôi. Và, hy vọng của tôi là chúng ta có thể cố gắng để hình thức nghệ thuật này không bị mai một đi”.

Mỗi một bức vẽ được tô vẽ bằng nét đẹp của văn hóa và truyền thống, sẽ được lưu truyền mãi cho đến muôn đời.

Một nền văn minh được xây dựng dựa trên những giá trị về kiến thức, khái niệm và chế độ của nó. Nền văn minh Ấn Độ đã được biết đến như là cái nôi của nền văn mình nhân loại và một lần nữa quay lại tìm kiếm sự tự nhận thức và sự hiểu biết về vũ trụ. Không cần phải nói, từ sau từ thời cổ đại thì đây cũng là nơi mà nhân loại đã để những gì tốt đẹp nhất lại phía sau. “Những điều bí ẩn về Ấn Độ” vượt ngoài sự hiểu biết của chúng ta về Ấn Độ cổ đại, về một Ấn Độ thực sự trong các lĩnh vực nghệ thuật cổ đại, kiến trúc, hệ thống kiến thức, hệ thống giá trị cộng đồng của mình. Đây là một hành trình lịch sử vẻ vang của Ấn Độ và của những con người đầy vinh quang trong những niên đại đã qua.

Nghệ thuật vẽ trang Phad nói lên niềm tự hào của người Ấn Độ về một nền văn hóa phong phú mang đầy bản sắc dân tộc, về sự tín ngưỡng đầy thiêng liêng vào các vị Thần. Vẽ trang Phad không chỉ là một hình thức nghệ thuật của người Ấn Độ, mà nó còn phản ánh niềm tin sâu sắc vào các Đấng Tối Cao, và là cách giữ gìn những nét đẹp, giá trị cốt lõi của dân tộc Ấn Độ, cũng như của nhân loại.

Ảnh dẫn qua NTDin.tv

Quỳnh Như