“Có những người mà sự tồn tại của họ giống như không khí, êm dịu, nhẹ nhàng, chỉ khi họ mất đi người ta mới nhận ra họ quan trọng nhường nào. Mình muốn trở thành một sự tồn tại như thế”…

Khi viết những dòng trên, có lẽ Kito Aya không thể ngờ rằng cô sẽ trở thành bất tử. Và cho đến nhiều chục năm sau, người ta vẫn nhắc đến Aya như một tấm gương về niềm tin và nghị lực sống phi thường.

Bức ảnh Kito Aya được in trong cuốn nhật ký "Một lít nước mắt" của cô (Ảnh: Internet)
Nụ cười sống mãi của Kito Aya – Bức ảnh được in trong cuốn nhật ký “Một lít nước mắt” (Ảnh: Internet)

Kito Aya sinh năm 1962 tại Toyohashi, Nhật Bản. Ở tuổi 15, cô mắc một căn bệnh nan y tên là thoái hóa dây sống tiểu não. Căn bệnh khiến Aya dần dần mất đi khả năng vận động, cho tới khi cơ thể cô bị liệt hoàn toàn.

Thể trạng yếu ớt đã ngăn trở Aya khỏi tất cả mọi ước mơ, dự định. Nhưng với một sức sống mãnh liệt và niềm tin vào tương lai, cô luôn cố gắng sống tốt từng ngày từng giờ, can đảm vượt qua thái độ kỳ thị và ánh mắt soi mói của những người xung quanh. Ngày ngày, Aya vẫn kiên trì viết nhật ký cho tới khi cô không còn cầm bút được nữa. Cuốn sách, đúng như tên gọi của nó “Một lít nước mắt”, đã làm rung động trái tim của hàng triệu độc giả. Nhưng đằng sau những trang sách thấm đẫm nước mắt ấy còn là bài học cho mỗi chúng ta.

(Ảnh: hoadoi.com)
Cuốn nhật ký Một lít nước mắt của Kito Aya (Ảnh: hoadoi.com)

1. Hãy sống hết mình và biết yêu cả những điều giản dị

Đọc nhật ký của Aya, chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng khi thấy cuộc sống thật đẹp, và đẹp ngay cả trong những điều nhỏ nhặt nhất. Đó là được bước đi trên phố, được “chạy như điên” giữa các hành lang lớp học, hay được vào hiệu sách và chọn một cuốn mình yêu thích,… tất cả đều là niềm hạnh phúc vô bờ.

Ai đó có thể mỉm cười trước lời kể hồn nhiên của Aya khi cô viết: ”Một chú ruồi lớn bay đến đập vào cửa sổ. Thông thường là nên giết nó, nhưng khi nghĩ đến chuyện sang mùa hạ nó sẽ sinh ra rất nhiều ruồi con, mình cảm nhận được “sinh mạng” quan trọng đến nhường nào, mình không nỡ giết nó“; hay khi cô chuyện trò với chiếc xe lăn: “Chắc tao nặng lắm à, xin lỗi mày, cố giúp tao mày nhé!” . Với Aya, cơ thể tật nguyền không thể ngăn cô sống trọn vẹn cho tới những giây phút cuối cùng.

Aya khi ở trường khuyết tật (Ảnh: Internet)
Aya khi ở trường khuyết tật (Ảnh: Internet)

2. Đừng bao giờ mất hy vọng và niềm tin

Có lẽ điểm sáng nhất trong cuốn nhật ký của Aya là tình yêu cuộc sống. Đó là khi cô tự nhủ với bản thân rằng “Hãy sống! Mình muốn hít thở thật sâu dưới bầu trời xanh.” Ngay cả trong những thời điểm bi đát nhất của cuộc đời, cô vẫn nhìn thấy ánh sáng nơi cuối đường: “Một lúc nào đó, ánh sáng sẽ lại lấp lánh chiếu rọi, những hàng cây sẽ lại đâm chồi. Hãy hi vọng, hãy hướng tới tương lai…”

Nếu bệnh tật có thể cướp đi thể trạng của Aya thì chính niềm tin đã cho cô sức sống:  “Mình tin vào sự tồn tại của Chúa. Khi nghĩ rằng Chúa vì muốn thử thách mình nên mới bắt mình chịu những khổ ải này, mình thấy vững lòng hơn. Mình muốn giữ mãi tâm trạng này.“

Hơn lúc nào hết, chính niềm tin đã cho Aya sức mạnh. Sức mạnh đứng dậy sau khi ngã:

“Vấp ngã ư? Chẳng vấn đề.

Dù thế nào ta vẫn có thể đứng lên.

Lúc vấp ngã hãy ngước lên nhìn trời kia.

Bầu trời xanh bao la ngút ngàn tầm mắt.

Có thấy nó đang mỉm cười với bạn không?

Bạn đang còn sống.”

Sức mạnh vượt qua cái nhìn kỳ thị của những người xung quanh: “Dẫu là hôm nay, ngày mai hay mãi về sau, ngày nào cũng sẽ phải đối mặt với sự tủi thẹn và đau đớn, nhưng mình chưa bao giờ lẩn tránh.”

Và sức mạnh để vượt lên chính mình: “Trên bầu trời xanh ấy, những đám mây trắng bồng bềnh trôi thật đẹp. Phải rồi, từ giờ trở đi, hễ khi nào cảm thấy bế tắc, mình sẽ ngước lên nhìn trời. “Tôi sẽ ngẩng đầu nhìn trời cao mà bước đi, nước mắt sẽ vì thế mà không tuôn rơi.”

3. Có một sức mạnh tên là “yêu thương”

Đồng hành cùng Aya trong cuộc chiến với bệnh tật là một người mẹ tuyệt vời. Chính mẹ đã phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của Aya và đưa cô đi khắp nơi để chữa bệnh. Bà cũng là người ở bên động viên, an ủi, và tiếp thêm nghị lực cho Aya: “Chừng nào mẹ còn ở bên cạnh và bênh vực cho mình, mình sẽ không bỏ cuộc. Ông trời ơi, con sẽ nghe lời mẹ hết mực. Con cảm nhận được tình yêu qua những hành động của mẹ. Con sẽ trở thành một người có ích hơn và mạnh mẽ hơn…”

Aya và mẹ. Trong những ngày cuối đời, Aya không thể viết hay nói được. Cách duy nhất giúp cô giao tiếp là chỉ vào từng chữ trên bảng chữ cái để ghép thành lời (Ảnh: Internet)
Aya và mẹ. Trong những ngày cuối đời, Aya không thể viết hay nói được. Cách duy nhất giúp cô giao tiếp là chỉ vào từng chữ trên bảng chữ cái để ghép thành lời (Ảnh: Internet)

Không chỉ có mẹ, Aya còn nhận được tình yêu và sự quan tâm từ bạn bè, thầy cô, và các bác sĩ trong bệnh viện. Khi cô bé phải vịn tay vào hành lang để lết đi từng bước khó nhọc, chỉ một lời động viên đã cho cô thêm ý chí: “Đúng vậy! Mình hiểu rồi! Phải quyết tâm! Đây là lời tuyên chiến vô song! Hãy vượt ngọn núi Niitaka!”

Và nếu như y học không thể chữa khỏi căn bệnh nan y của Aya thì chính tình yêu thương đã cho cô sức mạnh để vượt qua 10 năm đau khổ. Aya qua đời ở tuổi 25, quãng thời gian đủ ngắn để thấy đời người là hữu hạn, nhưng cũng đủ dài để một cái tên trở thành bất tử…

Một lít nước mắt không chỉ là nước mắt! Câu chuyện của Aya nhắc nhở chúng ta rằng, vì cuộc sống ngắn ngủi nên hãy trân trọng, vì sự sống hữu hạn nên hãy tận dụng từng phút từng giây, và vì đời người không phải là bất tận, nên hãy sống trọn vẹn mỗi ngày…

Hồng Liên

Xem thêm:

Từ Khóa: