Từ xưa đến nay, Hà Nội trong mắt mỗi người vẫn đẹp, cổ xưa và mơ màng. Không chỉ đi vào thơ ca, âm nhạc, Thủ đô còn trở thành nguồn cảm hứng văn chương cho nhiều người con yêu quê hương.
Hà Nội băm sáu phố phường
Hà Nội băm sáu phố phường là tập bút ký nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, chủ yếu nói về chuyện phố phường, đời sống người dân, đặc biệt hơn nữa là những thức quà chỉ riêng Thủ đô mới có.
Theo Thạch Lam: “Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải. Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu. Và dân ta cũng tự hào khi có Hà Nội”.
Qua ngòi bút của Thạch Lam, người đọc như được rong ruổi khắp con phố cổ kính, nếm thử những món quà vặt đầy kỷ niệm từ cốm, từ bánh đậu, bánh khảo đến kẹo lạc hay chén trà nóng nghi ngút khói trong đêm đông…
Với Hà Nội băm sáu phố phường, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm tới những người bán rong lam lũ. Để rồi ta chợt nhận ra đằng sau một Hà Nội phồn hoa vẫn còn đó những mảnh đời nhọc nhằn cơ cực đến thế.
Hà Nội trong sách của Thạch Lam đang có sự giao thoa văn hóa khiến ông lo lắng, hoài niệm: “Những cái tục lệ đẹp đẽ ấy nay mất dần đi. Sự sành ăn và cái thưởng thức của người nơi văn vật đã kém sắc sảo, ý nhị rồi chăng?”. Dù vậy, giọng văn của Thạch Lam vẫn nhẹ nhàng.
Hà Nội băm sáu phố phường giúp ta nhìn thấy cả vóc dáng và tâm hồn Hà Nội. Cuốn sách thể hiện trọn vẹn tấm lòng trân trọng của Thạch Lam đối với văn hoá và quá khứ của Thủ đô.
Đi xuyên Hà Nội
Nguyễn Ngọc Tiến là nhà văn có tình yêu mãnh liệt với Thủ đô. Từ trước đến nay, ông có nhiều bút ký về thành phố này như 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội và rồi đến Đi xuyên Hà Nội.
Không giống như tác phẩm trước, Đi xuyên Hà Nội đưa người đọc về không gian Hà thành cũ và cách người Tràng An xưa tạo nên những nét văn hoá trong mỗi thời kỳ lịch sử.
Qua Đi xuyên Hà Nội, ta được chứng kiến thêm Thủ đô ở nhiều góc cạnh: những bước hình thành nên thành phố kiểu phương Tây, thú chơi hay phong tục của thời trước, thăng trầm lịch sử, nỗi đau bom đạn chiến tranh…
Không ca tụng, không tránh né, tác giả viết về Hà Nội với những tâm tình sâu nặng và tạo nên một bức tranh đa sắc của thành phố.
Ở Hà Nội
Ở Hà Nội không phải câu chuyện triết lý sâu xa hay tiểu thuyết lãng mạn, đó đơn giản chỉ là tâm tư vụn vặt hàng ngày của một cô gái có tên Yuki.
Sách là ký ức về những chàng trai đi cùng Yuki suốt tháng năm tuổi trẻ. Đó là những kỷ niệm vui buồn, nỗi niềm chông chênh, có ngọt ngào và đắng cay. Trái tim cô gái Hà thành khẽ run lên vì “cậu ấy”, “anh ấy” với đầy những mẩu chuyện tình cảm của tuổi xuân.
Ở Hà Nội có độ dài vừa đủ, truyền tải nhiều điều bình dị, chắc hẳn sẽ giúp bạn làm mới tâm hồn trong mùa thu lãng mạn này.
Hẹn gặp anh ở Hà Nội!
Hẹn gặp anh ở Hà Nội! như một chén trà nóng cho những tâm hồn yêu Hà Nội, những người con đang ở xa và những mối tình in dấu tại nơi đây.
Cuốn sách được chia làm 3 phần: Phần một Này anh, hãy hỏi vì sao em yêu Hà Nội vớinhững mảnh ghép ký ức nhớ thương. Phần hai Chỉ là em đang nhớ Hà Nội có anh! chan chứa tâm sự nhớ nhung của những ai ở Thủ đô gửi tới người yêu đang cách xa. Phần ba Hẹn gặp anh ở Hà Nội! là những truyện ngắn gắn liền với lời hẹn ước gặp lại.
Qua từng trang sách, người đọc như được trải nghiệm các không gian, góc nhỏ quen thuộc của Hà Nội. Đó là kỷ niệm tuổi thơ trong căn hộ tập thể cũ; là những mảnh ghép của ký ức tuổi thơ êm đềm bên những ngõ nhỏ bình yên; là nỗi nhớ khi phải rời xa; là nơi ghi dấu kỷ niệm mối tình đầu, là nơi hẹn ngày trở lại…
(Tổng hợp)