Đối với những người thuộc thế hệ 8X, 9X, cửa hàng thuê truyện có lẽ là một phần kí ức đẹp đẽ nhất của tuổi thơ. Nhưng theo thời gian và sự phát triển của máy tính, điện thoại thông minh, những cửa hàng nhỏ ấy cứ mất dần, mất dần. Để rồi, đến hôm nay, những cửa hàng thuê truyện còn lại có đủ lý do để trở thành “bảo tàng” của tuổi thơ. Ở thành phố Cảng xinh đẹp vẫn còn một “bảo tàng” quý giá với tâm hồn ấy. 

Theo chân những phóng viên của Afamily, chúng ta có được cơ hội tới thăm một cửa hàng thuê truyện gần 20 năm tuổi. Cửa hàng nằm trong một con ngõ nhỏ, bình yên, trên tuyến đường Lạch Tray vốn ồn ào đông đúc. Cửa hàng nhỏ này là do vợ chồng ông Phú, bà Tiêu cùng nhau xây dựng vào năm 1999. Gần hai thập kỷ đã trôi qua, nhưng dường như mọi thứ trong 40m2 ấy không có nhiều thay đổi: Vẫn những hàng kệ chứa đầy những cuốn truyện tranh nổi tiếng một thời, vẫn những dòng chữ ngay ngắn dán khắp nơi và đang mờ dần theo năm tháng.

Bà chủ 83 tuổi của cửa hàng thuê truyện hiếm hoi còn lại nơi đất Cảng.

Bà Tiêu chia sẻ rằng, cửa hàng nhỏ này là niềm vui lớn nhất của hai ông bà ở cái tuổi xế chiều này. Khi nghỉ hưu, ông bà quyết định làm thêm gì đó cho khuây khỏa. Vào những năm 1999, phong trào đọc truyện tranh ở Việt Nam phát triển rất mạnh. Thời ấy chưa có internet, cũng không nhiều máy tính, điện thoại thông minh như bây giờ, nên lũ trẻ đắm chìm trong thế giới nhiều hình ảnh của những cuốn truyện tranh. Đó cũng là lý do ông bà quyết định chọn “cho thuê truyện” làm nghiệp cuối đời.

Niềm vui lớn cho tuổi xế chiều

Niềm vui lớn tuổi xế chiều.

Nói “cho thuê truyện” đối với ông bà là cái nghiệp cũng không phải quá lời, bởi hai người đã dành rất nhiều tâm huyết để chăm chút cho nơi “nuôi dưỡng tâm hồn” của những đứa trẻ này. Bà chỉ những hàng chữ viết tay dán khắp cửa hàng, chỉ dẫn cho người đến thuê truyện những điều cần lưu ý đều là của ông viết. Nhìn ngắm sự ngay ngắn, nắn nót của con chữ, cách dán bắng dính trong để mực khỏi phai, để giấy khỏi rách cũng đủ để chúng ta cảm nhận, ngày xưa ấy, ông đã làm chúng cẩn thận đến mức nào.

Ngày trước thuê truyện là phải có tiền đặt cọc. Nhưng quán ông bà ngay từ những ngày đầu đã kinh doanh bằng “niềm tin” rồi. Thuê truyện ở đây không ai phải đặt cọc cả. Ban đầu, ông bà cũng tính sẽ làm giống mọi nơi, nhưng lại nghĩ: Nếu có tiền đặt cọc, thì người ta đã đi mua truyện về để đọc, chứ không phải đi thuê cho phiền phức. Mà dân mình hồi ấy cũng nghèo, trẻ con tiền quà bánh cũng không có nhiều.

Thuê truyện ở nhà ông bà không ai phải đặt cọc tiền.

Thế là, ông bà cùng nhau sáng tạo ra phương thức: Tạo cho mỗi khách một mã thuê truyện, bao gồm: địa chỉ nhà, số điện thoại, họ tên người thuê. Mỗi người một mã số là đủ để ông bà yên tâm để khách thuê bao nhiêu tùy thích.

Mã số khách hàng chính là cách để ông bà có thể tin tưởng cho mọi người mượn sách truyện thoải mái.

Bên cạnh đó, ông cũng dán trong cửa hàng những lời nhắc nhở nghiêm túc, để mọi người ghi nhớ cách hành xử đúng đắn.

Những lời nhắn nghiêm khắc nhưng cần thiết.
Những lời nhắc nhở về cách hành xử đúng đắn.

Trong cuộc gặp gỡ, bà còn kể lại những vui buồn của nghiệp cho thuê truyện ấy. Có lần, cả một lớp không trả truyện cho ông bà. Ông theo mã số mà đến tận trường, gặp ban giám hiệu để đòi lại hết số truyện bị mất. Hay có lần, khách đến đông, xe để ngoài ngõ nhiều lại không có ai trông coi nên bị mất. Khi ấy người ta gán cho cửa hàng tiếng “trộm xe”. Ông buồn lắm, nhưng ông chỉ lặng lẽ mua nhiều khóa xe về. Mỗi lần khách đến tự lấy khóa, khóa xe để bảo vệ tài sản của mình.

Cứ bình yên như thế, ngày ngày ông bà mở cửa và cho những đứa trẻ thuê truyện, hay cũng chính là “thuê một thế giới khác”, để chúng cùng vui, cùng buồn với nhân vật, để học thêm những điều mới mẻ về tình bạn, về lòng dũng cảm, về rất nhiều những điều tốt đẹp khác nữa. “7 viên ngọc rồng”, “Doraemon”, “Mặt nạ thủy tinh”, “Herman”, … đã biến những buổi chiều bình yên của bao đứa trẻ trở thành những kỷ niệm chẳng thể nào quên.

Lắng nghe câu chuyện của bà, có lẽ ai cũng cảm nhận được ít nhiều về ông Phú, người không còn ở quán thuê truyện này cũng đã hai năm rồi.

Mọi thứ vẫn vậy chỉ có ông là đã xa rồi

Cách đây hai năm, ông trải qua một cuộc phẫu thuật để gắp mảnh đạn ghim vào thân thể từ hồi chiến tranh. Nhưng rồi, con đường nhân thế của ông cũng dừng lại ở đó, để lại cho bà gia sản lớn nhất này.

Ông đã xa rồi, giờ chỉ còn mình bà trong quán truyện cũ.

Cửa hàng cho thuê truyện nhỏ bé vì thế không còn chỉ là “bảo tàng” quý giá của tuổi thơ nhiều thế hệ. Mà nó chính là nơi lưu giữ tình cảm vợ chồng của ông bà. “Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, ông bà đã chung tay, chung sức, chung lòng cho cửa hàng suốt bấy nhiêu năm. Đó là lý do vì sao, dù đã ở tuổi 83, mắt đã không còn nhìn thấy rõ do bệnh tiểu đường biến chứng, tay chân cũng run do tuổi đã già và bây giờ cũng không còn mấy ai lui tới để thuê tranh truyện, nhưng bà vẫn mở cửa hàng nhỏ của mình mỗi ngày.

Ngày nào, bà cũng mở cửa hàng dù người ta bây giờ không còn lui tới quán nhiều như ngày xưa nữa.

Khi được hỏi, bà sẽ duy trì cửa hàng đến bao giờ, bà trả lời đơn giản: Đến khi bà chết. Bởi cửa hàng này chính là nguồn vui sống của bà và nó cũng là nơi chứa tất cả những kỷ niệm về ông.

Cho tôi xin một vé quay về với tuổi thơ

Một lần được trở lại với cửa hàng thuê truyện của ông Phú bà Tiêu, hẳn nhiều bạn đọc sẽ được trở về với bầu trời tuổi thơ, trong sáng và bình yên của riêng mình. Khi ấy, dù phải trốn bố mẹ, phải nhịn ăn sáng để mỗi tuần lại được đọc tập truyện mới, nhưng hẳn sẽ không ai hối tiếc.

Tuổi thơ ấy sao đẹp tới vậy? Thời ấy, cái gì người ta cũng chia sẻ với nhau, mà không quên nâng niu những gì mà mình cầm trên tay. Thời ấy, có những nơi chốn mà lũ trẻ có thể lui tới, không chỉ đọc truyện mà có thể chuyện trò, có thể tìm được những người bạn mới. Thời gian ấy, người ta cũng có thể lấy sự hiện diện của người khác, niềm vui của người khác làm niềm vui cho mình.

Bởi vì đó là nơi cất chứa niềm vui sống của bà và những kỷ niệm về ông.

Có thể bạn sẽ nghĩ, tại thời đó nghèo, nên cái gì cũng phải sẻ chia, ngày đó thiếu thốn nên cái gì cũng thành hay, thành đặc sắc. Ngày đó nghèo, nên tình người mới càng trân quý. Vậy, liệu có phải tất cả đổi thay là do cái nghèo ở bên ngoài ấy đã biến mất, và chúng ta đang để mình trôi theo dòng chảy xiết của vật chất, của thụ hưởng, để rồi dần chôn sâu những điều tốt đẹp trong sâu thẳm tâm hồn?

Nguồn ảnh: Afamily 

Hy Văn