Còn hai ngày nữa là đến ngày giỗ của mẹ tôi. Từ ban công nhà, tôi nhìn mây hoàng hôn dần buông. Trời chiều dễ làm cho con người ta nhớ đến quê hương, mà nhớ quê hương là nhớ đến mẹ.

Mẹ và quê nhà quyện lại thành một, như câu ca dao:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Mẹ tôi, tôi vẫn nhớ hồi tôi còn rất bé… Tôi là con út nên được ôm bầu sữa mẹ lâu hơn các anh chị. Ngày tôi thôi bú chính là ngày trong làng có Hát Bội Cúng Đình. Hôm ấy, chị vác tôi lên vai, cùng nhiều người trong xóm vui vẻ ra đình làng xem hát bội.

Anh tôi nói:

– Chị ẵm nó theo làm chi cho mệt, biết gì mà coi!

– Kệ, chị cho nó đi chơi.

Lần đầu tiên tôi rời mẹ vào cái lúc chập tối, thời điểm trong ngày mà trẻ con không thể vắng mẹ. Đòi có mẹ, nằm với mẹ, chơi với mẹ… Suốt ngày có thể vắng mẹ, nhưng lúc chập tối là cần mẹ ở cạnh bên.

Chị bế tôi đi qua những bờ ruộng. Thời ấy người ta bó lá dừa làm đuốc, một người cầm đuốc, tám chín người đi theo cùng.

Từ nhà tôi đến đình Quang Phong khoảng 2 cây số, nhưng lúc ấy tôi không biết đường đi bao xa. Chị tôi bế tôi trên tay như một niềm vui, còn lủ khủ khăn nón bao quanh tôi nữa. Chưa hết, lúc xem hát đông người, chị còn đưa tôi cao lên trên vai chị, cố gắng để tôi trông thấy chiếc lông công gắn trên mũ của ông kép hát. Chỉ một lát sau là tôi đã ngủ trên vai chị. Vậy là chị ẵm tôi về nhà, không thể xem tiếp vở tuồng. Không biết lúc về có ai cầm đuốc soi cho chị đi qua bao nhiêu vườn tược, bao nhiêu bờ ruộng mới tới nhà, cực khổ biết bao. Trên tay chị êm ái, tôi ngủ ngon lành, chỉ giật mình khi được đặt xuống giường.

Mẹ nói:

– Ẵm em theo thì có coi hát được gì!

– Dạ kệ mà, đi cho biết.

Tôi tỉnh giấc và đòi mẹ. Mẹ đến nằm cạnh bên tôi, theo thói quen tôi nép vào ngực mẹ và tìm bầu sữa mẹ. Mẹ cố tình mở áo cho tôi xem, sao có nhiều vết đen quằn quện trên bầu sữa thế kia? Mẹ vừa chỉ vào vết ấy vừa nói: “Ghê quá!”.

Trẻ con rất dễ tin, tôi quay mặt đi, không đòi bú mẹ nữa. Bù lại, tôi được chị đút cho ăn cái trứng gà. Ăn xong, nằm ngủ cho tới sáng.

Sáng hôm sau, nhớ bầu sữa mẹ mà cũng nhớ vết đen thấy ghê đêm trước, tôi nhè nhẹ mở áo mẹ xem. Mẹ lặng yên theo dõi cử chỉ của tôi, nhìn kỹ, tôi thấy vết ghê ấy vẫn còn. Tôi liền kéo áo mẹ đậy lại, không biết rằng người lớn đã quẹt lọ để cai sữa cho trẻ con. Sau, tôi nghe mẹ kể lại với người hàng xóm:

– Nó dễ lắm! Tôi quẹt lọ vào ngực, nó thấy sợ rồi nghỉ bú luôn.

Lớn lên một chút, tôi theo mẹ về quê ngoại vào dịp đám giỗ ông tôi. Tôi ngơ ngác khoanh tay thưa từng người theo mẹ bảo. Thưa xong rồi, vẫn không thể nhớ nổi hết họ hàng. Về thăm quê ngoại phải đi bộ cách một cánh đồng rộng mênh mông và đây là lần đầu tiên tôi được mẹ cho đi.

Mải mê chơi với bọn trẻ cùng trang lứa, khi sực nhớ tới mẹ, tôi chạy đi tìm, chạy xuống bếp nhà ngoại – không có mẹ, chạy ra sau hè – không có mẹ. Tôi hoảng hốt chạy ra đường, nhìn về hướng nhà mình khóc sướt mướt. Nghĩ rằng mẹ đã đi về nhà rồi. Mẹ ơi!… Mẹ ơi!… Mẹ tôi sang chơi nhà cậu, nghe ai đó nói tôi đang đứng khóc ngoài đường.

Mẹ chạy đến gần ôm lấy tôi, nói:

– Mẹ có thể bỏ con được sao mà con sợ! Con là núm ruột của mẹ mà, làm sao bỏ được mà con lo lắng hở con! – rồi mẹ cũng khóc.

Tôi mừng quýnh ôm ghì lấy mẹ, nói qua tiếng nấc:

– Con… tưởng… mẹ đi… về rồi!

Mẹ lau nước mắt cho tôi và lau cả nước mắt của mẹ:

– Mẹ có thể đi về mà bỏ con ở lại đây sao!… Để con bơ vơ khóc lóc đến không còn thấy đường đi như thế này sao!

Sau này, khi nhắc lại, mẹ tôi thường nói:

– Sao người ta có thể cho con mình để người khác nuôi được? Sao người ta có thể bỏ con giữa chợ hay giữa đường để bá tánh cưu mang? Làm sao ruột của mình mà cắt bỏ cho đành.

Mẹ sinh ra tôi lúc người đã ngoài bốn mươi tuổi. Sau này, tôi thường nghe mẹ nói rằng – lúc ấy mẹ lo lắm – vì biết có sống lâu để nhìn thấy con lớn lên không? Nhưng rồi mẹ tôi đã sống đến chín mươi tuổi, để kịp thấy tôi lao đao trong cuộc đời, để thầm cầu nguyện mỗi lần tôi vấp ngã. Để tôi ý thức nỗi lo sợ một ngày mẹ ra đi khi nhìn tóc mẹ bạc màu.

Mẹ tôi, tóc sương nhuộm bạc tháng ngày

Mẹ tôi, đau buồn nặng trĩu đôi vai…

(Bài hát “Mẹ Tôi” – Tác giả: Nhị Hà)

Giờ đây, mỗi lần về thăm quê nhà, việc đầu tiên tôi làm là thắp nén hương trên bàn thờ mẹ. Như khi mẹ còn sống, tôi cũng đã xa nhà và mỗi lần về tôi sà đến bên mẹ, ôm mẹ và để được mẹ ôm.

Rồi đến lúc ra đi, cũng một nén nhang “Chào mẹ con đi!” mà lòng bùi ngùi nuối tiếc những ngày còn mẹ, một niềm ân hận lớn lao đã không ở bên cạnh mẹ trong những ngày cuối cuộc đời người.

 Lê Huy

Video xem thêm: Nghệ sĩ múa Lê Vi: Tôi may mắn khi tìm thấy ánh sáng chân lý của cuộc đời

videoinfo__video3.dkn.tv||b5876266c__