Thứ Hai, ngày 9/12/2019, ngọn núi lửa Whakaari trên Đảo Trắng, nằm ngoài khơi vịnh Plenty, New Zealand bất ngờ phun trào khiến nhiều người thương vong. Một vị linh mục tên là Geoff Hopkins và con gái của mình là Lillani Hopkins đã hỗ trợ y tế cho các nạn nhân ở đó.

Ngày hôm đó, ông Hopkins 50 tuổi và con gái Lillani 22 tuổi đã có chuyến du ngoạn thăm Đảo Trắng. Khi núi lửa phun trào, họ đang trên một chiếc thuyền du lịch rời khỏi đảo.

Thuỷ thủ của thuyền du lịch quyết định quay lại để giải cứu những người đang mắc kẹt trên đảo và những người đang nỗ lực bơi ra khỏi đảo để giành lại sự sống.

Núi lửa tại Đảo Trắng (ảnh: Daily Mail).

Hopkins nhớ lại, có rất nhiều tiếng la hét, gào thét trong hoảng loạn. Ông nói với CNN về tiếng khóc của các nạn nhân: “Làm ơn đưa tôi ra khỏi đây. Tôi đang bốc cháy, tôi bị bỏng rồi”. Có 23 nạn nhân bị bỏng rất nặng được đưa lên thuyền.

Hopkins nói: “Có nhiều người mặt quần đùi và áo phông. Vì vậy, khuôn mặt và tay chân của họ đều bị cháy đen. Các mảng da ở trên mặt, khuỷu tay và ngón tay bong tróc rơi ra”.

Ông Hopkins và Lillani đã được đào tạo về sơ cứu và là những người đầu tiên cùng với đoàn thuỷ thủ giúp đỡ các nạn nhân, giúp họ duy trì sự sống cho đến khi vào bờ.

Lillani nói với tờ New Zealand Stuff: “Cuộc sống của 23 con người đang nằm trong tay chúng tôi. Có lẽ đây là hai giờ đồng hồ dài nhất trong cuộc đời tôi”.

Lillani là sinh viên Đại học Waikato, cho biết cô đã hoàn thành khoá đào tạo sơ cứu cơ bản để sơ cứu cho trẻ em. Cô chịu trách nhiệm phân chia mức độ bỏng của các nạn nhân, xem xét vết thương nào nguy hiểm đến tính mạng nhất và đặt các thẻ màu xanh, cam, vàng lên cơ thể họ.

Các nạn nhân bắt đầu rơi vào trạng thái bất tỉnh, nhiều người bị sốc khi da phồng rộp và bong tróc. Lillani được chỉ định ở bên cạnh để chăm sóc cho hai người, trong khi cha cô chăm sóc năm người khác.

Chuyến du lịch thám hiểm của hai cha con không ngờ lại trở thành một cuộc giải cứu nạn nhân (ảnh: Sydney Morning Herald).

Lillani nói: “Chúng tôi phải lau sạch người của họ. Lưỡi của họ bị bỏng, chúng tôi phải làm sạch đường thở và mắt của họ”.

Có lẽ chặng cuối trong chuyến đi vào bờ là đau đớn nhất, bởi ngoài việc an ủi các nạn nhân, đoàn hỗ trợ không thể làm gì hơn.

“Trong 10 phút cuối trước khi đội cứu hộ tới, chúng tôi đã hết sạch nước ngọt. Tôi không thể làm gì khác, tôi chỉ có thể ở đó cùng họ, trấn an rằng đội cứu hộ đang trên đường đến, rằng họ sẽ ổn, hãy cố gắng vượt qua”, Lillani nói.

Cô cũng chia sẻ rằng: “Có nhiều người vừa la hét, vừa khóc trên suốt cả đường về”.

Báo Stuff đưa tin, trong số 23 nạn nhân được đưa lên tàu, sau khi vào bờ vài giờ, đã có 5 nạn nhân thiệt mạng.

Tờ CNN cũng cho biết, tại thời điểm xảy ra vụ phun trào núi lửa, trên đảo có 47 người, 8 người được xác nhận đã thiệt mạng. Những người sống sót đang được điều trị tại 4 bệnh viện chuyên về bỏng của New Zealand. Tất cả các bệnh viện này đều ở trong tình trạng quá tải sau thảm hoạ núi lửa ở Đảo Trắng.

Thủy Chi 

Theo Western Journal

Video xem thêm: Cho đi cũng cần phải có trí huệ

videoinfo__video3.dkn.tv||cc0836170__