Nghe lại bản gốc tuyệt đẹp là loạt bài qua đó chuyên mục Nghệ Thuật của Đại Kỷ Nguyên trân trọng dành tặng quý độc giả những ca khúc gốc bất hủ của các phiên bản tiếng Việt mà khán giả Việt Nam vốn say mê, nhưng có thể chưa biết đến sự hiện diện của những bản gốc lộng lẫy và câu chuyện lịch sử đầy xúc động xung quanh của chúng… Chúc quý độc giả những giây phút thưởng thức đầy thú vị và thăng hoa…

Có độc giả đã viết cho Đại Kỷ Nguyên khi đến với loạt bài Nghe lại bản gốc tuyệt đẹp, rằng:

“Đến ngày hôm nay, thế giới lại gần được nhau hơn, thì chúng ta phải cảm ơn tầm quan trọng và sức lôi cuốn của Âm nhạc, mà bất cứ một dân tộc nào đều có thể, qua những nhạc phẩm bất hủ của mình, mang mọi người lại gần nhau, hòa cùng một trái tim, dù ở góc phố nào trên thế giới”.

Mỗi lần đến lễ Giáng sinh, khắp thế giới đều rơi nước mắt thưởng thức ca khúc êm đềm bất hủ đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của toàn nhân loại, đó là ca khúc “Silent night” (Đêm Yên tĩnh), mà nhạc sĩ Hùng Lân đã phổ lời và đặt tên “Đêm Thánh vô cùng”.

Ca khúc nguyên gốc bằng tiếng Đức là “Still nacht” với phần lời gốc do Linh mục người Áo Josef Mohr viết bằng tiếng Đức và phần giai điệu do nghệ sĩ đàn Organ là Franz Xaver Grubersáng tác năm 1818.

Ca sĩ Elvis Phương thể hiện Đêm Thánh vô cùng với chất giọng đầm ấm và thành kính:

Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
Ðất với trời se chữ Ðồng
Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền.

Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn
Nhấp chén phiền vương phong trần
Than ôi Chúa thương người đến quên mình
Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành
Ai đang sống trong lạc thú
Nhớ rằng Chúa đang đền bù.

Tinh tú trên trời, sông núi trên đời
Với thánh thần mau kết lời
Cao sao hóa công đã khéo an bài
Sai con hiến thân để cứu nhân loại
Hang chiên máng rêu tạm trú
Bốn bề tuyết sương mịt mù.

Susan Boyle với giọng ca thiên thần thể hiện Silent Night: 

Andre Rieu cùng dàn nhạc đã khiến khán giả nín lặng trước những giai điệu quá đẹp của vĩ cầm thánh thót:

Một linh mục, một nhà thơ nghiệp dư làm nên một tác phẩm bất hủ

Linh mục Josef Mohr là một nhà thơ nghiệp dư, đã sáng tác lời “Stille Nacht” từ năm 1816. Nhưng mãi đến mùa Lễ Vọng Giáng sinh năm 1818, Linh mục Josef Mohr mới tìm được một nhạc sĩ sáng tác để nhờ viết âm điệu cho những dòng thơ của bài “Stille Nacht” để sẽ trình diễn trong thánh đường vào đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng 12 năm 1818.

Theo truyền thống của các thánh đường Công giáo vào thời Trung cổ thì trong các buổi thánh lễ ở nhà thờ chỉ được sử dụng đàn Phong cầm (Harmonium) cho các ca đoàn khi hát thánh ca mà thôi. Nhưng điều đáng tiếc là cây đàn Phong cầm duy nhất của nhà thờ Thánh Nicola-Kirche ở Obendorf thuộc nước Áo do Linh mục Josef Mohr làm cha xứ đã bị hỏng vào phút chót nên Linh mục Josef Mohr phải đề nghị Nhạc sĩ Franz Xaver Gruber soạn phần giai điệu cho đàn Tây ban cầm Guitar.

Nhà nguyện Silent-Night tại Oberndorf

Ca khúc “Stille Nacht” với lời bằng tiếng Đức và nhạc hoàn chỉnh vào ngày 24 tháng 12 năm 1818 để trình diễn lần đầu trong thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh khuya 24 rạng sáng ngày 25-12-1818 tại nhà thờ Thánh Nicola-Kirche vùng Obendorf của nước Áo.

Điều đặc biệt với cây đàn guitar lần đầu tiên được đệm cho một bài Thánh ca

Người ca sĩ duy nhất hát bài “Stille Nacht” lần đầu trong buổi thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh khuya 24 rạng sáng ngày 25-12-1818 tại nhà thờ Nicola-Kirche chính là Linh mục Josef Mohr; với tiếng đệm đàn Guitar hòa tấu êm nhẹ trầm ấm của chính Linh mục Josef Mohr và cây đàn Guitar của nhạc sĩ Organ người Áo là Franz Xaver Gruber cùng với ca đoàn nhà thờ hát phụ họa.

Hình vẽ Lm Josef Mohr và Nhạc sĩ Franz Xaver Gruber đều là người Áo, đồng tác giả của bài “Stille Nacht” (Silent Night) 1818. (Ảnh: hoithanhphucquyen.org)

Lúc đầu, người dự lễ tỏ ra kinh ngạc khi nghe ca khúc được trình bày với đàn Guitar, nhưng âm thanh và lời ca như một giòng điện truyền sâu trong tim óc của từng người nghe. Cả cộng đoàn giáo dân im lặng thưởng thức và khi bài ca với phần đệm đàn Guitars của hai đồng tác giả vừa chấm dứt, cả nhà thờ đứng dậy với tiếng vỗ tay kéo dài như vô tận.

Chẳng bao lâu mọi người bị mê hoặc bởi giai điệu ngọt ngào của bài hát này.

Các giáo dân truyền miệng nhau say sưa nói về bài hát tuyệt vời “Stille Nacht” của đêm Giáng Sinh; Tòa Giám mục hay biết và các giáo đường, các họ đạo sao chép rồi chẳng mấy chốc bài thánh ca “Stille Nacht” đã lan ra khắp nước Áo, vượt biên giới đến nước Đức và rồi tràn ngập khắp Châu Âu.

Tranh cổ vẽ 2 tác giả của bài hát Stille Nacht (Silent Night) tại nhà bảo tàng: Lm Josef Mohr (trái) và Franz S. Gruber

Ca khúc giữ kỷ lục về bản dịch ra các ngôn ngữ

Năm 1859, Đức Giám mục Giáo phận Florida, Hoa Kỳ là John Freeman Young đã cho ra đời bản dịch tiếng Anh của thánh ca “Stille Nacht”, và nó trở thành bản được nhiều người biết đến nhất hiện nay.

Khoảng 100 năm sau, vào thời Chiến tranh thế giới lần thứ 1 1914-1918, bản thánh ca “Stille Nacht” và bản tiếng Anh là “Silent Night” đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ ở Châu Âu.

André Rieu cùng dàn nhạc của ông đã khiến khán giả nín thở vì bản nhạc tuyệt đẹp với tiếng vĩ cầm trong vắt…

Ca khúc đình chiến đêm Giáng sinh trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất

Ca khúc này cũng từng được hát cùng một lúc bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức trong ngày đình chiến đêm Giáng sinh năm 1914 trong Chiến tranh Thế giới lần thứ I, vì đây là một thánh ca mà các binh sĩ của cả hai bên trong cuộc Thế chiến đều biết và ưa thích.

Cuối Chiến tranh thế giới lần thứ II, bài thánh ca “Stille Nacht” (Silent Night) được dịch ra 60 thứ tiếng khác nhau. Và đến nay, mặc dù toàn thế giới chỉ có 196 Quốc gia (kể cả Đài Loan); nhưng bài thánh ca “Stille Nacht” (Silent Night) đã được dịch ra trên 280 loại ngôn ngữ khác nhau, trong đó có dịch ra tiếng Việt Nam do cố Nhạc sĩ Hùng Lân chuyển ngữ dưới tựa đề “Đêm Thánh vô cùng”.

Cảnh trong Phim “Stille Nacht”: Lm Josef Mohr (do tài tử Carsten Clemens), Maria (Janina Elkin) và Anton (Manuel Mairhofer) diễn tả khi Lm tập cho những người trong ca đoàn nhà thờ hát bài thánh ca Stille Nacht

Bảo tàng tưởng nhớ sự ra đời của ca khúc Silent Night

Từ đầu thập niên 1900, Nhà thờ Thánh Nicôla bị lũ lụt tàn phá, thị trấn được dời lên một nơi an toàn hơn ở thượng nguồn dòng sông, một ngôi nhà thờ mới được xây dựng bên cạnh một chiếc cầu. Một nhà nguyện nhỏ gọi là Stille-Nacht-Gedächtniskapelle (Nhà nguyện Tưởng nhớ Ca khúc Đêm Yên Lặng) được dựng lên ngay tại địa điểm của ngôi nhà thờ cũ bị phá hủy, và ngôi nhà kế cận được biến thành nhà bảo tàng, quanh năm thu hút du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng đông nhất vẫn là trong tháng 12.

Bản viết tay của ca khúc được tìm thấy

Mặc dù bản gốc của ca khúc đã bị thất lạc, một bản viết tay của Linh mục Josef Mohr đã được tìm thấy vào năm 1995, các nhà nghiên cứu xác định nó thuộc vào khoảng năm 1820.

Điều này cho thấy linh mục Josef Mohr đã viết lời bài hát vào năm 1816 khi ông được phân công đến phụ trách một nhà thờ hành hương ở Mariapfarr (Áo). Phần nhạc được sáng tác bởi Nhạc sĩ Franz Xaver Gruber vào năm 1818 tức 2 năm sau khi phần lời của “Stille Nacht” đã được Linh mục Josef Mohr sáng tác. Đây là bản cổ nhất, cũng là bản viết tay duy nhất của Linh mục Josef Mohr. Giai điệu được sáng tác bởi Nhạc sĩ Franz Xaver Gruber chịu ảnh hưởng của âm nhạc truyền thống tại các vùng nông thôn, phảng phất những nét đặc trưng của dân ca Áo.

Bài hát cổ được tìm thấy của Lm Josef Mohr năm 1995

Nói chung các phiên bản hiện nay có giai điệu được sử dụng thường là chậm, theo lối hát ru, có một chút khác biệt so với bản nguyên gốc của Nhạc sĩ Franz Xaver Gruber (đặc biệt là ở các dòng cuối cùng) có tiết tấu linh hoạt, gần như nhạc khiêu vũ.

Ngày nay, lời và giai điệu ca khúc đã được đưa vào phạm vi “Sở hữu công cộng” của điều luật về tác quyền.

Ca khúc vẫn thường được trình diễn không cần nhạc đệm theo lối “a cappella”. Mặc dù được sáng tác bởi hai tín hữu Công giáo, bài hát này cũng có một vị trí đặc biệt trong các nhà thờ thuộc Giáo hội Luther.

The King’s Singers trình bày Stille Nacht: 

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Xin kết thúc bài viết bằng một câu trong bài hát, như lời nhắn nhủ mọi người cùng hướng tới thiện lương và an lành đón thời khắc Chúa giáng sinh: 

Than ôi Chúa thương người đến quên mình
Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành
Ai đang sống trong lạc thú
Nhớ rằng Chúa đang đền bù.

Hà Phương Linh